Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2023, số lượng ôtô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống được khách hàng mua và đi đăng kiểm lần đầu tiên đạt 296.745 xe các loại. Số liệu này bao gồm cả xe sản xuất lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu chính hãng và nhập khẩu không chính hãng...
Trong nhóm 10 địa phương mua ôtô nhiều nhất, Hà Nội dẫn đầu với 46.330 xe, thứ hai là TPHCM với 39.132 xe, thứ 3 là Nghệ An với 10.304 xe, thứ 4 là Đồng Nai với 10.080 xe, thứ 5 là Thanh Hóa với 9.885 xe.
Sau đó lần lượt là Bình Dương 8.967 xe, Hải Phòng 8.631 xe, Bắc Ninh 6.934 xe, Đà Nẵng 6.845 xe và Quảng Ninh 6.694 xe.
Các tỉnh mua ít ôtô nhất, dưới 1.000 xe/năm gồm: Lai Châu với 535 xe, Bắc Kạn 550 xe, Cao Bằng 716 xe, Điện Bên 725 xe, Hà Giang 820 xe, Kon Tum 864 xe, Bạc Liêu 958 xe.
Nhóm dẫn đầu và nhóm đứng cuối có khoảng cách khá xa và nhiều nay không có thay đổi. Các vị trí vẫn tương đối ổn định. Trong nhóm dẫn đầu có 2 địa phương là Nghệ An và Thanh Hóa nhiều năm nay đều xếp vị trí cao về mua ôtô. Thu nhập bình quân đầu người của 2 địa phương này chưa cao bằng các địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh nhưng vị trí xếp cao hơn.
Một số địa phương khác như Vĩnh Phúc, Hải Dương và Bà Rịa Vũng Tàu, có thu nhập bình quân đầu người khá nhưng chỉ xếp vị trí từ 11-15.
Thương hiệu đứng đầu là Toyota với 53.823 xe, xếp thứ hai là thương hiệu Hyundai với 49.763 xe, thứ ba là Ford với 33.709 xe…
Kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường ôtô, số lượng ôtô con đăng kiểm tại Việt Nam năm 2023 giảm chỉ còn tương đương với mức 296.634 xe của năm 2020 và giảm so với hơn 300.000 của các năm 2021 và 2022.
Là quốc gia đông dân thứ 3 khu vực ASEAN, sau Indonesia và Philippines, với thu nhập ngày càng tăng, nhưng tỉ lệ sở hữu xe cá nhân tại Việt Nam vẫn rất thấp. Hiện chỉ khoảng 7% số hộ gia đình tại Việt Nam sở hữu ôtô cá nhân và phấn đấu tới 2025 mới đưa tỉ lệ này lên 9%.
Tiềm năng thị trường ôtô phụ thuộc vào 3 yếu tố, gồm: quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người và số xe trung bình/1.000 dân.
Theo tính toán khi thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia đạt từ 3.000 USD trở lên thì bước vào giai đoạn ôtô hóa, thị trường ôtô sẽ tăng trưởng nhanh. Tại Việt Nam, GDP bình quân đầu người đã đạt ngưỡng trên 4.000 USD/năm, trong khi tỉ lệ sở hữu ôtô đạt 32 xe/1.000 dân.
Theo thống kê, mặt hàng chịu gánh nặng thuế, phí nhất hiện nay chính là ôtô cá nhân từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Ôtô cá nhân đang phải chịu 3 loại thuế chính gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Đây đều là thuế gián thu, người mua xe phải trả. Hơn nữa, 3 loại thuế này còn bị đánh chồng lên nhau, nên thường chiếm từ 30-50% trong giá bán, tùy từng mẫu xe.
Tính ra, giá ôtô Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước như Thái Lan, Indonesia và con số này còn lớn hơn nữa nếu so với các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản...
Theo Trần Thủy/ Diễn đàn doanh nghiệp
Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!