Hôm nay 26/10, trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Văn Toản – Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tương Dương cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 4.300 người đi làm ở các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 vừa qua đã khiến cho hơn 3.700 người trở về quê không có việc làm.
Trước tình hình đó, UBND huyện Tương Dương phối hợp với Trung dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An và các doanh nghiệp để giới thiệu, tuyển dụng việc làm cho người đang độ tuổi lao động trên địa bàn.
“Huyện đã lên kế hoạch hỗ trợ người lao động trở về từ vùng dịch được tiêm vắc xin Covid-19. Hỗ trợ người dân về lương thực cứu đói được tỉnh Nghệ An cấp gần 80 tấn gạo. Khảo sát nguyện vọng người lao động sau khi trở về quê ở lại sản xuất, chăn nuôi. Từ đó, phối hợp với Ngân hàng chính sách để cho người dân vay được vốn làm ăn” - ông Toản chia sẻ.
Dùng loa di động thông báo cho người dân ở khu cách ly về việc sắp tới sẽ có các phiên giao dịch việc làm |
Băng rôn treo chuẩn bị tổ chức phiên giao dịch việc làm cho người dân thất nghiệp ở xã Yên Hoà, huyện Tương Dương |
Cũng theo ông Toản, những lao động có nguyện vọng trở lại miền Nam làm việc sau khi về quê sẽ được huyện hỗ trợ kinh phí hoặc tổ chức các chuyến xe để trở lại các khu công nghiệp.
Sắp tới, huyện Tương Dương sẽ tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm, giới thiệu từng vị trí, bảng lương việc làm ở 6 cụm xã trên toàn huyện.
Cụ thể, vào lúc 9h ngày 31/10, phiên giao dịch đầu tiên sẽ được tổ chức tại hội trường UBND xã Nhôn Mai (gồm người dân của 3 xã: Hữu Khuông, Nhôn Mai và Mai Sơn). Các phiên giao dịch việc làm còn lại sẽ được tổ chức vào những ngày đầu tháng 11 ở các cụm xã trên toàn huyện.
“Các cụm xã được tổ chức là nơi có số lượng người lao động trở về quê đông. Họ đang trong độ tuổi lao động dễ dàng tiếp cận, lựa cho mình việc làm ở từng doanh nghiệp khác nhau” – ông Toản thông tin.
Huyện Tương Dương đang nỗ lực giúp người dân trở về quê vay vốn ngân hàng để tự sản xuất, chăn nuôi và làm ăn trên chính quê hương của mình |
Mô hình chăn nuôi bò của người dân ở huyện Tương Dương |
Ngoài ra, thông qua Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An giới thiệu doanh nghiệp có năng lực, uy tín để đặt văn phòng trung tâm giới thiệu việc làm tại huyện Tương Dương.
“Khi có văn phòng thì người dân không phải đi lại vất vả, giải quyết được các thủ tục rườm rà một cách nhanh chóng” – ông Toản khẳng định.
Trước đó, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An Bùi Văn Hưng thông tin tại buổi họp báo chiều 12/10, tỉnh đang nỗ lực kết nối hơn 45.000 việc làm trong và ngoài tỉnh cho lao động về quê do mất việc. Mức khảo sát thu nhập dao động trong khoảng từ 5 - 30 triệu/người/tháng.
Toàn tỉnh Nghệ An có hơn 344.200 người đang làm việc, sinh sống và học tập ở ngoài ở các tỉnh, thành trên cả nước. Từ đầu năm đến nay, có hơn 92.000 công dân trở về từ các địa phương trong cả nước, trong đó có 66.700 lao động từ các tỉnh, thành phía Nam trở về do mất việc làm vì dịch bệnh.
Có 62% lao động không có chuyên môn, không có giao kết hợp đồng lao động trở về địa phương. Nghệ An nhận định đây là một áp lực lớn về công tác tìm kiếm việc làm, dạy nghề ở địa phương.
Nghệ An có hơn 45.000 việc làm cho lao động từ miền Nam về quê
Các công ty, nhà máy ở Nghệ An hiện đang cần hơn 45.000 lao động phổ thông có tay nghề từ các tỉnh, thành phía Nam trở về làm việc. Thu nhập bình quân tuỳ vào trình độ, mức cao nhất đến 30 triệu đồng/tháng.
Quốc Huy