Thợ điện lạnh luôn được coi là nghề “đắt sô” trong những ngày nắng nóng. Nếu như ở miền Nam công việc sẽ đều đặn hơn bởi nắng nóng kéo dài cả năm thì ở miền Bắc nghề sửa chữa điện lạnh có thể coi là nghề “làm một mùa, ăn cả năm”.

Mùa nóng không có ngày nghỉ

Mới vào đầu hè của miền Bắc nhưng nhóm thợ điện lạnh 5 người của anh Nguyễn Quang Tuấn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) làm không ngớt việc. Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát của khách hàng tăng cao khiến cho anh Tuấn làm không có ngày nghỉ.

{keywords}

Nghề sửa chữa điện lạnh thường cho thu nhập rất cao...


Vốn xuất thân từ một thợ sửa chữa điện thoại nhưng do xu hướng của người tiêu dùng thay đổi, họ ít sửa chữa hay mua bán tại những cửa hàng nhỏ mà thường mang đến các trung tâm bảo hành nên cửa hàng điện thoại của anh Tuấn cũng ngày một thưa khách. Để sống được, anh Tuấn đã chuyển sang làm sửa chữa điện lạnh cùng với cậu em trai.

“Làm công việc này vất vả, nguy hiểm hơn nhiều so với công việc trước kia của tôi nhưng được cái đều khách. Mỗi ngày tôi cũng nhận được 5 – 7 khách, những ngày nhiều có thể lên đến hơn chục khách, làm luôn chân luôn tay nhưng cũng không hết việc” anh Tuấn cho hay.

Tuỳ theo "bệnh" của máy mà giá dịch vụ được tính khác nhau. Thông thường, giá bảo dưỡng, lắp đặt mới cho mỗi chiếc điều hòa từ 150.000 - 400.000 đồng tùy dung tích của máy, nạp gas tính thêm 150.000 – 300.000 đồng, giá sửa chữa từ 200.000 đồng – 500.000 đồng tùy từng lỗi. Như vậy, trừ đi tiền vật tư, chi phí mỗi ngày anh Tuấn cũng bỏ túi được 1 – 2 triệu đồng tiền lãi.

Theo anh Tuấn, mùa cao điểm của thợ sửa chữa điện lạnh thường kéo dài từ tháng 4 cho đến tháng 10. Vào những tháng này, khối lượng công việc cũng sẽ tăng gấp 3, gấp 4 lần những tháng khác, đồng nghĩa với việc thu nhập cũng tăng lên gấp bội. Chỉ tính riêng 3 tháng hè năm trước, anh Tuấn cũng bỏ túi được đến vài trăm triệu tiền lãi. Thế nên có nhiều người mới nói, nghề sửa chữa điện lạnh “làm một mùa, ăn cả năm”.

Ngoài sửa chữa, nhiều cửa hàng điện lạnh như anh Tuấn còn thu nhập thêm từ việc bán đồ thanh lý. Nhiều khách có điều kiện sẽ thanh lý các mặt hàng điện lạnh, điện tử với giá cực rẻ. Máy lạnh cũ sau khi làm mới được chạy thử một thời gian. Nếu ổn định và không bị lỗi sẽ bán với giá cao gấp 3-5 lần so với giá mua. Mỗi chiếc máy mua vào, bán ra nhóm cũng thu được vài triệu đồng. Vào mùa cao điểm, tủ lạnh, điều hoà và quạt hơi nước cũ thường cháy hàng.

Có tiền nhưng nhiều… nguy hiểm

{keywords}

Nhưng sự vất vả, nguy hiểm cũng rất nhiều khi họ thường xuyên phải làm việc trong địa hình hiểm trở.

Giữa cái nắng chiều 37 – 38 độ của mùa hè Hà Nội, nhóm thợ của anh Nguyễn Quang – Giám đốc Công ty TNHH Trạm bảo trì đồ gia dụng vẫn phải vắt vẻo trên chiếc thang dây để trèo lên tận tầng 5 của trường THCS Lê Quý Đôn sửa chữa điều hòa. Sau gần 40 phút sửa chữa, khi xuống thang gương mặt anh đẫm mồ hôi và đỏ lên vì nắng nóng. Một tay vừa xách đồ nghề, một tay vừa quệt mồ hôi trên mặt anh nói: “Chị thấy đấy, trong khi người ta được ngồi mát thì mình phải leo trèo giữa trời nắng nóng, có sung sướng gì đâu. Nhưng tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, mỗi người mỗi nghề mà”.

Thu nhập cao là vậy nhưng theo anh Quang nghề điện lạnh cũng được coi là nghề ăn đong, vất vả và lắm nguy hiểm. Từ khi bắt đầu vào hè cho đến khi hết mùa, hầu như ngày nào nhóm thợ của anh cũng phải tất bật với công việc. Ngày nào cũng như ngày nào công việc của anh cũng bắt đầu từ 7h sáng và có những hôm đến tận 10 – 11h đêm mới kết thúc.

“Những ngày trong tuần khách thường hay đi vắng nên chúng tôi phải tận dụng làm vào sáng sớm, giữa trưa hoặc buổi tối. Những ngày cuối tuần thì phải tận dụng hết công suất thì mới hết việc. Có những lúc vì đông khách quá, sợ làm không được đảm bảo nên tôi cũng đành phải từ chối khách” anh Quang cho hay.

Trong khi đến mùa đông, nhu cầu của khách hàng lại rất ít. Thậm chí, một ngày chỉ 2 - 3 khách gọi. Thời điểm này, các thợ sẽ kiêm thêm sửa lò vi sóng, máy sưởi, máy bơm, các vật dụng nhỏ, hoặc nhận lắp đặt theo công trình để kiếm thêm thu nhập.

Ngoài ra, khi sửa chữa, thợ điện lạnh nhất thiết phải nắm vững nguyên lý hoạt động và thành thạo về kỹ thuật để có thể “bắt bệnh” chính xác, qua đó nhanh chóng xử lý, tránh được mất thời gian, công sức, thậm chí còn bị mất tiền. Nếu thợ không bắt đúng bệnh thì mất uy tín và cũng mất khách luôn. Trong khi công nghệ thường xuyên thay đổi đòi hỏi người thợ điện lạnh cũng phải thường xuyên tìm hiểu, học hỏi nâng cao tay nghề.

Ngoài sự vất vả thì nghề sửa chữa điện lạnh cũng lắm nguy hiểm. Anh Quang cho biết, sữa chữa, lắp đặt điều hòa, nhân viên thường phải trèo leo lên tận tầng cao hay những địa hình hiểm trở, thường phải tiếp xúc với điện, khí ga, hóa chất. Nếu như không cẩn thận hay có bất cứ một sai sót gì, người thợ sẽ có thể gặp phải những tai nạn lao động, thậm chí đánh đổi bằng cả tính mạng.

Ngoài ra, hiện nay trên thị trường cũng có trường hợp một số cơ sở chặt chém khách hàng, lấy cắp bộ phận hay thay hàng rởm, kê thêm “bệnh” cho máy khiến cho nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với thợ điện lạnh. “Chúng tôi làm việc luôn đặt chữ tín, chữ tâm lên đầu, không bao giờ làm những việc thiếu lương tâm như vậy. Nhiều khi đến sửa chữa, đồ dùng trong nhà họ lại hỏng thêm cái này, cái kia chúng tôi cũng sẵn sàng sửa cho họ không công. Vì vậy khách hàng cứ giới thiệu cho nhau, chúng tôi không lo thiếu khách” anh Quang bộc bạch.

Chính vì những vất vả, khó khăn như vậy nên nhiều sinh viên thường không muốn theo nghề điện lạnh. Nhiều công ty, cửa hàng cũng gặp phải khó khăn trong việc tuyển dụng. Tuy nhiên, theo những người thợ như anh Quang, anh Tuấn thì công việc nhiều vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui, đó là sự tin tưởng, là những cái bắt tay, những lời cảm ơn của khách hàng. Làm nghề nào cũng vậy, cũng cần có cái tâm, cần sự nhiệt huyết để có thể sống tốt với nó!

Anh Nguyễn Quang– Giám đốc Công ty TNHH Trạm bảo trì đồ gia dụng cho hay: Xã hội càng phát triển sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng thiết bị điện tăng cao. Nhân lực trong ngành vẫn còn ít nên dù có đến 10 thợ chính và hệ thống cộng tác viên, công ty chúng tôi vẫn làm không hết việc. Trung bình mỗi ngày công ty nhận được 15 – 20 khách, thu về 5 triệu – 7 triệu tiền lãi. Cao điểm có những ngày lên đến 20 – 25 triệu khi chúng tôi thực hiện chương trình gói bảo trì theo năm.

(Theo GiadinhNet)