Hôm nay (11/7), tại kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa 18 tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực nội vụ.
Cụ thể, trong giai đoạn 2023 - 2025, Nghệ An có 1 đơn vị hành chính cấp huyện không đủ tiêu chí theo quy định, thuộc diện phải sắp xếp là thị xã Cửa Lò. Địa phương này đã xây dựng phương án sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò và điều chỉnh một phần huyện Nghi Lộc bao gồm 4 xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong vào thành phố Vinh.
Nghệ An từ 21 đơn vị hành chính cấp huyện, sau sắp xếp sẽ còn 20 đơn vị hành chính cấp huyện (17 huyện, 1 thành phố thuộc tỉnh và 2 thị xã), giảm 1 đơn vị hành chính là thị xã Cửa Lò.
Đối với cấp xã, Nghệ An sẽ sắp xếp 92 đơn vị hành chính, thành lập 44 đơn vị (trong đó 43 đơn vị thành lập mới, 1 đơn vị điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số).
Sau sắp xếp toàn tỉnh giảm 48 đơn vị hành chính, từ 460 đơn vị hành chính cấp xã (411 xã, 32 phường, 17 thị trấn) xuống còn 412 đơn vị (362 xã, 33 phường, 17 thị trấn).
Trả hết nợ công mới được sáp nhập xã
Trả lời về việc sắp xếp các cơ sở vật chất, tránh lãng phí, phát huy công năng sử dụng, Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An Trịnh Thanh Hải cho biết, liên quan kết quả sắp xếp nhà đất sau sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 có 4.408 đơn vị (cấp xã 227, khối xóm 3.996, đơn vị công lập 185). Đến nay đã sắp xếp được 4.269 cơ sở đạt 86%, còn lại 139 cơ sở chưa phê duyệt được phương án.
Nguyên nhân chậm do có một số địa phương chưa tích cực phối hợp, quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thiện hồ sơ và lập phương án sắp xếp sau sáp nhập dù UBND tỉnh nhiều lần nhắc nhở, ban hành 10 văn bản hướng dẫn và Sở Tài chính đã ban hành 20 văn bản hướng dẫn, đôn đốc.
Trước ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh cho rằng phương án sử dụng tài sản sau sáp nhập không còn phù hợp với quy mô so với hiện trạng trước đây, nhất là nhà văn hóa các xã, xóm, thôn, bản, ông Trịnh Thanh Hải cho biết, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20, ngày 9/12/2021 nêu rõ, sau sáp nhập cho phép bán đấu giá một cơ sở để tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất còn lại, đáp ứng yêu cầu sử dụng cơ sở còn lại.
Về xử lý nợ công xây dựng cơ bản giữa các xã thực hiện sáp nhập, Giám đốc Sở Tài chính khẳng định, từ năm 2014 với việc siết chặt thực hiện các quy định, tình trạng nợ đầu tư xây dựng cơ bản không còn. “Về nguyên tắc trước khi sáp nhập thì phải xử lý dứt điểm nợ cơ bản của từng xã”, ông Hải nói.
Chia sẻ với công chức cấp xã
Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng đã trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025 và sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Theo ông Hưng, đối với 207 cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh, đã xây dựng phương án và lộ trình giảm. Đối với 799 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp, đã có phương án theo lộ trình 5 năm.
Hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã trên sẽ giảm theo các hình thức như: Nghỉ hưu đúng độ tuổi; nghỉ hưu theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP; chuyển việc khác hoặc đơn vị khác khi còn thiếu biên chế.
“Đây là lộ trình và phương án được thống kê, phân tích cụ thể trong quá trình xây dựng đề án trên cơ sở đề xuất của các địa phương”, ông Hưng nói.
Liên quan đến công việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đại biểu Mong Văn Tình (tổ đại biểu huyện Quế Phong) đề nghị cho biết giải pháp của tỉnh trước thực trạng mỗi công chức đang phụ trách nhiều công việc.
Giám đốc Sở Nội vụ thông tin, hiện số lượng và nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã được quy định cụ thể tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP. Trên cơ sở đó, cán bộ, công chức cấp xã thực hiện đúng thẩm quyền.
“Để giảm áp lực, nâng cao hiệu quả công việc, giải pháp quan trọng là phải tập trung cải cách hành chính. Đồng thời, trên cơ sở nhiệm vụ đã được phân cấp, UBND các huyện điều chỉnh phù hợp số lượng công chức giữa các khâu để đảm bảo hiệu quả công việc”, ông Hưng chia sẻ.