- Nghe bà bầu la hét ngay khoang ghế sau, chân tay anh cũng quýnh quáng, cố hết sức vượt qua “ma trận” kẹt xe trên từng đoạn đường. Đoạn đường chỉ hơn 10km nhưng anh phải đi mất cả tiếng đồng hồ còn bà bầu thì đã… sinh bé gái từ bao giờ.
Những ngày cuối năm, tình trạng kẹt xe diễn ra nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường của TP. Bất kể sáng chiều, ngay cả giữa trưa người Sài Gòn cũng muốn “phát điên” vì kẹt xe. Người đi xe máy leo vỉa hè “đẩy” người đi bộ xuống lòng đường, nhiều người len lỏi, luồn lách qua dòng xe hơi nối đuôi nhau xếp hàng chật kín trên đường.
Kẹt xe không chỉ làm người dân mệt mỏi, bực tức dưới cái nắng chói chang những ngày cuối năm mà còn ảnh hưởng đến công việc, buôn bán dịp Tết. Ngay cả xe cứu thương đôi lúc cũng bóp còi inh ỏi rồi bất lực khi “mắc cạn” giữa dòng xe cộ chật như nêm. Khi đó, tài xế đành tắt còi hụ, chỉ còn đèn ưu tiên chớp nháy như thể chấp nhận “bó tay” với kẹt xe.
Suýt chết hụt vì đẻ rơi trên xe taxi
Và khi nói đến kẹt xe, hẳn nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện chiếc taxi chở bà bầu đến bệnh viện phụ sản khi chị bị đau bụng. Thế nhưng thay vì chỉ 15-20 phút đến bệnh viện khi đường thông thoáng, bác tài đã mất cả tiếng đồng hồ mới luồn lách ra hết con đường xe kẹt còn bà bầu đã sinh con từ lúc nào…
Ngay cả xe cấp cứu cũng “mắc cạn” giữa dòng xe cộ trên đường khiến người đi cấp cứu gặp nguy hiểm hơn. Ảnh minh họa: Thái Phương |
Người tài xế hôm đó chính là anh Phạm Giang Linh, 41 tuổi, tài xế của hãng Vinasun. Gặp tôi dịp cuối năm, anh đang bận bịu với công việc nhưng khi nhắc đến vị khách đặc biệt của mình – bà bầu và em bé, anh cười hóm hỉnh bảo: “Đúng là chuyện hy hữu, giờ nhớ lại vẫn thấy rùng mình”.
Sáng ngày 28/10/2010, anh Linh nhận được thông báo từ tổng đài Vinasun tới đường Mã Lò, khu phố 13, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân đón khách.
Tới nơi, thấy một người phụ nữ đang được người nhà đưa ra xe, anh chỉ nghĩ khách bị thương cần đi bệnh viện. Khi biết khách – chị Nguyễn Thị Kim Phương là sản phụ đang bị đau bụng, anh được yêu cầu chở trạm xá tại ngã tư Bốn Xã để sinh con. Thế nhưng khu vực này kẹt xe cứng ngắc, cả đoạn đường dòng xe ô tô, xe buýt nối đuôi nhau khiến chiếc taxi của anh như mắc vào “ma trận” kẹt xe. Đến nơi, trạm xá cho biết nơi đây không có chức năng đỡ đẻ.
Trong lúc chiếc taxi đang cố gắng thoát kẹt thì chị Phương không ngừng kêu đau bụng, rên la đau đớn. Anh Linh sốt ruột đề nghị người nhà chuyển chị đế bệnh viện Triều An, Q.6 gần đó. Thế nhưng xe của anh lại tiếp tục lạc tiếp vào “ma trận” kẹt xe tại ngã tư An Dương Vương - Tân Hòa Đông. Giao lộ này đường hẹp, xe đông buộc anh phải mở đèn ưu tiên nhưng… chẳng ai nhường.
“Tôi cố gắng hét thật to, mở gương, gập kính chiếu hậu để la xin mọi người tránh đường nhưng ai cũng vượt lên trước. Nhìn ra phía sau, chị Phương đau đớn khiến anh Phan Thanh Long, chồng chị cũng bị mất tinh thần. Một lúc sau cả tôi, anh Long và một chị đi cùng đều đồng thanh la to xin mở đường, xe mới đi nhanh hơn một chút” – anh Linh nhớ lại.
Khoảng 11h, chị Phương la thất thanh “đẻ rồi” xong ngất lịm đi, người chồng hoảng loạn tinh thần không làm được gì. Còn anh Linh cũng luống cuống chỉ biết lái xe thật nhanh đến bệnh viện…
Thế nhưng khi đến được khu vực vòng xoay Phú Lâm, xe của tài xế taxi vẫn chưa thoát ra khỏi kẹt xe do đường Bà Hom có “lô cốt” án ngữ hết nửa mặt đường. “Khi đến được bệnh viện Triều An, người vợ ngất lịm còn người chồng cũng muốn… ngất theo không biết làm gì. Tôi phải chạy vào gọi bác sỹ nhờ họ ra cấp cứu cho đứa bé cùng sản phụ ngay ở băng ghế sau của chiếc taxi” - anh Linh kể.
May mắn, cả mẹ lẫn con đều qua cơn nguy kịch. Suốt thời gian lái taxi, đây là lần đầu tiên anh chở sản phụ đi bệnh viện mà… đẻ luôn trên xe taxi vì kẹt xe.
Đến bệnh viện gặp kẹt xe: Nguy kịch!
Anh Phạm Giang Linh (ở giữa) người đã gặp vị khách đặc biệt – thai phụ đẻ rơi con trên taxi. |
“Lần nọ, tôi chở một sản phụ đến bệnh viện Triều An nhưng do kẹt xe trên đường Hồng Bàng, Q.11, người sản phụ đó đã bị vỡ nước ối phải đưa vào phòng cấp cứu” – anh Linh nhớ lại.
“Kẹt xe” – hai từ quá quen thuộc và dường như trở thành nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM mỗi khi ra đường. Thậm chí, với kinh nghiệm lái xe lâu năm và từng chở nhiều… bà bầu đi sinh, anh Linh cho rằng khi bác sỹ chuẩn đoán 1,2 ngày nữa sẽ sinh các thai phụ nên đến bệnh viện nằm trước để được chăm sóc chu đáo.
“Dù có tốn tiền một chút nhưng với tình hình kẹt xe như hiện nay mà đau rồi mới đến bệnh viện e là sẽ gặp nguy hiểm. Trường hợp thai phụ đẻ rơi trên xe, tôi cũng muốn lạnh toát người bởi nếu chẳng may mẹ con chị ấy gặp nguy hiểm thì tôi mang tội, dù tội của… kẹt xe lớn hơn nhiều” – anh Linh bộc bạch.
Sau khi xuất viện, vợ chồng anh Long có điện thoại cám ơn mời đến nhà chơi rồi thậm chí còn muốn anh làm… cha đỡ đầu cho con gái may mắn của họ. Thế nhưng anh Linh chỉ cười cám ơn rồi hỏi thăm cháu bé. Anh tâm sự: “Mình làm phúc giúp được người khác là may rồi chứ ơn huệ làm gì” – anh nói.
Thậm chí, ngay tên người mẹ anh còn ngờ ngợ khi mới vào đầu câu chuyện. Tên chị Phương được anh lưu trong điện thoại là “bà đẻ” vì anh không nhớ rõ khi ra về từ bệnh viện. Chỉ bé Lọt - cô bé được đẻ rơi trên taxi là anh ấn tượng với cái tên đặc biệt này.
Anh Phan Thanh Long, ba bé Lọt cho biết con anh hiện rất khỏe mạnh. Cháu được hơn 3 tháng tuổi và đã biết lật. Anh rất cám ơn người tài xế tốt bụng đã cố gắng chở vợ anh đến bệnh viện và còn không bận tâm khi anh trả… thiếu tiền taxi. |
Thái Phương