Ngày 20/9/2001, Tổng thống George W. Bush đã có bài phát biểu thu hút đông đảo sự chú ý, được truyền trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia trong phiên họp chung của cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Trong đó, ông Bush tuyên bố khai màn "cuộc chiến chống khủng bố" kéo dài và gây tốn kém bậc nhất trong lịch sử Mỹ.
Vào ngày 11/9/2001, cả thế giới rúng động khi hay tin 19 tên khủng bố al-Qaeda chiếm quyền điều khiển 4 máy bay chở khách cỡ lớn, rồi lần lượt cho chúng chuyển hướng, tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ. Hai trong số những máy bay đó đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố New York, trong khi một chiếc khác đâm vào Lầu Năm Góc ở Washington và chiếc còn lại bị rơi xuống một cánh đồng ở Pennsylvania.
Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới tại thành phố New York bốc cháy, rồi đổ sụp sau khi bị máy bay không tặc đâm vào ngày 11/9/2001. Ảnh: Corbis |
Gần 3.000 người thiệt mạng ngay tại chỗ và hàng ngàn nạn nhân khác bị thương, chủ yếu do tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới đổ sụp trong sự cố được mô tả là thảm họa khủng bố đẫm máu nhất, do thế lực bên ngoài gây ra tại Mỹ.
Trong lúc cả nước Mỹ vẫn chưa hết hoảng loạn và lực lượng chức trách vẫn phải tiếp tục vật lộn khắc phục hậu quả của các vụ tấn công 11/9, hơn một tuần sau, Tổng thống George W. Bush đã có bài phát biểu hùng hồn, một dấu ấn đậm nét về thời kỳ lãnh đạo Nhà Trắng của ông.
Theo tạp chí Time, bài phát biểu được truyền trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia của Tổng thống Bush, tại phiên họp chung của lưỡng viện vào ngày 20/9/2001 nhằm trấn an và kêu gọi sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân Mỹ. Cụ thể, sau khi lí giải về những gì đã xảy ra vào ngày định mệnh 11/9, ông Bush khẳng định mạng lưới khủng bố al-Qaeda và Bin Laden là thủ phạm chính.
Tổng thống Bush cũng trình bày một luận điểm quan trọng về chính sách ngoại giao của chính quyền ông. Lãnh đạo Nhà Trắng nhấn mạnh, nước Mỹ sẽ không buộc mọi người Hồi giáo phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công. Lý do vì, theo ông, bọn khủng bố chỉ chiếm một phần nhỏ trong số đông các tín đồ đạo Hồi.
Tổng thống Bush công bố "cuộc chiến chống khủng bố" của Mỹ trên khắp toàn cầu trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc ngày 20/9/2001. Ảnh: NYT |
Tuy nhiên, ông Bush vạch ra kế hoạch về một "cuộc chiến chống khủng bố", bắt đầu với mạng lưới al-Qaeda và sau đó sẽ mở rộng nhằm tiêu diệt mọi phần tử khủng bố trên khắp thế giới. "Mỹ sẽ truy kích mọi quốc gia hậu thuẫn và cung cấp thiên đường trú ẩn an toàn cho chủ nghĩa khủng bố. Tất cả các quốc gia ở tất cả các khu vực hiện phải quyết định: hoặc các bạn sát cánh bên chúng tôi hoặc các bạn ở bên phía bọn khủng bố", người đứng đầu nước Mỹ nhấn mạnh.
Ông thừa nhận các thách thức đang ở phía trước nước Mỹ, trong một cuộc chiến với những kẻ thù chưa rõ mặt và có khả năng lẩn trốn tinh vi. Ông kêu gọi mọi người dân Mỹ tiếp tục cuộc sống như bình thường, đồng thời cầu nguyện cho các nạn nhân của sự kiện 11/9 cũng như các quân nhân Mỹ.
Cuối cùng, ông Bush nhận trách nhiệm dẫn dắt nước Mỹ vượt qua một trong những thời điểm đen tối nhất lịch sử nước này. "Trong nỗi đau và sự giận dữ, chúng ta đã tìm thấy sứ mệnh và thời khắc của mình... Chúng ta sẽ không bao giờ kiệt quệ, không bao giờ chùn bước và không bao giờ thất bại", ông Bush nói.
Ảnh: The National Interest |
Bài phát biểu hùng hồn của ông Bush lập tức làm nức lòng công chúng Mỹ, đúng vào thời điểm họ cần một liều thuốc vực dậy tinh thần, vượt qua biến cố kinh hoàng. Vị tổng thống đương nhiệm không chỉ chứng kiến tỉ lệ tín nhiệm tăng vọt ngay sau đó, mà còn tập hợp được đủ sự ủng hộ để khai màn "cuộc chiến chống khủng bố" như ông mong muốn. Và thế giới đã chính thức thay đổi từ thời điểm đó.
Không chỉ Mỹ mà còn nhiều nước khác trên thế giới đã bị cuốn vào guồng máy chiến tranh “chống khủng bố toàn cầu” do ông Bush phát động, từ cuộc chiến chống khủng bố đầu tiên tại Afghanistan cho đến cuộc chiến tại Iraq và sau này là cả những nỗ lực chống các tay súng thuộc tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Hiện tại, tuy Mỹ và liên quân đã tiêu diệt được trùm khủng bố Bin Laden, làm suy yếu phần nào mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, lật đổ chế độ Taliban, nhưng thực tế Mỹ vẫn không thể tiêu diệt tận gốc những mối nguy này. Hiểm họa từ Taliban và al-Qaeda vẫn còn đó. Hiện Taliban vẫn tổ chức các hoạt động phiến loạn tại Afghanistan. Trong khi đó, al-Qaeda có xu thế chia thành những nhóm nhỏ, hoạt động tinh vi hơn, với tư tưởng cực đoan có chiều hướng gia tăng và phạm vi hoạt động thậm chí mở rộng sang tận Trung và Nam Á.
Iraq hoang tàn sau 15 năm chiến tranh. Ảnh: AP |
Nội chiến ở Iraq, Syria ngày càng lan rộng và chưa có dấu hiệu kết thúc. Làn sóng di cư đi lánh nạn từ Trung Đông đang trở thành hiểm họa an ninh với châu Âu.
Bên cạnh đó, Mỹ và thế giới lại tiếp tục phải đối mặt với một nguy cơ lớn hơn nhiều, đó là IS. Từng là một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, song mức độ nguy hiểm và tư tưởng cực đoan của IS còn lớn hơn nhiều. Chính phủ Mỹ và phương Tây đều phải thừa nhận, đây là một mối nguy cơ chưa từng có, nhất là khi IS đang bành trướng hoạt động và đã chiêu mộ được hàng nghìn tay súng nước ngoài, bao gồm cả người châu Âu và người Mỹ.
Hơn thế nữa, theo Chỉ số khủng bố toàn cầu (Global Terrorist Index) công bố năm 2015 của Viện Kinh tế và hòa bình (IEP), số các vụ khủng bố trên thế giới đã tăng vùn vụt kể từ khi Mỹ phát động chiến tranh chống khủng bố. Ví dụ, nếu năm 2002 có 982 vụ khủng bố trên toàn thế giới thì đến năm 2011 đã tăng lên đến 4.564 vụ.
Các tay súng khủng bố IS ở Trung Đông. Ảnh: AP |
Số người thiệt mạng liên quan đến khủng bố hàng năm cũng tăng đáng kể, đỉnh điểm vào năm 2007 khi tổng số nạn nhân lên tới hơn 10.000 người. May mắn, con số này đã giảm còn 7.473 nạn nhân vào năm 2011.
Các báo cáo thống kê chỉ ra rằng Iraq, Pakistan, Afghanistan, Ấn Độ và Yemen là những nước bị ảnh hưởng bởi khủng bố nặng nhất trong những năm qua, căn cứ vào số vụ tấn công, số người chết và bị thương cũng như các thiệt hại vật chất.
“Sau sự kiện 11/9, các hoạt động khủng bố đã giảm xuống mức trước những năm 2000, cho đến khi Mỹ tiến hành đánh chiếm Iraq. Kể từ đó, khủng bố gia tăng nhanh chóng. Iraq chiếm tới khoảng 1/3 số người chết vì các vụ khủng bố trên thế giới trong vòng một thập niên kể từ năm 2001. Ba nước Iraq, Pakistan và Afghanistan chiếm hơn 50% số trường hợp tử vong này”, Steve Killelea, sáng lập viên kiêm Chủ tịch IEP, cho biết.
Điều đáng nói, trong khi số người bị thiệt mạng vì khủng bố ở mức 10.000 người, số người bị giết chết vì chiến tranh chống khủng bố lại lên tới hàng triệu người. Theo ước tính của tổ chức Physicians for Social Responsibility, từ năm 2002 đến tháng 3/2015, số người thiệt mạng trực tiếp và gián tiếp trong cuộc chiến chống khủng bố tổng cộng lên tới 1,3 triệu người, bao gồm 1 triệu người ở Iraq, 220.000 người ở Afghanistan và 80.000 người ở Pakistan. Một số thống kê khác cho rằng, con số thực sự lên tới gần 2 triệu người.
Ngoài ra, các cuộc khảo sát tại châu Âu cũng cho thấy, đa số người Đức (74%), Pháp (65%) và Italia (63%) tin, các biện pháp chống khủng bố của Mỹ sau vụ 11/9 đã không tăng cường an ninh trên thế giới, mà ngược lại khiến châu Âu bị tấn công nhiều hơn. 64% số người tham gia khảo sát của trang Debate.org với độc giả tiếng Anh toàn cầu cũng tin, thế giới ít an toàn hơn. Điều tương tự cũng diễn ra tại Mỹ, khi kết quả thăm dò dư luận của Hội đồng Quan hệ toàn cầu Chicago hé lộ, gần 50% người Mỹ cảm thấy môi trường sống của họ đang kém an toàn hơn trước kia.
Nhiều người Mỹ bắt đầu thấy hối hận vì từng ủng hộ "cuộc chiến chống khủng bố" kéo dài và hao tốn tiền của, sinh mạng của nước này. Ảnh minh họa: WSJ |
Bên cạnh ảnh hưởng to lớn đối với tâm lý của người dân, cuộc chiến chống khủng bố còn khiến nền kinh tế của chính Mỹ trở nên bấp bênh, tăng trưởng không ổn định. Hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq cộng với chi phí cho các hoạt động chống khủng bố khắp toàn cầu khiến Nhà Trắng đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. Đó cũng là một trong những lý do then chốt, khiến người kế nhiệm ông Bush - Tổng thống Barack Obama đi đến quyết định rút quân khỏi hai quốc gia nói trên.
17 năm đã trôi qua kể từ sau tuyên bố khởi động cuộc chiến chống khủng bố của ông Bush, hàng triệu người đã thiệt mạng, hàng ngàn tỉ USD bị tiêu tốn, song thế giới lại trở nên bất ổn hơn. Nhiều người bắt đầu cay đắng nhận ra rằng, cuộc chiến chống khủng bố do chính quyền Bush khởi xướng có thể đã thất bại hoàn toàn.
Tuấn Anh
Ngày này năm xưa: Nữ hoàng sắc đẹp hai lần gây chấn động lịch sử Mỹ
Cách đây 35 năm, Vanessa Williams tạo nên kỳ tích khi trở thành Hoa hậu da màu đầu tiên của Mỹ. Không đầy 1 năm sau, cô lại tiếp tục gây chấn động lịch sử Mỹ.
Bí mật ít biết về hàng không mẫu hạm bay của Mỹ
Cách đây gần 100 năm, Hải quân Mỹ đã cho chế tạo các hàng không mẫu hạm bay độc nhất vô nhị trên thế giới.
Ngày này năm xưa: Chuyện tình đệ nhất phu nhân trẻ nhất lịch sử Mỹ
Ngày 12/9/1953 ghi dấu đám cưới xa hoa của cô phóng viên trẻ Jackie với Thượng nghị sĩ John F. Kennedy, vị tổng thống thứ 35 tương lai của Mỹ.
Ngày này năm xưa: Ông Bush chấn động nghe tin Mỹ bị tấn công
Sự chấn động hiện diện trên gương mặt Tổng thống George W.Bush khi Chánh văn phòng Andy Card thì thầm vào tai ông rằng nước Mỹ đang bị tấn công.
Ngày này năm xưa: Tội ác man rợ của cặp vợ chồng 'đũa lệch'
Ngày 10/9/1977, Charlene, người có IQ bằng thiên tài Stephen Hawking, lần đầu gặp Gerald, rồi kết hợp thành cặp sát nhân, gây ra hàng loạt vụ án man rợ nhất lịch sử Mỹ.
Xem dàn chiến đấu cơ 'khủng' TQ dùng để đối phó Mỹ
Trung Quốc thiết kế một loại động cơ cải tiến mới để khiến tiêm kích tàng hình J-20 đạt đẳng cấp thế giới, đủ đối đầu các chiến đấu cơ F-22 hay F-35 của Mỹ.
Ngày này năm xưa: Thảm sát vận động viên rúng động Olympic
Ngày 5/9/1972, bọn khủng bố đột nhập làng Olympic ở Munich, Đức, bắt cóc rồi giết hại các vận động viên và huấn luyện viên người Israel.