Đây là thảm họa tàu con thoi thứ hai xảy ra sau khi tàu Challenger nổ tung lúc rời bệ phóng vào năm 1986, khiến toàn bộ 7 phi hành gia đang trên đường bay vào không gian tử nạn. Các sự cố thảm khốc buộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phải siết chặt lại quy định về an toàn bay, cũng như đưa ra những quyết định sống còn về số phận đội tàu con thoi của nước này.

{keywords}
Ảnh: Wikimedia

Tàu con thoi Columbia, số hiệu OV-102, là chiếc đầu tiên và cũng là lá cờ đầu trong đội phi thuyền con thoi có khả năng bay vào vũ trụ của NASA. Quá trình đóng tàu bắt đầu từ năm 1975, chủ yếu ở Palmdale, bang California và đến năm 1979 thì hoàn thành.

{keywords}
Ảnh: History.com

Tàu được đặt tên theo tàu biển Columbia của thuyền trưởng Robert Gray, người đã thám hiểm tây bắc Thái Bình Dương và cũng là người Mỹ đầu tiên đi vòng quanh thế giới. Tên của tàu con thoi Columbia cũng nhằm vinh danh khoang điều khiển của phi thuyền Apollo 11, tàu vũ trụ có người lái đầu tiên từng hạ cánh xuống một thiên thể khác.

{keywords}
Ảnh: Wikimedia

Tàu con thoi Columbia thực hiện chuyến bay đầu tiên (STS-1) vào ngày 12/4/1981. Sứ mệnh bay thứ 28 của tàu, mã hiệu STS-107 ban đầu được lên lịch khởi hành vào ngày 11/1/2001 nhưng bị trì hoãn nhiều lần, vì các lí do khác nhau gần 2 năm sau đó.

{keywords}
 7 thành viên phi hành đoàn thuộc sứ mệnh STS-107 cuối cùng của tàu Columbia. Ảnh: NYT

Mãi tới ngày 16/1/2003, tàu Columbia mới bắt đầu chuyến bay STS-107 lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), chở theo 7 phi hành gia gồm Rick Husband, Chỉ huy sứ mệnh; Michael Anderson, phụ trách tải trọng; William McCool, phi công; David Brown, chuyên gia sứ mệnh; Kalpana Chawla, chuyên gia sứ mệnh và cũng là nữ phi hành gia đầu tiên sinh ra ở Ấn Độ; Laurel Clark, chuyên gia sứ mệnh và Ilan Ramon, chuyên gia tải trọng thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Israel.

{keywords}
Ảnh: NYT 

80 giây sau khi rời bệ phóng ở Trung tâm vũ trụ Kennedy, một mảnh xốp cách nhiệt đã vỡ ra từ thùng nhiên liệu của Columbia và đâm mạnh vào rìa cánh trái của tàu con thoi này. Các máy quay tập trung ghi lại quá trình phóng tàu đã hé lộ vụ va chạm, nhưng các kỹ sư không thể xác định được vị trí cũng như mức độ hư hại.

{keywords}
 Ảnh: AP

Mặc dù các sự cố tương tự từng xảy ra trong 3 lần phóng tàu con thoi trước đó mà không gây tổn hại nghiêm trọng nào, nhưng một số chuyên gia NASA tin, hư hỏng ở cánh có thể dẫn đến trục trặc lớn. Họ thúc giục nhà chức trách phải có ảnh chụp cận cảnh phần cánh gặp sự cố của Columbia trong quỹ đạo. Bộ Quốc phòng Mỹ thậm chí sẵn sàng hỗ trợ bằng các máy ảnh do thám ngoài không gian của cơ quan này. Song, các quan chức phụ trách sứ mệnh của NASA đã từ chối những kiến nghị nói trên, vì theo họ, ngay cả khi va chạm gây hỏng hóc lớn, họ cũng không thể làm gì để khắc phục tình hình. Thực tế, không có điều gì nghiêm trọng xảy ra với tàu Columbia trong 2 tuần sau đó.

{keywords}
Ảnh: Wikimedia 

Vào thời điểm ấy, chương trình tàu con thoi của Mỹ tập trung vào việc xây dựng trạm ISS. Song, sứ mệnh bay thứ 28 của tàu Columbia lại có mục tiêu nhấn mạnh vào quá trình thuần túy nghiên cứu.

{keywords}
Một bức ảnh chụp các nhà du hành vũ trụ tham gia sứ mệnh thứ 28 của tàu Columbia trong không gian. Ảnh: Word Press

Trong 16 ngày của sứ mệnh, phi hành đoàn đã chia thành hai ca để thực hiện các thí nghiệm khoa học trong không gian suốt 24 tiếng mỗi ngày. Theo trang Space, họ đã tiến hành khoảng 80 thí nghiệm về sự sống, vật liệu, chất lỏng, ...

{keywords}
Một trong những tấm ảnh chụp chung cuối cùng của toàn bộ phi hành đoàn. Ảnh: Reuters

Tàu Columbia hoàn thành nhiệm vụ và quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất vào sáng 1/2/2003. Lúc khoảng 8h53 theo giờ miền đông nước Mỹ, khi tàu con thoi ở độ cao 70,4km so với bờ biển California và đang di chuyển với tốc độ gấp 23 lần tốc độ âm thanh, các dấu hiệu trục trặc bắt đầu xuất hiện. Qua màn hình theo dõi tình trạng tàu Columbia, các chuyên gia NASA dưới mặt đất nhận thấy áp suất trên tàu giảm rất nhanh. Không đầy 10 phút sau, lúc khoảng 9h, họ mất liên lạc vô tuyến với tàu.

Báo cáo điều tra sự cố, được NASA công bố vào cuối năm 2008 hé lộ, thảm họa xảy đến với tàu Columbia rất nhanh trong ngày định mệnh. Vụ va chạm với miếng cách nhiệt cách đó hơn hai tuần đã tạo ra một lỗ thủng trên cánh trái của tàu, khiến nhiệt và khí từ bên ngoài tràn vào trong.

{keywords}
Phi công William McCool (trái) và chỉ huy tàu Rick Husband (phải) đang điều khiển tàu Columbia trước thời điểm xảy ra tai nạn ngày 1/2/2003. Ảnh: Reuters.

Phi hành gia McCool đã vội vàng nhấn nhiều nút trong lúc con tàu lao xuống một cách mất kiểm soát. Anh không hề biết nỗ lực của mình chẳng mang lại bất kỳ kết quả nào. Trong khi đó, phần lớn phi hành đoàn đang chuẩn bị cho chuyến quay trở về Trái đất nên không phát hiện điều bất thường để đối phó. Một số không đeo găng tay bảo vệ và vẫn mở nắp kính trên mũ. Thậm chí một người còn đang ngồi ở tư thế không thắt đai an toàn.

Chỉ trong vài giây kể từ khi tiếng còi báo động đầu tiên vang lên, áp suất trong khoang chứa các nhà du hành vũ trụ sụt giảm nhanh, khiến họ bị ngất ngay lập tức. Các luồng khí cực nóng từ bên ngoài tràn vào giết chết toàn bộ phi hành đoàn và nung chảy các thiết bị.

Khoang chứa phi hành đoàn tách khỏi tàu và xoay tròn rất nhanh. Các điều tra viên nhận định, nếu các nhà du hành không mất mạng vì những luồng khí nóng, thì họ cũng không thể sống sót sau khi cơ thể bị xoay tròn như chong chóng cùng với khoang chứa. Nói cách khác, 7 phi hành gia trên tàu Columbia không có cơ hội sống sót trong sự cố.

{keywords}
Hình ảnh tàu Columbia nổ tung trên bầu trời Texas. Ảnh: Reuters.

Các đoạn băng ghi hình của NASA cho thấy, tàu Columbia nổ tung trên vùng trời Texas, ở độ cao khoảng 63km so với mặt đất. Các mảnh vỡ của tàu rơi xuống, vương vãi khắp một vùng diện tích rộng hơn 5.100km2, kéo dài từ ngoại ô Dallas đến khu vực Tyler thuộc bang Texas và một số địa điểm thuộc bang Louisiana.

{keywords}
Hàng ngàn mảnh vỡ thu hồi được sau vụ nổ tàu Columbia được trưng bày tại Trung tâm vũ trụ Kennedy. Ảnh: NYT
{keywords}
Các nhà điều tra đang xem xét những mảnh vỡ ngày 13/5/2003. Ảnh: Time
{keywords}
Các binh sĩ Mỹ khiêng quan tài của một phi hành gia tử nạn lên máy bay. Ảnh: Time
{keywords}
Đám đông tới đặt hoa tưởng nhớ các phi hành gia thiệt mạng tại Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA tại Houston, Texas. Ảnh: FBI

NASA đã quyết định ngưng mọi chuyến bay của các tàu con thoi suốt hơn 2 năm sau đó, trong khi tiến hành điều tra thảm họa. Sự cố cùng với vụ tai nạn năm 1986 của tàu Challenger là nguyên nhân trực tiếp khiến NASA rốt cuộc cho đội phi thuyền con thoi nghỉ hưu vào năm 2011. Kể từ đó, NASA đã phải thuê các tàu vũ trụ Nga đưa các phi hành gia Mỹ lên trạm ISS trong khi chờ các công ty hàng không vũ trụ Mỹ, được họ tài trợ, phát triển dịch vụ vận chuyển thương mại trong không gian.

Tuấn Anh