Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề: “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”.
Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI sẽ được tổ chức vào thứ Tư, ngày 15/01/2025 tại Hà Nội.
Trong những năm qua, triển khai định hướng của Đảng và Nhà nước về chủ trương thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp của Việt Nam thực hiện thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chủ trì tổ chức thường niên Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Diễn đàn là một trong những sự kiện lớn nhất của ngành Thông tin và Truyền thông và luôn được các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ quan tâm bố trí thời gian tham dự, gặp gỡ, khích lệ, động viên, chỉ đạo, định hướng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó có quan điểm làm chủ công nghệ và các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Sự ra đời của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị là kim chỉ nam, khai sáng với mọi ngành nghề, không chỉ có tính thúc đẩy và thay đổi về bản chất cách thức hoạt động mà còn tác động sâu sắc đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Nhằm thực hiện chủ trương, định hướng lớn của Tổng Bí thư về làm chủ công nghệ số và cuộc cách mạng chuyển đổi số, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ TT&TT tiếp tục tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề: “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”.
Mục tiêu của Diễn đàn là đưa ra các thông điệp của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhằm làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, và đề xuất nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Diễn đàn này sẽ có nhiều nội dung trong đó có đánh giá quá trình thực hiện chủ trương Make in Viet Nam, phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gắn với việc làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số trong giai đoạn vừa qua; những kết quả và thành tựu ấn tượng của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Bên cạnh đó sẽ có định hướng làm chủ công nghệ số, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sáng tạo sản phẩm số, làm chủ quá trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn Việt Nam giai đoạn tới.
Diễn đàn lần này sẽ có thông điệp về những chính sách mới về công nghiệp công nghệ số (Luật Công nghiệp công nghệ số) và định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, mở ra không gian phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số; Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chung tay tham gia cuộc cách mạng chuyển đổi số quốc gia.
Cũng tại Diễn đàn này, nhiều nội dung sẽ được đưa ra thảo luận, đặc biệt định hướng, chính sách và giải pháp phát triển trong giai đoạn tới về công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, để kiến nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng thể chế, chính sách đột phá nhằm ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích, kêu gọi tập hợp sức mạnh từ Chính phủ đến xã hội trong phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Diễn đàn cũng sẽ đề ra việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ số giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số và đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.
“Make in..." là một sáng kiến xuất phát từ Ấn Độ, khởi xướng vào tháng 9/2014 với mục tiêu nhằm phát triển các sản phẩm nội địa và chuyển Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. Ấn Độ "Make in India" thành công khi cả nước này thật sự hành động chứ không phải chỉ hô hào, hô khẩu hiệu, nói suông. Tuy nhiên, "Make in India" chỉ có giá trị trong một giai đoạn và bối cảnh nào đó và nó không phải là chiếc đũa thần biến không thành có.
Từ khi khởi xướng, sáng kiến “Make In India” đã gặt hái được nhiều thành tựu. Một điểm sáng không thể không kể đến là sản xuất smartphone tại Ấn Độ, khi nước này đã chiếm 11% sản xuất di động toàn cầu trong năm 2017, vượt qua Việt Nam để trở thành “công xưởng” di động lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc tính theo sản lượng.
Sau Ấn Độ, Trung Quốc năm 2015 đã đưa ra kế hoạch chiến lược “Made in China 2025” với mục tiêu nâng cấp toàn diện nền công nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu các lĩnh vực công nghệ cao của nước này, lấy cảm hứng từ sáng kiến Công nghiệp 4.0 của Đức. Trung Quốc đặt ra mục tiêu vào năm 2025 có thể tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa lên 70% trong một số ngành công nghiệp trọng yếu.
Tại Việt Nam, cụm từ “Make in Viet Nam” được Bộ TT&TT lần đầu chia sẻ tại Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam - Myanmar với chủ đề “Chuyển đổi số trong Chính phủ” vào trung tuần tháng 12/2018, khi đề cập đến những sản phẩm, giải pháp công nghệ được các doanh nghiệp ICT Việt Nam như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT và BKAV sang giới thiệu, trình diễn với các cơ quan, doanh nghiệp của Myanmar. Cụm từ “Make in Vietnam” vừa tạo hiệu ứng truyền thông, vừa thể hiện khát khao, mong muốn, sự chủ động của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và phát triển công nghệ.