Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đến hết năm 2023, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh có 319 xã/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh việc cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đã đem lại tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân giai đoạn 2021 – 2023 là 4,76%, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
So với cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 8,5 triệu đồng/người/năm, đạt 40,5 triệu đồng/người/năm.
Hình thức tổ chức sản xuất từng bước được đổi mới, xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các tiến bộ khoa học công nghệ được đưa vào sản xuất; trình độ ứng dụng cơ giới hóa được đẩy mạnh trong toàn bộ các khâu sản xuất, từ chọn giống đến chăm sóc, khai thác, thu hoạch, bảo quản, chế biến...
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm và trở thành xu thế tất yếu. Đến nay đã có 235 sản phẩm truyền thống và đặc trưng địa phương được tác động về khoa học công nghệ, tăng năng suất, hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác.
Cùng với người nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp là các chủ thể đóng vai trò quan trọng trong đổi mới tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn cũng có sự phát triển.
Đến 31/3/2024, toàn tỉnh có 701 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 466 hợp tác xã hoạt động hiệu quả; 02 liên hiệp hợp tác xã và 349 tổ hợp tác. Các hợp tác xã, tổ hợp tác làm cầu nối liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, tham gia vào các hoạt động sản xuất từ cung ứng dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, Nghệ An đã thu hút được 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tỷ lệ giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết có sự tăng đều qua các năm và đến năm 2023 đạt 26,21%.
Trong những thành tựu về sản xuất nông nghiệp thời gian qua, không thể không kể đến Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chương trình đã thực sự khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh, nội lực, kết tinh những nét tinh hoa đặc sắc của vùng miền, địa phương. Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hình thành được một số liên kết theo chuỗi khép kín.
Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 567 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên (số lượng nhiều thứ 2 toàn quốc), trong đó có 37 sản phẩm đạt 4 sao, 529 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao.
Qua hơn nửa chặng đường, Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã gần về đến đích. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn, tỉnh Nghệ An xác định Tiêu chí số 13 là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt như Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ghi rõ: “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp là căn bản”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với thực hiện Chương trình OCOP và phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ là xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả, gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Chú trọng việc xây dựng và phát triển thương hiệu (chỉ dẫn địa lý, tem, nhãn mác…) đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm OCOP để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Triển khai và phát huy hiệu quả các đề tài khoa học đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyển chọn: Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP từ tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng miền Tây Nghệ An; Nghiên cứu xây dựng mô hình thôn, bản nông thôn mới thông minh gắn với phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An.
Tích cực triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh. Thực hiện kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số; áp dụng mở rộng đề tài khoa học thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã.
Song song với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, cần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từng bước xã hội hóa công tác đào tạo nghề, khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo nghề gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước; sự chủ động, tích cực phối hợp của các ngành, đoàn thể trong triển khai Chương trình, đặc biệt là việc thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn…