Đói nghèo hiện đang là vấn đề lớn, cấp thiết của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, xoá đói, giảm nghèo được xác định là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Nghệ An là tỉnh thuộc vùng bắc Trung bộ, có diện tích lớn nhất cả nước 16.490 km2, dân số 3.417.809 người, chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn chiếm tới 84,5%. Trên địa bàn toàn tỉnh có 4 huyện nghèo, 66.673 hộ nghèo (chiếm 7,8%), 56.289 hộ cận nghèo (chiếm 6,59%) và là một trong những tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp, xếp thứ 45/63 tỉnh, thành và nằm trong nhóm 5 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao của cả nước.
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh được thông qua năm 2022, kế hoạch phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh là hơn 918,868 tỷ đồng; riêng trong năm 2022 là hơn 404 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân hàng năm từ 1-1,5%/năm, trong đó vùng miền núi 2-3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm; phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của Quốc gia.
Thực tế cho thấy, chương trình giảm nghèo ở các địa phương được triển khai nhanh, đồng bộ đã làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên. Mức sống cư dân được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…).
Bên cạnh đó, các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển được triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, thực hiện dân chủ công khai, sát với nhu cầu thực tế của người dân. Các công trình đầu tư hoàn thành khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giải quyết được những khó khăn cho người dân trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt với các vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Về lâu dài, tác động của chương trình giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững, tự giải quyết được vấn đề nghèo đói cũng như những nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và nhà nước.
Từ những thành tựu đã đạt được, mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 322/KH-UBND Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nghệ An đặt ra mục tiêu trong năm 2023 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%, trong đó vùng miền núi giảm từ 2-3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023 là trên 512 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là trên 204 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là trên 308 tỷ đồng.
Kế hoạch đề ra mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo kỹ năng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nhanh thu nhập, nâng cao điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Cụ thể, Nghệ An thực hiện 7 dự án hỗ trợ, bao gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Nằm ở phía Bắc tỉnh Nghệ An, là huyện có số xã nhiều nhất cả nước, với 01 thị trấn (Yên Thành) và 38 xã hành chính. Huyện Yên Thành hiện có dân số là 302.500 người (số liệu năm 2020), trong đó 12% số dân theo đạo Thiên Chúa. Đại bộ phận dân cư Yên Thành là nông dân, lấy kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo. Nông nghiệp ở Yên Thành chủ yếu là trồng lúa và chăn nuôi tự túc.
Cùng với việc phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân được quan tâm chú trọng. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 27,28 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2022 đạt 59,34 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu nền kinh tế hàng năm chuyển dịch đúng hướng theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo được thực hiện tốt, năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo là 4,8%, thì đến cuối năm 2022 giảm xuống chỉ còn 1,14%.
Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực của người dân, Dự án Hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Yên Thành đã đạt được những thành quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội trên toàn tỉnh Nghệ An.
Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135 thực hiện trên địa bàn huyện Yên Thành với việc xây dựng các mô hình chăn nuôi và trồng trọt.
Trên địa bàn xã Liên Thành, trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, UBND xã đã triển khai cấp cho 24 con bò cái lai Sind cho 24 hộ dân thuộc đối tượng nghèo và cận nghèo. Đến nay, tất cả số bò đều khỏe mạnh và trên 80% số bò được cấp đã sinh được từ 1-2 bê con.
Xã Lý Thành có diện tích 7,94 km2. Tại xã Lý Thành, dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã cung cấp hỗ trợ cho 33 hộ dân thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trồng cây bưởi da xanh Bến Tre.
Tuy nhiên, các hộ trong diện được hỗ trợ phải đảm bảo các yếu tố như diện tích có đất canh tác từ 1000 m2 trở lên, có lao động và thực sự tâm huyết với việc trồng và chăm sóc cây.
Mỗi hộ dân tham gia dự án được cung cấp 50 cây giống bưởi da xanh Bến Tre. Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ vật tư như phân đạm, phân urê, phân lân Lâm Thao, kali Phú Mỹ hàm lượng 61% vôi bột, thuốc BVTV, bình phun thuốc trừ sâu, máy bơm nước, ống nhựa mềm, xe rùa.
Hộ tham gia dự án có thể mang bưởi ra chợ bán, nhờ đó có tiền cải thiện bữa ăn gia đình trong ngày, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo.
Có thể nói 2 mô hình này đã trở thành những mô hình điển hình để nhân rộng trong thời gian tới.