Nhóm của giáo sư Mark Post tại Đại học Maastricht, Hà Lan đã "trồng" những dải cơ nhỏ có chiều dài 2cm, rộng 1cm và dày 1 cm, BBC đưa tin.

{keywords}
Một dải cơ dùng để sản xuất thịt nhân tạo. (Ảnh: BBC)

Chúng có màu trắng và trông giống như những dải thịt mực. Những dải cơ này sau đó sẽ được trộn với huyết thanh và được trồng nhân tạo, băm nhỏ để tạo ra một miếng thịt băm viên kẹp trong một chiếc bánh hamburger.

Chi phí để sản xuất ra miếng thịt này lên tới 200.000 bảng Anh (gần 6 tỷ đồng), song giáo sư Post cho biết giá thành sẽ hạ khi công nghệ sản xuất được cải thiện.

Tại một cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tiến bộ Khoa học Mỹ, giáo sư Post tiết lộ ông có kế hoạch mời đầu bếp nổi tiếng Hestin Blumenthal tới chế biến miếng thịt nhân tạo đầu tiên.

{keywords}
Miếng thịt nhân tạo đầu tiên được chế biến vào năm 2013. (Ảnh: labiotech)

"Lý do chúng tôi làm vậy không phải để khoe một sản phẩm tồn tại mà muốn cho thấy sự thực là chúng tôi đã làm được điều này", ông nói với BBC.

Thịt "trồng" trong phòng thí nghiệm có thể mang lại nhiều lợi thế sinh thái hơn đối với thịt từ gia súc, theo ông Post.

"Nhu cầu về thịt sẽ tăng gấp đôi trong vòng 50 năm tới và hiện tại chúng ta đang sử dụng 70% khả năng nông nghiệp để sản xuất thịt thông qua chăn nuôi gia súc", ông Post nói. "Bạn có thể dễ dàng tính toán được rằng, chúng ta cần thay thế. Nếu bạn không làm gì thì thịt sẽ trở thành thực phẩm xa xỉ và rất đắt đỏ".

{keywords}
Giáo sư Mark Post. (Ảnh: frenchtribune)

Theo ông Post, thịt nhân tạo sẽ dần làm giảm số lượng gia súc được chăn nuôi và diện tích đất để chăn nuôi, thậm chí có thể cung cấp một loại thịt lành mạnh hơn thịt truyền thống.

Bên cạnh những ưu điểm kể trên, thịt nhân tạo cũng có nhiều nhược điểm. Ngoài hương vị thịt nhạt nhẽo, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về việc sẽ sản xuất chúng như thế nào. "Trồng" thịt nhân tạo cũng đòi hỏi các nhà khoa học phải tìm cách ngăn chúng bị hư thối, nhà hoạt động môi trường David Steele of Earthsave lo ngại.

Sầm Hoa