Với địa hình đồi núi phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, Nghệ An - tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển hạ tầng số.
Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của hạ tầng số trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, Nghệ An đang nỗ lực không ngừng để cải thiện tình hình.
Theo báo cáo của Sở TT&TT tỉnh Nghệ An, hiện nay tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh tại địa phương này đạt 74,65%. Tỷ lệ hộ gia đình có người sử dụng điện thoại thông minh lên đến 95,03%.
Đáng chú ý, 68% hộ gia đình đã được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang. Những con số này cho thấy nhu cầu kết nối ngày càng cao của người dân trong tỉnh.
Hiện Nghệ An có khoảng 8.500 trạm phát sóng BTS 3G, 4G, phủ sóng gần 99% diện tích toàn tỉnh. Đã có 100% xã và 95% số thôn/bản tại Nghệ An có sóng di động băng rộng ổn định.
Đặc biệt, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đều có sóng di động băng rộng ổn định phủ sóng toàn bộ diện tích.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, Nghệ An vẫn phải đối mặt với khó khăn trong việc xóa các vùng lõm sóng. Toàn tỉnh vẫn còn hơn 60 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, đồng nghĩa chưa được bao phủ sóng di động hoặc sóng có chất lượng kém. Các điều kiện địa hình, thời tiết cũng gây nhiều trở ngại cho việc triển khai hạ tầng viễn thông.
Nhiều khu vực tuy đã có điện lưới và sóng Internet nhưng chất lượng truyền tải chưa ổn định. Tại Nghệ An có những bản đã có điện lưới, có sóng điện thoại, nhưng không phải khi nào cũng sử dụng được vì có nhiều điểm bị khuất sóng. Người dân vì thế phải tìm kiếm những điểm có “sóng khỏe” để sử dụng.
Trước tình hình này, Nghệ An đã và đang nỗ lực để xoá các vùng lõm sóng. Trong năm 2024, Sở TT&TT Nghệ An đã tiến hành rà soát các vùng lõm sóng để xây dựng kế hoạch phủ sóng.
Theo rà soát của các doanh nghiệp, tại Nghệ An, VinaPhone hiện có khoảng 464 khu vực, Viettel 245 khu vực, MobiFone 73 khu vực lõm sóng.
Tại Kế hoạch 1004/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An năm 2024, để khắc phục các khó khăn, hạn chế, kế hoạch nêu rõ, địa phương này sẽ đẩy mạnh rà soát, xóa các vùng lõm sóng trên địa bàn, bảo đảm tốc độ mạng viễn thông di động.
Năm 2024, Nghệ An đã đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các thôn, bản, khu vực dân sinh, tăng tỷ lệ người dùng Internet, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Song song đó, tỉnh đã nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ mạng, phủ sóng ở vùng trắng, vùng lõm về kết nối mạng băng thông rộng.
Trong thời gian tới, Sở TT&TT tỉnh Nghệ An sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng số, đảm bảo đến năm 2025 phủ sóng 100% diện tích toàn tỉnh, xóa hết vùng lõm sóng, tăng cường củng cố mạng 4G, ưu tiên phát triển các trạm 5G mới tại các đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch.
Đồng hành cùng địa phương, 2 nhà mạng VNPT VinaPhone và Viettel đã đăng ký phát triển trên 700 trạm BTS tại tỉnh Nghệ An đến năm 2025.
Theo kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Nghệ An năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu 100% khu dân cư tại thành phố, thị xã, thị trấn, các điểm du lịch và các khu công nghiệp được phủ sóng 4G, 5G.