
Bà Lê Thị Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đồng Lượng, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa cho biết, nghề dệt thổ cẩm có từ lâu nhưng bị mai một. Trước đây, những người con gái của đồng bào dân tộc khi lớn lên đã được mẹ truyền lại món nghề truyền thống này.
Dệt thổ cẩm chủ yếu để phục vụ làm trang phục, đồ dùng hàng ngày của người dân. Đặc biệt, con gái khi đi lấy chồng phải có 10-15 sản phẩm thổ cẩm để tặng nhà chồng. Nếu không biết dệt thì sẽ rất khó lấy chồng.

Những năm gần đây, thổ cẩm công nghiệp được đưa về bản, làng bán nhiều, nên nghề dệt truyền thống ngày càng mai một.
Năm 2017, Hội LHPN huyện phối hợp tổ chức dạy nghề dệt và thực hiện dự án “Bảo tồn truyền thống văn hóa, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân tộc Mường xã Đồng Lương và dân tộc Thái xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, giai đoạn 2018-2019”.

Đến nay, các sản phẩm từ thổ cẩm của địa phương được nhiều người yêu thích. Đây cũng là nghề giúp bà con trong vùng kiếm thêm thu nhập.
Theo bà Vân, hiện trên địa bàn xã có khoảng 10 người làm nghề dệt thổ cẩm thường xuyên, 20-30 người làm thời vụ những lúc nông nhàn.

“Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh mất rất nhiều công đoạn. Trước kia, để có sợi dệt, người dân phải nuôi tằm để lấy sợi tơ. Ngày nay, có nhiều cơ sở sản xuất sợi, nên người dân đỡ vất vả”, bà Vân chia sẻ.

Cũng theo bà Vân, trung bình một ngày một người làm trong lúc thời gian nông nhàn có thể dệt khoảng 1m thổ cẩm, bán ra thị trường được khoảng 150.000 đồng. Những năm qua, ngoài dệt vải, các hội viên còn tập trung dệt theo đơn đặt hàng của khách như túi xách, khăn quàng... mang lại thu nhập ổn định hơn.

“Đặc thù của nghề này là chỉ phụ nữ mới làm được. Để nghề ngày càng phát triển, chúng tôi thường xuyên mở các đợt tập huấn về nghề dệt thổ cẩm cho bà con.
Hy vọng trong tương lai, dệt thổ cẩm sẽ song hành cùng du lịch tại địa phương. Đây cũng là cách để quảng bá sản phẩm truyền thống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Vân cho biết.

