Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình hình vốn đầu tư nước ngoài năm 2024 cho thấy, Nghệ An đã thu hút được gần 1,75 tỷ USD vốn FDI, tăng 8,8% so với năm 2023.

Trong đó, tỉnh đã cấp mới 19 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 867,8 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 14 dự án với tổng số vốn 881,76 triệu USD.

Lũy kế đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 169 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 5,68 tỷ USD.

Đây là năm thứ hai liên tiếp, Nghệ An lọt top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.

Trong khi 10 năm trước, năm 2014, địa phương này chỉ xếp vị trí thứ 46, với 9,53 triệu USD.

Đến năm 2018, thứ hạng này vẫn không mấy cải thiện. Nghệ An xếp thứ 45 khi chỉ thu hút được 25,68 triệu USD.

Năm 2021, địa phương vẫn đứng thứ 20 cả nước, với 318,5 triệu USD.

Thế nhưng, tới năm 2022, tỉnh đã bứt phá vươn lên thứ 11 trong số các địa phương hút nhiều vốn FDI nhất, với 890,6 triệu USD.

Cú “vươn mình” càng mạnh mẽ hơn vào năm 2023, khi Nghệ An lần đầu tiên thu hút vốn FDI vượt 1 tỷ USD; đạt 1,603 tỷ USD, tăng 66,8% so với năm 2022, xếp thứ 8 tỉnh, thành phố trên cả nước. 

6 ông lớn công nghệ hàng đầu là Foxconn, Goertek, Luxshare, Everwin và Juteng, Tập đoàn Sunny đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào tỉnh này.

Mới đây nhất, ngày 31/12/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án WHA Industrial Zone 2 - Nghệ An, thuộc Khu công nghiệp Nam Cấm D, (tỉnh Nghệ An), với diện tích hơn 180ha.

Đồng thời, chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty CP WHA Industrial Zone Nghệ An, với tổng mức đầu tư là 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 216 tỷ đồng.

Tập đoàn WHA (Thái Lan) bắt đầu đầu tư vào tỉnh Nghệ An từ năm 2017. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư của tập đoàn này tại Việt Nam là 310 triệu USD; mục tiêu của WHA là đầu tư 1 tỷ USD tại Việt Nam.

Có thể điểm danh một số dự án FDI đã đi vào hoạt động tại Nghệ An như: Dự án Nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn Runergy (440 triệu USD), dự án Luxshare - ICT Nghệ An (140 triệu USD), dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện Goertek (325 triệu USD), dự án Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam (194,68 triệu USD)...

Nghe An.jpg
Nghệ An đang là mảnh đất màu mỡ, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn làm nơi "làm tổ". Ảnh: Hoàng Hà

Có được kết quả này nhờ vào việc Nghệ An đã chuẩn bị khá bài bản các nền tảng, hệ sinh thái để chào đón các nhà đầu tư, đặc biệt là thực hiện “5 sẵn sàng” về: quy hoạch; hạ tầng thiết yếu; mặt bằng đầu tư; nguồn nhân lực; hỗ trợ thủ tục cho nhà đầu tư, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn.

Một con số đáng chú ý khác, năm 2024 là năm đầu tiên quy mô nền kinh tế Nghệ An vượt mốc 200 nghìn tỷ đồng. 

Theo Cục Thống kê tỉnh Nghệ An, với tốc độ tăng trưởng đạt 9,01% năm 2024, quy mô nền kinh tế Nghệ An tăng thêm hơn 114.416 tỷ đồng so với năm 2023; đưa tổng quy mô nền kinh tế đạt hơn 216.943 tỷ đồng.

Năm 2025, Nghệ An đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức hai con số để đưa quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng.

Theo Nghị quyết số 162 năm 2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An sẽ trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 bình quân của tỉnh phấn đấu đạt khoảng 10%/năm.