Sandbox - sản phẩm của thời đại công nghệ 4.0
Cơ chế Sandbox (Regulatory sandbox) ra đời đầu tiên tại Mỹ dưới hình thức khung điều chỉnh thử nghiệm do Phòng bảo vệ tài chính khách hàng (CFPB) tại Mỹ thiết lập năm 2012 với tên “Project Catalyst”. Năm 2015, Cơ quan điều hành tài chính (FCA) tại Anh chính thức đưa ra khái niệm “điều chỉnh thử nghiệm”.
Theo đó, cơ chế này cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn với quy định về phạm vi, không gian và điều kiện thử nghiệm cụ thể; cùng với đó có sẵn các phương án dự phòng rủi ro không ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội trong trường hợp thử nghiệm thất bại.
Sandbox sẽ được bàn luận tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số 2021. (Ảnh minh họa) |
Từ đó tới nay khung pháp lý thử nghiệm công nghệ, đã và đang trở thành công cụ được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng trong nỗ lực tìm kiếm phương thức phù hợp, giải quyết các vấn đề phát sinh từ việc ứng dụng công nghệ mới trong bối cảnh quy định về chính sách còn chưa hoàn thiện.
Làn sóng Covid có những tác động to lớn tới nền kinh tế và môi trường kinh doanh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới của doanh nghiệp. Nhu cầu áp dụng cơ chế Sandbox đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể càng trở nên cấp thiết để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nỗ lực phục hồi sản xuất hậu đại dịch.
Thời điểm chín muồi?
Cơ chế thử nghiệm chính sách mới Sandbox đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện tại đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (số 999/QĐ-TTg). Theo đó, các bộ và cơ quan ngang bộ có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng thể chế cho các ngành, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng công nghệ mới, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ áp dụng cơ chế này. Bộ TT&TT là đầu mối tiếp nhận các hồ sơ đăng ký triển khai cơ chế Sandbox để thử nghiệm công nghệ mới, dịch vụ mới.
Hồi tháng 3, Chính phủ phê duyệt Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ giá trị nhỏ (Mobile Money). Đây là dịch vụ đầu tiên được Chính phủ áp dụng cơ chế thử nghiệm có sự kết hợp quản lý của nhiều bộ ngành, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên chính thức áp dụng Sandbox tại Việt Nam.
Quá trình thí điểm chương trình này là cơ sở để cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất lên Quốc hội, cơ quan lập pháp cao nhất, các kiến nghị xây dựng hành lang pháp lý cụ thể đối với cơ chế Sandbox, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trực thuộc Quốc hội, rất ủng hộ và quan tâm vấn đề cơ chế thử nghiệm khung pháp lý sandbox. Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp số 2021 tới đây, Sandbox sẽ là một trong những chủ đề được đưa tham luận chính thức.
Cơ hội cho dịch vụ mới, ngành nghề mới
Các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng không thể bỏ qua nếu muốn phát triển trong tương lai và Fintech là trọng tâm cần đưa vào chiến lược thương hiệu của doanh nghiệp (DN), nhưng một trong những việc làm trước tiên là cần phải khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực này và Sandbox là lời giải cho bài toán đó. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, nhận định Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển Fintech với thị trường nội địa lớn và còn nhiều dư địa phát triển. Có thể nói Fintech chứa đựng nhiều yếu tố đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bao gồm từ cho vay, bảo hiểm, tư vấn, so sánh lãi suất... Do đó, Fintech ảnh hưởng rất sâu rộng đến mọi mặt trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Fintech còn gặp nhiều rủi ro và thách thức, trước hết là vấn đề pháp lý, chính sách... Trong đó cơ chế, chính sách hay thay đổi, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán. Nhìn chung, các quy định về hoạt động Fintech chưa thật sự đủ.
Bên cạnh đó, việc chưa có cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia và dữ liệu về DN còn phân tán, thiếu cập nhật, thiếu nhất quán và đồng bộ. Đồng thời đi kèm đó là thách thức về vấn đề an toàn bảo mật, an ninh mạng.
Đầu năm 2020, Thủ tướng đã yêu cầu cần xây dựng khung khổ thử nghiệm cho các dịch vụ tài chính, ngân hàng trên nền tảng công nghệ thông tin như ví điện tử, định danh điện tử, cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng… Tuy nhiên, để có thể triển khai sandbox cho các dịch vụ mới vẫn còn khá chậm. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép thí điểm Mobile Money cho VNPT, Viettel và MobiFone. Mobile Money là phát súng đầu tiên mở màn triển khai thí điểm áp dụng cơ chế Sandbox đối với lĩnh vực cụ thể, từ đó có thể trở thành hình mẫu để áp dụng mô hình này đối với các lĩnh vực khác, mở ra cơ hội cho nhiều dịch vụ, ngành nghề mới, đặc biệt đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, phải mất 2 năm Mobile Money mới được cấp phép triển khai thí điểm. Tuy nhiên, đây sẽ là bước khởi đầu để các sandbox sẽ được áp dụng nhanh hơn với nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.
Vinh Ngô
Chuyển đổi số sẽ là động lực chính cho phục hồi và phát triển kinh tế
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số 2021 sẽ là diễn đàn hành động, giải các bài toán cụ thể để chuyển đổi số là động lực để phục hồi và phát triển kinh tế.