Ba cũng theo mẹ đi mất rồi!

Nhìn thấy cuộc gọi video của mẹ, bốn chị em Yến Nhi túm lại. Màn hình bên kia mở lên, Nhi thấy mẹ thở rít từng hồi. Bên cạnh mẹ, tiếng máy đo nhịp tim kêu liên tục… Nhi chỉ kịp kêu to “Mẹ cố lên”, nhưng mẹ đã vẫy tay chào tạm biệt rồi tắt máy.

Vài giờ sau, 4 chị em Nhi nhận được điện thoại từ nhân viên bệnh viện nói gia đình chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất. Nhi ôm lấy những đứa em, nước mắt chực trào ra.

Hôm đó, trời đã về khuya, Nhi và các em vẫn không dám ngủ, chỉ cầu mong không có chuyện xấu nào xảy đến với mẹ. Nào ngờ, 6h sáng hôm sau, điện thoại từ bệnh viện lại gọi tới. Sau ít giây im ắng, đầu dây bên kia cất lên lời chia buồn đau xót. Bốn chị em gào khóc, gọi tên mẹ trong nỗi đau cùng cực.

Hôm đó là ngày 27/8. Anh Phạm Công Sự (43 tuổi), bố của 4 đứa trẻ, vẫn đang tự cách ly tại nhà vì bị nhiễm Covid-19. Sau khi nghe tin vợ mất, anh suy sụp nhanh chóng rồi rơi vào tuyệt vọng khiến bệnh tình trở nặng, phải vào Bệnh viện Quận 12, TP.HCM điều trị.

Yến Vy (con gái thứ hai của anh Sự) được đi cùng để chăm sóc bố. Nhưng bệnh tình của anh diễn biến nặng hơn nên tiếp tục được chuyển sang điều trị ở Bệnh viện Nguyễn Trãi.

“Trước ngày chuyển viện, ba nắm lấy tay em nói: ‘Con ơi, cứu ba với’”, Vy bật khóc nhớ lại. Cô bé 16 tuổi chỉ biết nắm tay ba khóc, động viên ba cố lên. Từ hôm đó, 4 chị em chỉ biết tình hình của ba qua các điều dưỡng ở bệnh viện.

Không ngờ, ngày mấy chị em nhận hũ tro cốt của mẹ cũng là ngày nhận tin ba qua đời. Bốn chị em Yến Vy trở thành trẻ mồ côi cả ba lẫn mẹ trong vòng 9 ngày. “Ba cũng theo mẹ luôn rồi”, Vy nói xong, vội giấu những giọt nước mắt vào sau lưng áo người chị cả.

{keywords}
 

Giờ đây, Yến Nhi (20 tuổi) trở thành chỗ dựa duy nhất của 3 đứa em. Trong căn nhà trọ chật hẹp ở Quận 12, nhìn các em, nghĩ về tương lai, về những lời mẹ dặn trước khi nhắm mắt, Nhi khóc rưng rức một mình.

Thực ra, trước đó Nhi và các em đã chuẩn bị tâm lý cho ngày tiễn biệt mẹ mãi mãi vì mẹ em mắc ung thư giai đoạn cuối. Nhưng em chưa bao giờ hình dung được ngày ấy lại đến sớm đến vậy.

Mẹ Nhi, chị Lâm Yến Nga (42 tuổi) được cho là nhiễm Covid-19 sau lần đến bệnh viện lấy thuốc điều trị ung thư. “Ngày phát bệnh, mẹ được đưa vào Bệnh viện Ung bướu điều trị. Chúng em không được theo, chỉ được gặp mẹ qua những cuộc gọi video”, Nhi kể.

Chỉ mới đây thôi, Nhi từng tự trấn an mình rằng mất mẹ, em sẽ cùng ba gồng gánh, nuôi các em. Thế mà bây giờ, chỉ mình em chống đỡ nỗi hoang mang khi nghĩ về những ngày sắp tới.

Trước đây, ba đi làm phụ hồ, mẹ may gia công nên tiền chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.

Từ khi mẹ bị ung thư, Nhi và Vy đều lần lượt nghỉ học, đi làm thêm để có tiền phụ mẹ. Nhi làm việc bán thời gian, còn Vy phụ giúp trong quán cà phê kiếm thêm thu nhập. Mấy tháng nay, hai chị em đều thất nghiệp. Đồ ăn, thức uống trong nhà phần nhiều được hàng xóm hỗ trợ. Phần còn lại, em lấy tiền phúng điếu của cha mẹ để trang trải tiền nhà trọ.

Từ khi ba mẹ mất, 2 đứa út khóc suốt. Đợi các em nín khóc, Nhi và Vy dọn những chén cơm vừa cúng cha mẹ xuống giữa căn phòng trọ chật hẹp. Bất chợt, hình ảnh bữa cơm gia đình có đủ đầy ba mẹ lại ùa về. Chị em Nhi nhìn nhau, vừa ăn cơm vừa lau nước mắt.

Mất cả hai người mẹ

Khả Hân sinh năm 2014. Không ai trong gia đình biết cha cô bé là ai. Bí mật ấy bị chôn vùi cùng với cái chết của người mẹ năm Hân 1 tuổi. Hân theo ông bà ngoại và bà cố từ miền Tây lên Sài Gòn mưu sinh.

Đầu tháng 8/2021, khi dịch bệnh bùng phát, cả gia đình ông Bùi Văn Chí (56 tuổi) - ông ngoại Hân, nhiễm Covid-19. Tuổi cao, sức yếu, bà cố của Hân không thể chống lại bệnh tật nên qua đời. Bà cố mất được ít ngày thì bà ngoại Hân cũng phải nhập viện điều trị. Ông Chí và bé Hân được đưa vào bệnh viện cách ly. Trong bệnh viện, hai ông cháu chăm nhau, cùng cố vượt qua bạo bệnh. Thế nhưng chưa được bao lâu, ông Chí nhận tin vợ mình không qua khỏi.

“Ngày vợ mất, tôi choáng váng nhưng cố kìm lòng, không cho Hân biết. Nó đã chịu quá nhiều buồn đau, tôi sợ nó chịu không nổi. Nó thương bà ngoại lắm. Lúc trong viện với tôi, nó cứ hỏi thăm vợ tôi hoài. Tôi nói dối là bà ngoại đang trị bệnh, sắp khỏi rồi để nó yên tâm”.

{keywords}
 

Ngày Khả Hân đủ điều kiện xuất viện, ông Chí vẫn phải tiếp tục điều trị Covid-19. Không còn người thân thích ở TP.HCM, ông đành gửi đứa cháu về gia đình bà con dưới quê. Ông cũng dặn dò mọi người không tiết lộ thông tin vợ mình đã mất. Ngày chia tay ông ngoại, Hân bịn rịn mãi ở cổng viện, không muốn rời bước. Các y bác sĩ phải động viên, Hân mới chịu lên xe.

Về quê, Hân nhớ ông bà ngoại lắm. Nhưng lạ là, chiều nào cũng chỉ có ông gọi về thăm Hân. Tuyệt nhiên không thấy cuộc gọi nào từ bà ngoại. Cô bé đã lờ mờ nhận ra có chuyện gì đó không ổn. “Lúc trong bệnh viện, con nghe thấy ông ngoại nói như sắp khóc. Con thấy ông buồn lắm, có lúc mắt ông đỏ hoe. Con sợ ông buồn nên không hỏi thêm về gì bà ngoại nữa”, Hân kể.

Thấy vẻ mặt rười rượi của đứa cháu nhỏ, người thân ở quê đành nói cho Hân biết, bà ngoại đã mất rồi. Đứa bé 7 tuổi nhạy cảm òa khóc một trận tức tưởi. Mấy hôm liền, Hân không rằng không nói. Với cô bé, bà ngoại giống như mẹ vậy.

Trải qua quá nhiều mất mát ở độ tuổi của mình, cô bé dường như trưởng thành hơn những đứa trẻ 7 tuổi khác. Hân nói, giọng vừa ngây thơ vừa vững chãi: “Bà ngoại mất rồi, con cũng không khóc thêm nữa vì như thế ông ngoại sẽ buồn. Con muốn lớn nhanh để lo cho ông ngoại, để ông không phải lo cho con nữa”.

Nếu mẹ con mình chết đi, có được gặp bố không?

Hôm cha mất, Nhật Hào (17 tuổi) và Đan Thanh (10 tuổi) đang ngủ trên lầu. Bất chợt, cả hai nghe tiếng mẹ chạy lên gọi cửa.

“Khi chúng em xuống, bố đã không còn thở nữa. Bố là người toàn tâm và có tình thương bao la. Ở trong nhà cũng như bên ngoài, ai cần bố đều có mặt. Em vẫn ước sau này sẽ trở thành một người như bố. Trước đây, mỗi dịp Tết, bố đều về Tây Ninh đón Tết cùng 3 mẹ con em. Thời gian gia đình ở cùng nhau ngắn ngủi nhưng rất vui, ấm áp. Bây giờ, gia đình vừa được đoàn tụ ở thành phố, nhưng những khoảnh khắc ấy sẽ không còn nữa”, Hào ngậm ngùi.

Không đủ lớn để kìm nén nỗi đau như anh trai, bé Đan Thanh gần như òa khóc khi nhớ về bố: “Những hôm bố bệnh, con muốn đến ôm bố lắm nhưng bố không cho con lại gần. Con chỉ dám lén ra đầu cầu thang trên lầu để nhìn bố thôi. Ngày bố mất, con khóc nhiều lắm. Mẹ khuyên con đừng khóc vì như thế, bố con sẽ buồn. Con không khóc nữa, con sẽ ngoan để bố vui”, bé nói rồi cố nở nụ cười dù mắt vẫn ầng ậng nước.

Nghe con thơ nhớ cha, chị Ngọc Hà (38 tuổi) cũng không thể cầm lòng. Lúc còn sống, anh Phú Hiếu rất cưng bé Thanh. Khi chưa đón mẹ con chị Hà về đoàn tụ, dù ở đâu, bận việc gì, anh cũng cố gắng gọi điện cho bé.

{keywords}
 

Khi anh nhắm mắt, bé Thanh khóc rất nhiều. Thậm chí, bé còn tự trách bản thân là vì mình mà bố nhiễm bệnh rồi qua đời. Chị Hà giải thích: “Lúc mới về đây, bé bị đau họng và ho. Tôi có mua thuốc cho bé uống và bé khỏi rồi. Thế nhưng, bé cứ đinh ninh mình nhiễm bệnh”.

“Mỗi lúc anh Hiếu lại gần, bé lại sợ và nói: “Bố đừng lại gần con, con sẽ lây cho bố”. Khi anh mất, bé gào khóc: “Con đã nói bố đừng lại gần con rồi, bố lại làm chi để bây giờ bố bị như vậy”. Bé cứ khóc và trách mình như thế, tôi phải dỗ nhiều ngày liền, bé mới bớt”.

Bé Thanh thương nhớ anh Hiếu đến nỗi mỗi khi nhìn thấy di ảnh của anh, bé lại òa khóc. Nhiều lúc, bé nói với chị rằng bé muốn đổi mạng sống của mình cho anh Hiếu. Bé cũng hỏi chị “nếu mẹ con mình chết đi có được gặp bố không”...

Nghe những câu từ ấy từ miệng con trẻ, lòng chị Hà đau như cắt. Chị chỉ biết ôm con vào lòng, an ủi con trong giàn giụa nước mắt. Ngôi nhà nhỏ đang xây dang dở ở Quận 12 (TP.HCM) là món quà cuối cùng anh Hiếu để lại cho mẹ con chị.

“Em yếu lắm rồi, anh cố gắng nuôi con nha”

Đó là dòng tin nhắn cuối cùng Tiêu Hoàng Kha (31 tuổi, ngụ thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) nhận được từ vợ ngày 8/9. Kể từ đó, Kha mất vợ. 3 đứa con bé nhỏ của anh rơi vào cảnh mồ côi mẹ.

{keywords}
Chị Dương Kim Ngân qua đời vid Covid-19.

Trong căn phòng trọ nóng hầm hập, tiếng con thơ khóc ngằn ngặt khiến nỗi đau mất vợ của anh thêm cuộn trào, cổ họng nghẹn lại.

Những ngày dịch bệnh bùng phát, Kha và vợ chỉ ở nhà nên không biết lây nhiễm từ đâu. Ngày phát hiện nhiễm bệnh, Kha nhập viện điều trị. Được ít ngày, anh hay tin vợ cũng dương tính với Sars-Cov-2. Lúc này, chị Dương Kim Ngân (32 tuổi, vợ Kha) đang mang thai đứa con thứ ba và sắp đến ngày sinh nở.

Ngày 2/9, Kha nhận được cuộc gọi từ bệnh viện nơi Ngân đang điều trị. Các bác sĩ thông báo sẽ phải mổ bắt con. Kha nhắn tin động viên vợ và cố xin bệnh viện cho mình chuyển viện, đến nơi Ngân đang điều trị để được chăm sóc vợ nhưng không được.

“Tôi đã cố gắng động viên, hi vọng Ngân về với tôi và các con nhưng cô ấy không qua khỏi. Chỉ trong phút chốc, tôi mất vợ, con tôi mồ côi mẹ. Bé út mới sinh còn chưa kịp biết mặt mẹ…”, Kha rưng rức khóc.

Ngày 9/9, Kha xuất viện về nhà để tự cách ly. Anh lập tạm bàn thờ vợ rồi vụng về chăm con.

Nhìn hai đứa con nheo nhóc, khóc gào đòi sữa, đòi mẹ, anh nuốt nước mắt vào lòng, an ủi bé trai rồi quay sang dỗ bé gái. Kha nấu cơm, pha sữa cho con… Vấp váp gì trong việc chăm bé 2 tuổi, Kha đều phải gọi điện về quê hỏi mẹ.

“Bé hai tuổi thiếu sữa, đêm nào cũng khóc đòi mẹ. Ôm con trên tay, lắm lúc tôi cũng bất lực. Con khóc, cha khóc. Nước mắt cha con hòa làm một. Nghĩ bé thiếu hơi mẹ nên tôi cố tìm quần áo của vợ để đắp cho bé. Tôi nhớ là khi mẹ bé mất, tôi đã đốt theo hết đồ đạc của cô ấy rồi nhưng không hiểu sao còn sót lại một bộ quần áo. Tôi đem áo này đắp cho con, bé mới chịu nín khóc và ngủ thiếp đi”, anh lau nước mắt.

Chung tay vì nạn nhân Covid-19

Trên đây chỉ là 4 trong hàng nghìn trường hợp các gia đình bị mất mát, đau thương khi Covid-19 ập đến. Chia sẻ nỗi đau, đồng thời giúp thân nhân những người bệnh qua đời, các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời.

Theo đó, ngoài quyền lợi được hưởng theo chế độ bảo hiểm xã hội (nếu tham gia diện tự nguyện hoặc bắt buộc) với việc nhận tiền tử tuất 1 lần và tử tuất hằng tháng, thân nhân người qua đời do Covid-19 được hưởng thêm các chế độ bổ sung.

Cụ thể, Quyết định 3022/QĐ-TLĐ ngày 9-8-2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định trường hợp đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn tử vong do bị nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ ngày 27-4-2021, thân nhân của người lao động sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/người tử vong.

Đối với người dân thiệt mạng do dịch Covid-19, căn cứ theo Quyết định số 5188/QĐ-BYT và Quyết định số 2233/QĐ-BCĐQG hướng dẫn về việc xử lý thi thể bệnh nhân tử vong do Covid-19 mỗi người chết do Covid-19 trong trường hợp hỏa táng sẽ được hỗ trợ kinh phí. Tùy chính sách của từng địa phương mà mức hỗ trợ chi phí hỏa táng sẽ khác nhau.

Tại TP.HCM, thực hiện theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/3/2021 đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, trường hợp người tử vong do Covid-19 được hưởng mức 50 lần so với mức chuẩn hỗ trợ xã hội (Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2021 là 360.000 đồng/tháng). Thành phố hỗ trợ toàn bộ chi lo hậu sự cho người tử vong vì Covid-19, tương đương 17,4 triệu đồng/trường hợp.

Tại Hà Nội: Căn cứ theo Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 thành phố Hà Nội, mức hỗ trợ chi phí hỏa táng từ năm 2021 được quy định như sau:

- Hỗ trợ mai táng thi hài trẻ em dưới 06 tuổi: 1,5 triệu đồng/ca;

- Hỗ trợ mai táng thi hài người lớn: 03 triệu đồng/ca;

- Hỗ trợ chi phí vận chuyển: 01 triệu đồng/ca.

- Hỗ trợ chi phí khác gồm áo quan hỏa táng 1,25 triệu đồng/trường hợp; túi đồ khâm liệm (nếu có): 500.000 đồng/trường hợp; bình đựng tro cốt: 250.000 đồng/trường hợp; lưu giữ bình tro: 15.000 đồng/trường hợp/ngày (theo số ngày lưu giữ thực tế, đến hết thời gian giãn cách xã hội, nhưng tối đa không quá 365 ngày).

Tại Bình Dương: Chính sách hỗ trợ được thực hiện căn cứ theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15-3-2021. Cụ thể, hỗ trợ 10 triệu đồng/đoàn viên công đoàn tử vong do Covid-19 do Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ. Hỗ trợ Từ 10-30 triệu đồng/trường hợp tử vong do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hỗ trợ.Trường hợp thân nhân người tử vong vì Covid-19 tự chọn đơn vị mai táng, hỏa táng thì tự chi trả chi phí cho đơn vị mình chọn, sau đó sẽ hưởng chính sách hỗ trợ mai táng theo quy định của tỉnh.

{keywords}
Quân đội đưa tro cốt người mất vì Covid-19 ở TP.HCM về từng gia đình.

Đối với trường hợp người cao tuổi neo đơn, trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, mới đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM (LĐ-TB-XH) đã gửi UBND TP về đề xuất định mức trợ giúp xã hội bằng nguồn ngân sách của TP.

Hai nhóm đối tượng này được đề xuất cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; cấp thẻ miễn phí khi đi lại bằng phương tiện cộng cộng, vé vào cửa các khu vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các dịch vụ tốn phí khác; cấp tài khoản ngân hàng/thẻ ATM.

Trường hợp người cao tuổi neo đơn từ 60 tuổi trở lên không có khả năng tự phục vụ, thuộc hộ nghèo được đề xuất hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng đến cuối đời. Trường hợp người cao tuổi neo đơn từ 80 tuổi trở lên có khả năng tự phục vụ, thuộc hộ nghèo; đề xuất hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng đến cuối đời. Trường hợp người cao tuổi neo đơn từ 60 đến 80 tuổi trở lên có khả năng tự phục vụ, thuộc hộ nghèo được đề xuất hỗ trợ 650.000đồng/ người/tháng đến cuối đời. Trường hợp người cao tuổi neo đơn từ 60 đến 80 tuổi trở lên có khả năng tự phục vụ được đề xuất hỗ trợ 480.000đồng/người/tháng đến cuối đời.

Đối với đối tượng trẻ em mồ côi không còn cha mẹ (gồm trẻ mồ côi cả cha và mẹ; trẻ đã mồ côi một phía trước đó nay người còn lại tử vong do Covid-19; trẻ đã mồ côi cả cha mẹ hoặc cha mẹ bỏ rơi nên từ nhỏ sống với ông/bà, người nuôi dưỡng nhưng nay ông/bà, người nuôi dưỡng tử vong do Covid-19), Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề xuất hỗ trợ trẻ dưới 4 tuổi mức 1 triệu đồng/em/tháng đến năm 18 tuổi; trẻ trên 4 tuổi mức 800.000 đồng/em/tháng đến 18 tuổi.

Đối với trẻ em mồ côi có cha hoặc mẹ tử vong, người còn lại bệnh nan y, ung thư, bệnh hiểm nghèo... thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề xuất hỗ trợ 800.000 đồng/em/tháng đến năm 18 tuổi. Đối với trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại là công nhân, lao động, có hoàn cảnh khó khăn, sống ở khu nhà trọ, xóm trọ (có mức thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức cận nghèo), đề xuất hỗ trợ 480.000 đồng/em/tháng đến năm 18 tuổi.

Tưởng niệm người mất, lan tỏa tình nhân ái cộng đồng

{keywords}
Phật tử tại TP.HCM cầu siêu cho nạn nhân Covid-19 sáng 18/11.

Theo thống kê, đến thời điểm này, cả nước có hơn 23.000 người qua đời vì Covid-19, riêng ở TP.HCM đã hơn 17.200 người. Trong đó, trên 2.000 trẻ em mồ côi cha, mẹ và gần 400 người cao tuổi sống neo đơn do mất con, mất người trực tiếp nuôi dưỡng, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu các nguồn lực vật chất và tinh thần. Mất mát đó, đau thương đó không biết đến bao giờ mới có thể nguôi ngoai.

Chung một nỗi đau, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP.HCM chính thức tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 vào 20h tối nay (19/11). Tại điểm cầu Hà Nội, nhiều hoạt động tưởng niệm cũng được tổ chức.

Lễ tưởng niệm nhằm tưởng nhớ đồng bào tử vong và tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh vì dịch bệnh Covid-19; thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng.

Buổi lễ cũng nhằm tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Thông qua Lễ tưởng niệm cũng khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc để mỗi người cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban Đời sống

Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do Covid-19

Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do Covid-19

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do Covid-19 được tổ chức vào 19h ngày 19/11 tại Hà Nội và TP.HCM. Thể hiện sự chia sẻ của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam trước những mất mát, đau thương do đại dịch Covid-19 gây ra