Trong khuôn khổ sự kiện “Trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và các tiềm năng của miền Tây Nghệ An” tại Hà Nội (17-18/11) tại khuôn viên Bộ NN&PTNT đã diễn ra Tọa đàm “Tiềm năng, lợi thế và định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An”.
Mở đầu cho các tham luận, các đại biểu đã xem video clip về tiềm năng, lợi thế và tình hình phát triển kinh tế-xã hội miền Tây Nghệ An và nghe báo cáo thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, tiềm năng và định hướng phát triển miền Tây Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023.
Nhằm cung cấp thêm những góc nhìn cụ thể hơn về thực trạng, tiềm năng, lợi thế, những khó khăn trong phát triển khu vực; những yếu tố tác động phát triển, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, địa phương đang tập trung rà soát, xây dựng bổ sung các cơ chế, chính sách và các nguồn lực tài chính cho phát triển và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế gắn với địa bàn miền Tây Nghệ An là hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Quốc lộ 7; hành lang kinh tế Quốc lộ 48A…
Đồng thời tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái; phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng; phát triển lâm nghiệp, kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến.
“Miền Tây Nghệ An là địa bàn còn nhiều khó khăn về kinh tế, phát triển còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ, tính liên kết thấp, tiềm năng thế mạnh nổi trội chưa phát huy hiệu quả hạ tầng kinh tế. Bên cạnh đó tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Nhiệm vụ phát triển miền Tây Nghệ An vững mạnh toàn diện để đồng bào các dân tộc ở miền Tây thoát đói giảm nghèo có cuộc sống ngày càng tốt hơn luôn là trăn trở của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An và là nhiệm vụ chính trị lâu dài, có tính chiến lược trong quá trình phát triển của tỉnh”, Bí thư Thái Thanh Quý nêu rõ.
Đề cập về phát triển miền Tây Nghệ An, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần phải tiếp cận với tư duy mới, mà trước hết là phải có suy nghĩ, quyết tâm “phải làm, cần làm, nên làm” cho miền Tây xứ Nghệ để tìm ra giải pháp.
Bộ trưởng cho rằng, không nên đóng đinh tư duy đã là miền núi thì nghèo, đồng bào dân tộc là khổ mà cần phải có lạc quan để từ đó có sáng kiến và cùng nhau thay đổi khu vực miền Tây.
“Chúng ta nhìn thấy sức sống các đơn vị miền Tây Nghệ An thông qua các gian hàng, các tiết mục văn nghệ đong đầy các giá trị vô hình, điều đó sẽ kích hoạt giá trị hữu hình của miền Tây Nghệ An”.
Gợi mở những giải pháp vừa tổng thế, vừa cụ thể, thích hợp để có được định hướng rõ hơn cho sự phát triển của miền Tây Nghệ An, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần đưa ra tầm nhìn mới lạc quan hơn trên cơ sở phối hợp hành động có hệ thống từ Trung ương, đến địa phương, mang tính chất liên ngành, đa ngành để vừa khơi dậy tiềm năng tài nguyên bản địa, tiềm năng văn hóa, cấu trúc xã hội miền Tây Nghệ An.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, cần phải tiếp cận miền Tây Nghệ An là một tổng thể không để quản lý phân tầng làm cho bị ức chế trong suy nghĩ. Bởi một khi khắc phục được điều đó và có tư duy mở, không gian lớn hơn thì giá trị mang lại sẽ lớn hơn.
Với tình cảm, tâm huyết để “vun trồng mảnh đất, con người và tương lai cho miền Tây xứ Nghệ”, đồng chí Lê Minh Hoan cũng cho biết: Bộ sẽ lấy miền Tây Nghệ An làm “thí điểm”thực hiện những đề án trình với Trung ương, Chính phủ để có cái nhìn tích hợp, đa ngành, đa giá trị cho ngành nông nghiệp.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, phát biểu đáp lời và tiếp thu, chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định, tỉnh lĩnh hội tiếp thu một cách đầy đủ, nghiêm túc tất cả ý kiến để từ đó đề ra được những giải pháp, chính sách cụ thể, đặc thù, thậm chí có những chính sách đột phá, nhất là trong điều kiện Nghệ An đang có sự quan tâm rất lớn của Trung ương với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đây là hai cơ sở rất quan trọng để phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó khu vực miền Tây phát triển nhanh, bền vững, phát huy tối đa lợi thế về kinh tế rừng, dưới tán rừng, cửa khẩu; các giá trị lịch sử, văn hóa; ứng phó hiệu quả với phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Nhóm PV