Trong giấy mời gửi một số cá nhân, tổ chức có liên quan, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV cho biết, cuộc tọa đàm này là để phục vụ việc nghiên cứu, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Được biết, cuộc họp này ngoài đơn vị chủ trì là Ủy ban Tư pháp, còn có sự tham dự của các đại diện đến từ Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Khoa học Công nghệ của Quốc hội, Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT, Hội đồng Quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cùng một số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội này như CMC, PeaceSoft, VP9, Vietsoftware…

Đặc biệt, trong danh sách đại biểu được mời dự cuộc tọa đàm về quy định tại Điều 292 Bộ luật hình sự năm 2015 vào ngày 30/7, còn có một số đại diện của cộng đồng khởi nghiệp, tiêu biểu là ông Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch UP Co-working Space, không gian làm việc chung tiện nghi và sáng tạo cho cộng đồng khởi nghiệp Việt. Ông Đỗ Hoài Nam là người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng startup Việt, được Vườn ươm khởi nghiệp Innovatube đánh giá là “Người giữ lửa cho startup Việt”.

Bộ luật Hình sự mới được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tổ chức vào tháng 11/2015, đã được công bố và thời điểm bộ luật này có hiệu lực là từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, vào ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa XIII đã ra Nghị quyết 144 về việc lùi hiệu lực của Bộ luật Hình sự năm 2015 và 3 đạo luật liên quan. Quốc hội cũng đã quyết nghị bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và dự kiến trình Quốc hội khoá XIV tại kỳ họp thứ hai. Nghị quyết nêu rõ: Lùi hiệu lực thi hành 4 bộ luật trên từ ngày 1/7/2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành, trừ một số quy định có lợi cho người phạm tội.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, quy định về “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” tại Điều 292 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệphoạt động trong lĩnh vực CNTT, viễn thông, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực này băn khoăn, lo lắng, hoang mang.

Thông tin từ Bộ Tư pháp cho hay, đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đã gửi trực tiếp kiến nghị đến Bộ này để đề nghị rà soát lại Điều 292 Bộ luật Hình sự năm 2015, đặc biệt là quy định tại điểm e Khoản 1 của Điều 292 “các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật”, vì cho rằng quy định này có phạm vi điều chỉnh quá rộng nên không khuyến khích, thậm chí là “rào cản” đối với sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp. Thậm chí, có chuyên gia lo ngại nếu Điều 292 được thực thi sẽ làm cho cộng đồng doanh nghiệp CNTT, những người làm khởi nghiệp nản lòng, mất  động lực để tham gia phát triền nền kinh tế số; đồng thời việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn.

Trong thông tin trả lời kiến nghị của đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp về đề nghị rà soát lại Điều 292, nhất là quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 292 “các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật”, Bộ Tư pháp cho rằng, đề xuất này cần phải được nghiên cứu nghiêm túc trên cơ sở tham khảo của các Bộ, ngành nhất là các cơ quan thực thi pháp luật để không cản trở doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng cho biết, với Điều 292 Bộ luật Hình sự 2015, Bộ sẽ có công văn đề nghị Bộ TT&TT, Bộ KH&ĐT nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý, gửi kết quả về Bộ Tư pháp để tổng hợp, trình Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, thông tin và mời đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, VCCI để trao đổi, thảo luận kỹ các nội dung nêu trên trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định.