Nguyễn Thị Vân (SN 1978), trú tại Hải Dương. Bố mẹ chị chia tay nhau từ sớm. Mẹ chị một mình bươn chải nơi xứ người (Trung Quốc) kiếm tiền gửi về nuôi 4 con nhỏ, suốt nhiều năm trời không trở về nhà. Lợi dụng hoàn cảnh và tâm lý muốn gặp mẹ của chị Vân, một người chú rể đã dụ dỗ, bán chị cho đường dây mua bán người.

Sang bên Trung Quốc, chị Vân bị cưỡng ép kết hôn làm vợ một người dân bản địa hơn 60 tuổi ở tỉnh Quảng Đông. Sau gần 30 năm sinh sống cùng người đàn ông này, chị có 2 người con. Trong một lần sang tỉnh Quảng Tây làm việc, chị bị chính quyền địa phương phát hiện cư trú bất hợp pháp và bị trục xuất về Việt Nam

Trở về quê hương sau hàng chục năm xa cách, một thước đất cắm dùi cũng không có, chị đành phải sống nương nhờ nhà người em họ, không có việc làm và phải chăm sóc người anh trai bị tâm thần. "Tôi đi xin việc, công ty không nhận do làm chậm, mắt kém. Thôi thì ở nhà, người ta gọi cái gì làm cái đấy", chị Vân bùi ngùi.

{keywords}
Nhiều người phụ nữ trở về khi sức khỏe suy sụp và tinh thần kiệt quê.

Ở Trung Quốc, 2 người con của chị đã lập gia đình. Trong những ngày này, mỗi khi nằm nghỉ, chị đều rơm rớm nước mắt, ao ước một ngày được sum vầy cùng những đứa con, đứa cháu của mình. "Bây giờ tôi chỉ mong ước làm sao làm được thủ tục giấy tờ đi sang bên đấy gặp được lại chồng con là mừng. Ở nhà lắm lúc nằm nghĩ đến con cũng chỉ muốn khóc, cũng chẳng biết làm sao", chị nghẹn ngào.

Được trở về trong tình trạng khỏe mạnh và nhận thức bình thường là may mắn. Thế nhưng có nhiều người phụ nữ lại trở về khi sức khỏe suy sụp và tinh thần kiệt quê.

Chị Mai (SN 1985), trú tại huyện Gia Lộc Hải Dương là một trường hợp như thế. Năm lên 10 tuổi, chị bị một đối tượng xấu lừa bán sang Trung Quốc. Chị lưu lạc nơi xứ người gần 15 năm, trong cảnh bệnh động kinh hay tái phát, sức khỏe suy sụp tưởng như không qua khỏi. Năm 2009, các đối tượng buôn người bí mật đưa chị Mai qua biên giới Việt Nam.

Mẹ chị Mai chua xót kể, "Vì con sắp chết nên người ta không làm ma cho bên đấy, người ta cho về”. Về đến nhà, bà phải gọi trạm trưởng y tế xã xuống để tiêm trợ sức và đưa đi cấp cứu. Trong cảnh nhà túng bấn, để cứu con, bà vay mượn khắp nơi đưa con lên các bệnh viện trên Hà Nội chạy chữa. Chữa bướu cổ xong, về nghỉ ngơi lấy sức 1 tháng, bà lại đưa chị lên một bệnh viện thâm thần chữa trị thêm vài tháng.

Nay ở tuổi 40 nhưng thân hình chị giống như một đứa trẻ. Kể từ lúc trở về nhà, chị chỉ ngồi, nằm một chỗ, không làm được việc gì. Mọi thứ cơm nước, tắm rửa, mẹ chị phải lo hết. Tình cảnh trở nên bi đát khi cả bố mẹ chị thường xuyên đau yếu. Có tháng phải đi viện 2 - 3 lần chữa trị. Kinh tế gia đình đè nặng lên vai của con trai và con dâu, làm công nhân với đồng lương ít ỏi.

Mới đây, vì căn nhà cấp 4 chật chội, không đủ chỗ cho 5 con người, mẹ chị phải cải tạo lại gian bếp để làm nơi trú ngụ cho con gái.Thời gian cứ đằng đẵng trôi đi và cuộc sống khốn khó của gia đình chị vẫn cứ tiếp diễn.

Những trường hợp phụ nữ là nạn nhân của tội phạm mua bán người kể trên chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong bức tranh toàn cảnh của nạn mua bán người, nhưng qua đó giúp ta thấy phần nào số phận bất hạnh, đắng cay mà những con người yếu thế phải chịu đựng. Từ đó cần tiếp tục lên án, ngăn chặn, phát hiện, tố giác tội phạm mua bán người, để không còn tái diễn những câu chuyện buồn nữa.

Xuân Quý