Vì sở thích thuần phục loại chim trời tiền tỷ này và cũng vì có nguồn thu nhập khá nên ai ở Bình Phước đã “bén duyên” với việc xây nhà yến thì không dứt ra được.

Từ làm thợ đến làm thầu, rồi mở công ty kinh doanh vật tư thiết bị cho nhà yến hoặc chấp nhận rày đây mai đó, xa gia đình dăm ba tháng chỉ để thỏa cái thú nhìn thấy chim trời tiền tỷ vào làm tổ trong nhà.

Không ai thống kê được có bao nhiêu thợ làm nghề xây nhà yến. Nhưng có cung ắt có cầu, khi nào tổ yến vẫn còn là thức ăn xa xỉ và bổ dưỡng thì nghề này vẫn còn hấp dẫn nhiều người!

Lộc trời

Theo nghề hưởng lộc trời này có thể kể đến 2 “trùm” trong làng xây nhà yến trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Thu nhập trung bình 800 triệu đồng mỗi tháng từ 1.000m2nhà yến, Nguyễn Hoài Nam (1993) ở xã Bù Nho, huyện Phú Riềng có đủ cơ sở để minh chứng cho sự thành công trong xây dựng nhà yến. Nhà yến của gia đình Nam được xây dựng cách đây 9 năm và có thương hiệu “Yến sào Nam Anh” là điển hình đầu tiên tại Bình Phước.

{keywords}
Thợ xây đang làm phần móng một căn nhà yến mới tại xã Bù Nho, huyện Phú Riềng

Năm gia đình xây nhà cho yến vào ở, Nam tròn 18 tuổi. Lúc này, Nam vừa học xong phổ thông thì quyết định đi theo người chú, cũng là người xây nhà yến cho gia đình Nam - để học nghề, rồi đam mê lúc nào không biết. Có kiến thức thực tế cộng thêm đam mê nên Nam tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật xây nhà cho yến ở.

Sau đó, Nam áp dụng vào chính nhà yến của gia đình và số lượng yến quy tụ về làm tổ ngày một đông. Đến nay có khoảng 60-70 ngàn con chim yến, mỗi tháng thu 40kg tổ yến doanh thu hàng trăm triệu đồng. Khi đủ độ chín của nghề, Nam nhận thầu các công trình nhà yến tùy mức độ trọn gói hoặc chỉ thi công phần kỹ thuật lắp ráp thiết bị.

Từ năm 2014 đến nay, Nam đã nhận làm hơn 150 nhà yến trong và ngoài tỉnh. Mức giá đối với phần thi công lắp ráp thiết bị nhà yến từ 800 ngàn đến 1,4 triệu đồng/m2, còn trọn gói thi công (gồm cả phần xây dựng nhà) từ 3,4-4 triệu đồng/m2.

Một “trùm” khác đó là Trần Tuấn Anh (1989) ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành. Từ năm 2015 đến nay, Tuấn Anh đã nhận thi công hơn 300 nhà yến, trong đó trên địa bàn tỉnh Bình Phước hơn 200 căn. Xuất phát từ chính ngôi nhà yến của gia đình xây vào năm 2013, Tuấn Anh đã theo nghề làm kỹ thuật lắp ráp thiết bị nhà yến từ đó.

Tuấn Anh cho biết gia đình thuê kỹ thuật từ Sài Gòn lên làm, nhưng ít yến đến xây tổ nên anh phải tìm cách khắc phục và đã thành công khi tự tay thiết kế lại phần kỹ thuật để “dụ” yến về đông hơn. Hiện nay với 240m2 mặt sàn, mỗi tháng anh thu 10kg tổ yến. Mỗi công trình Tuấn Anh thi công đều có điều khoản bao tiêu sản phẩm, vì vậy anh đã xây dựng được thương hiệu yến sào Nam Phú.

Giải mã "vía" của nhà thầu xây nhà dụ yến

2 nhà yến cách nhau mươi mét nhưng có nhà chim yến bay vào làm tổ ở luôn, có nhà thì chim chỉ đến hót cho vui rồi bay mất. “Vía” của nhà thầu, “vía” của gia chủ là cách người đời “đổ” cho những ngôi nhà làm xong mà không một cánh yến chao qua hoặc có bay vào rồi lại bay đi mất.

Và rồi cái “vía” ấy trở thành nỗi ám ảnh của những người chuẩn bị xây nhà yến nên họ phải tìm những nhà thầu có tiếng “dụ” được yến giỏi mới dám thuê.

Trao đổi với những người chuyên đi xây nhà yến về “vía” thì họ khẳng định chắc nịch: Không có chuyện “vía” hay may rủi trong việc làm nhà yến. Chỉ một yếu tố quyết định là kỹ thuật! Thành công hay thất bại thì 99% do kỹ thuật xây dựng và lắp đặt thiết bị dẫn dụ.

9 năm vừa làm vừa nghiên cứu kỹ thuật lắp đặt thiết bị cho nhà yến, chưa lần nào Hoài Nam phải đền hợp đồng vì thất bại. “Thị trường kỹ thuật rất đa dạng, mỗi người có bí quyết khác nhau dựa vào sự tích lũy và phát triển thêm từ căn bản. Để giữ được uy tín cần làm bằng cái tâm chứ không chỉ vì tiền. Có những công trình phải thay 5-10 bộ âm thanh mới chọn ra bộ phù hợp và 2 nhà yến sát nhau không thể dùng một kiểu âm thanh” - Hoài Nam khẳng định.

Một nhà yến xây dựng thành công bởi các yếu tố kỹ thuật dẫn dụ, âm thanh, tạo mùi. Một bộ âm thanh có giá từ 3-100 triệu đồng tùy vào độ trong. Càng mắc tiền âm càng được thanh lọc tối đa. Tuy nhiên không nhất thiết phải chọn loại quá đắt, điều quan trọng là kinh nghiệm lắng nghe âm thanh nào thật giống với tiếng chim yến.

Khi chọn được âm thanh phù hợp thì lắp đặt sao cho khoa học để yến không bị mất phương hướng định vị chỗ ở. Khi quyết định vào làm tổ hay không loài chim trời này còn xem xét đồng loại đã có mặt chưa, chính vì vậy một nhà yến mới phải có mùi cũ. Ngoài việc đem phân chim yến đến tạo mùi, thợ kỹ thuật còn dùng hóa chất dẫn dụ được nhập chủ yếu từ Malaysia, Indonesia...

Không lo... thất nghiệp

2018 là năm đỉnh cao từ khi nhà yến được xây dựng trên đất Bình Phước với số lượng gấp 3-4 lần những năm trước. Thợ xây nhà yến hầu hết là người từng xây nhà ở rồi chuyển qua đi xây nhà yến. “Xây nhà yến “khỏe và dễ” hơn, không cầu kỳ chi tiết, lại có việc quanh năm, bởi một nhà yến 400m2 làm từ 4-5 tháng” - Hoàng Văn Thắng ở xã Bù Nho có kinh nghiệm xây hơn 10 căn nhà yến cho biết.

Anh Bùi Thanh Bé ở huyện Hớn Quản đi làm công trình nhà yến ở khu đập thủy lợi Phước Hòa, huyện Chơn Thành từ đầu năm 2018 đến nay cho biết, công việc liên tục, chỉ là có sức làm hay không. Nghề này nếu là thợ không cần kỹ thuật nhiều, phải xa gia đình hằng tháng, thậm chí vài tháng và sinh hoạt tạm bợ trong những túp lều.

Vậy mà những người đã “dính” vào yến thì không muốn dứt ra. Nguyễn Bá Nam ở xã Bù Nho đã gắn bó với nghề cạo mủ cao su nhiều năm, nhưng khi bạn bè rủ đi làm nhà yến thì theo luôn chỉ vì thích và lương khá cao 7 triệu đồng/tháng.

Công việc đều, lương cao là mong muốn của hầu hết người đi làm công ăn lương. Đối với nghề xây nhà nuôi yến vẫn còn đang mới mẻ và không lo... thất nghiệp. Tuy nhiên nếu hiểu rõ thì người đầu tư nuôi yến cũng như người xây nhà yến phải hiểu quy luật bão hòa.

“Đừng thấy lợi nhuận trước mắt mà làm tràn lan, kiểu người khác làm được thì mình làm được, mà phải căn cứ vào nguồn thức ăn, số lượng đàn sinh sản mỗi năm. Khí hậu nóng lên ở Bình Phước đang dần bất lợi cho chim yến trong tìm kiếm thức ăn. Chim mới sinh ra phải bay đi tìm nguồn thức ăn ở xa và nhiều khi... không quay về” - Hoài Nam dự đoán tương lai của đàn chim yến trên địa bàn tỉnh.

Đối với Tuấn Anh, anh nhận thấy trong thời gian tới nhà yến sẽ chựng lại bởi việc dẫn dụ yến không dễ dàng. Số lượng nhà yến đang mất cân đối với số đàn chim nên thay vì một nhà yến mới cần 4-5 tháng có chim vào làm tổ như trước thì hiện nay đã tăng lên 7-8 tháng và tương lai chưa biết mất bao nhiêu thời gian. Điều này ảnh hưởng vốn của nhà đầu tư, ảnh hưởng tới nhà thầu mất thêm thời gian bảo hành thiết bị.

Có những nhà yến thành công và thực tế có một số đã thất bại. Lộc trời cho nhưng giữ và phát triển thì ít người hiểu. Điều này rất cần một chính sách bảo vệ và quy hoạch vùng cho chim yến phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Hiện tổ yến của doanh nghiệp lớn ở Bình Phước như Nam Anh, Nam Phú... cung cấp sỉ để xuất sang Trung Quốc. Đây là thị trường có số dân đông nhất thế giới nhưng lại không có điều kiện để nuôi được loài chim quý này. Có thể nhìn nhận đây là một lĩnh vực chăn nuôi có triển vọng để liên kết tạo thành sản phẩm mang thương hiệu của Bình Phước!

(Theo Báo Bình Phước)