Những ngày này, khi nghe lại những bài hát về chủ đề biển đảo, ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước cũng như tôn vinh những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển trời Tổ quốc, hẳn ai nấy đều cảm thấy xúc động bồi hồi.
Yêu nước trải nghiệm nơi cực bắc Tổ quốc
Tổ quốc phía mặt trời
Nằm trên đất, nghĩ về thân phận Tổ quốc
Nói với con về đảo xa Tổ quốc
"Tổ quốc nhìn từ biển"
Một trong những bài hát hay nhất về đề tài biển đảo phải kể tới “Biển hát chiều nay” của nhạc sĩ Hồng Đăng, nguyên Phó Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam. Lời ca đượm chất thơ, nghe dạt dào như tiếng sóng biển: “Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao/Con thuyền rất vui, và gió hát ngọt ngào”, rồi trở nên da diết “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng” và cuối cùng là thủ thỉ, tâm sự “Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương/Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”...
Nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác “Biển hát chiều nay” trong một chuyến đi thực tế dài ngày trên biển vào năm 1980. Sau đó, bài hát trở nên phổ biến và hầu như tất cả những bộ phim nào có cảnh biển ra đời trong những năm 1980 đều có lồng đoạn nhạc của bài hát này. Rất nhiều thế hệ ca sĩ đã thể hiện thành công "Biển hát chiều nay," từ Lê Dung, Ngọc Bích, Lệ Quyên và đến gần đây nhất là Mỹ Linh trong chương trình “Con đường âm nhạc” tôn vinh nhạc sĩ Hồng Đăng.
Ra đời cùng thời điểm với “Biển hát chiều nay,” thậm chí còn sớm hơn một chút là “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song. Bài hát chính là tiếng lòng của những chiến sĩ canh giữ ngoài biển đảo, nhớ về người con gái nơi đất liền.
Nhạc sĩ Thế Song sáng tác bài này sau một chuyến đi thực tế ở miền biên giới vùng Đông Bắc vào tháng Tư năm 1979. Khi dừng chân tại một trạm sửa chữa tàu biển của Hải quân ở Hạ Long, nhạc sĩ đã có dịp tiếp xúc với các chiến sĩ vừa từ hải đảo trở về, được nghe tâm tư của những chàng trai trẻ, những người gạt lại tình riêng để đi làm nhiệm vụ bảo vệ tấc đất mà cha ông để lại ngoài biển khơi.
Nhạc sĩ Thế Song kể, trong lúc trò chuyện, một chiến sĩ đã đề nghị ông viết tặng các chiến sĩ đóng ngoài biển đảo một ca khúc, và lời đề nghị đó chính là “đơn đặt hàng” để ông viết nên những câu hát dung dị nhưng đầy xúc động: “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà”, rồi bùng lên cháy bỏng “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/Quần đảo đứng hiên ngang trên vùng xa ngời sáng.”
Có thể nói, đây là bài hát hay nhất về đề tài tình yêu của người lính đảo với những câu hát đầy hình tượng “Tháng năm con tầu quen sóng cả quen gió biển/Nước cả hồ nắng phơi giòn thêm ánh thép/Cánh chim hải âu bốn mùa về cùng anh vui ra khơi/Cánh hoa biển trắng là kỷ niệm anh gửi về tặng em/Đây súng khoác trên vai trăng đầu núi soi hình anh đang đứng đó/Nhắn về đất liền cánh buồm chở đầy tin yêu/Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui/Đẩy con tầu ra khơi, đẩy con tầu ra khơi.”
Người gắn liền tên tuổi với ca khúc này là nghệ sĩ Tiến Thành, và gần đây là Trọng Tấn. Nhưng có lẽ, những người thích hợp nhất để trình bày ca khúc chính là những chiến sĩ ngoài hải đảo, những nhân vật chính trong bài hát.
Bên cạnh hai bài hát trên, còn rất nhiều sáng tác hay nữa về đề tài biển đảo, như "Việt Nam - đất nước bên bờ sóng" của nhạc sĩ Thái Văn Hóa, “Bến cảng quê hương tôi” của nhạc sĩ Hồ Bắc, hay “Chút thơ tình người lính biển” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thơ Trần Đăng Khoa, với lời ca vừa lãng mạn, vừa hào hùng, nhắc nhở mỗi người trong chúng ta luôn nhớ đến những người chiến sĩ ngoài biển đảo: “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người/Anh đứng gác trời khuya đảo vắng/Biển một bên và em một bên”...
Nghe ca khúc "Nơi đảo xa" qua thể hiện của nghệ sĩ Tiến Thành:
Nghe ca khúc "Chút thơ tình người lính biển" qua thể hiện của nghệ sĩ Hoàng Phương:
Theo Hoài Sa (Vietnam +)