Trong thời gian vừa qua, các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng đa dạng, phức tạp, gia tăng về số lượng. Trẻ em bị xâm hại không chỉ là trẻ em nữ mà còn có cả các em nam. Phương thức, thủ đoạn các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm phạm tội rất đa dạng. Đa số các đối tượng lợi dụng thời điểm các em ở nhà một mình, không có cha mẹ ruột, người thân bên cạnh để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

W-treem-5.png

Những trẻ em bị bạo lực, xâm hại thường là những em có nhược điểm về thể chất, ít có khả năng tự bảo vệ bản thân; trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt, thiếu cha, thiếu mẹ hoặc cha mẹ thiếu quan tâm chăm sóc hoặc trẻ em sống trong những gia đình không hạnh phúc, cha mẹ là người rơi vào các tệ nạn xã hội...

Để tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em, trong thời gian qua, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đặc biệt, ngày 11/6/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 840/QĐ-UBND ngày 1/4/2021 phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 2338/QĐ-UBND ngày 7/7/2021 phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025…

Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ngành dọc tại các địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ và phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn. Các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời hướng dẫn xã, phường, thị trấn triển khai có hiệu quả chính sách, pháp luật về trẻ em phù hợp với tình hình cụ thể tại mỗi địa phương.

Các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kỹ năng nhận diện tội phạm, tự bảo vệ mình; kỹ năng nhận biết các nguy cơ dẫn đến xâm hại trẻ em; giáo dục giới, giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho trẻ em vị thành niên thường xuyên được tổ chức cho học sinh và các thầy, cô giáo ở các cấp học, bậc học; đến các cán bộ cấp huyện, xã, phường, thị trấn, ban cán sự, ban quản lý thôn, xóm, bản làng bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: Tuyên truyền trên Đài phát thanh – truyền hình huyện, phát trên đài FM và hệ thống loa truyền thanh cơ sở; nói chuyện chuyên đề; sân khấu hóa; nhắc nhở, khuyến cáo các em học sinh trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp; phối hợp với Hội phụ huynh tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục, hướng dẫn các em học sinh biết cách tự bảo vệ bản thân.

Một số huyện sử dụng Cổng thông tin điện tử, ứng dụng zalo, facebook để chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, cập nhật thông tin về phòng chống xâm hại trẻ em; lồng ghép tuyên truyền vào các cuộc họp của xã, phường, thị trấn, khối, xóm, bản và trong sinh hoạt hè cho các em học sinh. Đáng chú ý là tuyên truyền, quảng bá Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và đường dây nóng bảo vệ trẻ em của tỉnh (1800.599.963) tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh nhằm hướng dẫn quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhằm thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em…

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV