Thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm mua bán người của Chính phủ cho thấy, quý I/2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, khởi tố mới 20 vụ/40 đối tượng (tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng số vụ án thụ lý điều tra trong kỳ là 84 vụ/223 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định có 178 nạn nhân trong các vụ án; trong đó, 47 vụ/124 đối tượng phạm tội mua bán người, 39 vụ/99 đối tượng phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Theo Bộ Công an, qua các vụ án, vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người, có thể khái quát một số phương thức, thủ đoạn nổi lên mà các đối tượng phạm tội thường xuyên sử dụng như sau: Các đối tượng triệt để lợi dụng không gian mạng, lập các trang quảng cáo tìm việc làm, ứng dụng hẹn hò, hội, nhóm độc thân, sử dụng tên tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, sau đó lừa bán làm nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh như quán karaoke, cắt tóc, mát-xa…
Chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” tiếp tục được các đối tượng triệt để lợi dụng, đưa người ra ngoài biên giới làm việc trong các sòng bạc, cơ sở game online, công ty kinh doanh trực tuyến nhằm cưỡng bức lao động, ép buộc thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến; nạn nhân bị dụ dỗ, lừa gạt chủ yếu tại địa bàn biên giới các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng.
Bên cạnh đó, các đối tượng người Việt Nam trong nước cấu kết với các đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân xuất cảnh với lời hứa “việc nhẹ, lương cao” thông qua các hình thức như: xem ảnh, tuyển chọn nạn nhân qua mạng xã hội... sau đó, hướng dẫn nạn nhân xuất cảnh bằng đường hàng không.
Tại nước ngoài, các nạn nhân bị bắt làm những công việc như: tham gia đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, làm việc trong các sòng bạc do người nước ngoài làm chủ; nếu muốn về nước phải nộp một khoản tiền chuộc lớn…
Dự báo tình hình tội phạm mua bán người trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, Bộ Công an khuyến cáo các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân cần nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác tội phạm, chung tay trong việc đẩy lùi hành vi mua bán người.
Chung tay đẩy lùi hành vi mua bán người
Tại tỉnh Nghệ An, trong 2 năm qua, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ 13 vụ, 23 đối tượng phạm tội mua bán người; đồng thời, phối hợp với các lực lượng khác xác minh, giải cứu 23 nạn nhân về nhà.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện địa bàn, nhận thức của từng đối tượng, nhất là tại các địa phương trọng điểm.
Nhiều mô hình phòng, chống tội phạm mua bán người được duy trì và nhân rộng. Điển hình như tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn trước đây vốn được biết đến là điểm nóng về tình trạng mua bán người, bán bào thai, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn. Đầu năm 2020, xã Hữu Kiệm đã thành lập Câu lạc bộ “Phòng, chống mua bán người”, nhân rộng ra 9 bản trên địa bàn.
Các câu lạc bộ đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền tập trung tại nhà văn hóa các bản; phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức các diễn đàn tuyên truyền, sử dụng người thật, việc thật là những nạn nhân từng bị mua bán làm tuyên truyền viên.
Xã Hữu Kiệm còn thành lập Tổ phòng, chống buôn bán người thường xuyên bám nắm tình hình cơ sở; phát huy vai trò “tai mắt” của nhân dân trong việc phát hiện các đối tượng lạ mặt có biểu hiện nghi vấn xuất hiện tại địa bàn, kịp thời báo cáo cho Công an xã xử lý kịp thời. Nhờ vậy, nhận thức của đồng bào dần thay đổi tích cực.
Theo bà Vũ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kỳ Sơn, ngoài xã Hữu Kiệm, trên địa bàn huyện còn thành lập Câu lạc bộ phòng, chống buôn người tại các xã là điểm nóng khác như Phà Đánh, Chiêu Lưu... Hàng quý, các câu lạc bộ phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều đợt tuyên truyền giúp người dân, nhất là phụ nữ ở các xã vùng sâu, vùng xa nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, Luật Hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới và nhất là phòng, chống buôn bán người.
Tại nhiều địa phương khác như xã Tam Quang, Nga My, Yên Hòa, huyện Tương Dương; xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong; xã Đôn Phục, huyện Con Cuông… mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người” hoặc “Lá chắn phòng, chống mua bán người” cũng phát huy hiệu quả trong công tác truyền thông. Qua đó, nhận thức của người dân ngày được nâng cao, tình hình tội phạm buôn bán người giảm rõ rệt.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 5442//UBND-NC, trong đó, giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ngành xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phòng ngừa tội phạm mua bán người.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp Hội phối hợp tăng cường công tác giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống mua bán người; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về pháp luật phòng, chống mua bán người và phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho phụ nữ và trẻ em tại cộng đồng. Đồng thời, nhân rộng mô hình công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Thanh Hải