- Trưa ngày 4/3, trong căn nhà nhỏ đầu xóm của ông Lê Nghiêm ở thôn Thanh Danh, xã
Nhơn Phong, thị xã An Nhơn (Bình Định) ken chật kín người. Niềm vui như vỡ òa
trong không khí họ hàng xôm tụ của người đã khuất và còn sống sau gần 60 năm xa
cách…
Ngày trở về sau gần 60 năm
Thông tin chiếc xe du lịch 24 chỗ ngồi với dòng chữ “kết nối cội nguồn” đang trên đường lăn bánh chở con cháu ông Lê Mẫn hướng về cội nguồn, đoàn tụ với gia đình đã làm nức lòng nhiều thành viên trong gia đình.
Tâm trạng nôn nao cụ Hà Thị Phiên trước thời khắc gặp lại con cháu |
Xe về đến tỉnh Bình Định, những cuộc gọi hỏi thăm nhiều dần khiến nhiều thành viên trong gia đình nhấp nhỏm không yên. Có mặt tại nhà ông Lê Nghiêm từ rất sớm, nhiều thành viên trong gia đình cụ Phiên cho biết, đêm qua cả gia đình không ngủ được, cứ nằm trằn trọc và trông mong mấy đứa về.
Ngồi trên chuyến xe đong đầy cảm xúc ngày trở về cội nguồn, ông Lê Văn Tiệp, con trai thứ năm của ông Mẫn, bộc bạch: “Trước đây, tôi cũng đã từng 2 lần theo thông tin ít ỏi mà người cha trước lúc lâm chung nhắn nhủ về quê hương gấm vóc ở vùng Đập Đá, An Nhơn nhưng tìm mãi không có kết quả.
Để có mặt trên chuyến xe về quê hương cha lần này, nhờ có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp du lịch đã kết nối. Tâm trạng của anh chị em tôi, giờ rất nôn nao và hồi hộp, muốn biết nơi cha mình đã lớn lên, muốn thắp cho tổ tiên một nén nhang…”.
Sự trăn trở, nôn nao ấy bắt nguồn từ tâm nguyện của người cha đã khuất cách đây gần 25 năm (năm 1990-PV). Ông Lê Mẫn (SN 1935) ra Bắc tập kết vào năm 1954, lập gia đình và sống tại Nguyên Xá Đông Hưng, tỉnh Thái Bình (nay còn gọi là xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).
Cuộc đoàn tụ gia đình chan chứa nụ cười, nước mắt |
Sau đó, gia đình chuyển lên vùng kinh tế mới thuộc xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái sinh sống và sản xuất.
Trước khi mất, lời trăn trối về quê cha đất tổ của người thương binh 4/4 này khiến 8 người con day dứt. Ngày nhận được thông tin tìm được quê cha, anh em đã bố trí thời gian, sắp xếp công việc lên đường…
Cuộc hạnh ngộ đầy cảm xúc
12 giờ trưa. Chiếc xe chở người thân ông Mẫn từ Thái Bình và Yên Bái đã về đến cổng làng Thanh Danh, xã Nhơn Phong (thị xã An Nhơn).
Tay bắt mặt mừng! Cả gia đình 2 bên chào đón nhau bằng những cái bắt tay, khoác vai đầy cảm xúc vào nhà.
Sau khi thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, những người chưa biết mặt lần nào đã có dịp ngồi chung nhau trong bàn. Tiếng khóc được nén chặt bật lên nức nở. Dù khác nhau về giọng nói nhưng các bên vẫn nhận ra nhau qua những đường nét giống nhau qua từng khuôn mặt.
Cụ Hà Thị Phiên vui mừng khi gặp lại các con, các cháu trong ngày gia đình đoàn tụ |
Ngồi cạnh đó, một bà cụ đã bước sang tuổi thất thập ngồi ngắm nhìn từng khuôn mặt vừa lạ, vừa quen đang sụt sùi, nức nở trước mặt. Bà là Hà Thị Phiên (81 tuổi, ở thôn Thanh Danh, thị xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn), vợ cả ông Lê Mẫn.
Vừa động viên, an ủi các cháu, bà Phiên sụt sùi nhớ lại: "Tui với ổng (ông Mẫn - PV) lấy nhau lúc 17 tuổi, nhưng chỉ chung sống với nhau được 1 tháng rồi ổng bảo ra miền Bắc tập kết ít năm rồi về.
Trước lúc đi, ổng còn nói với tui về nhà gói ít cây bánh tét, vài gói bánh chưng cho ổng mang lên tàu ăn kèm. Thương chồng, tui vội quay về quê gói gém bánh mang xuống Quy Nhơn thì hay tin ổng đã lên tàu. Rồi sau đó ổng đi biền biệt…”.
Như phẩm chất người phụ nữ Việt Nam vốn chung thủy với chồng con nên sau cuộc chia tay không một lời từ biệt với ông Mẫn, bà Phiên vẫn ngày đêm vẫn mong mỏi ngày chồng hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trở lại quê hương. Chừng ấy năm chưa có thông tin về ông Mẫn, bà ở nhà vẫn cần mẫn làm lụng, lo lắng, chăm nom cho gia đình.
Một năm, hai năm, ba năm… thông tin về chồng dường như vẫn còn chưa ai hay biết. Lúc này, mọi người trong gia đình nghĩ đến chuyện xấu nhất là có thể ông Mẫn đã hy sinh ngoài chiến trường.
Đến năm thứ 8, nghe tin ông lâp gia đình, bà Phiên như bủn rủn tay chân, tinh thần dường như suy sụp. Buồn hơn, bà con chòm xóm còn bảo bà 'lo thân bà đi chứ ổng có vợ rồi. Mai này, bà đau ốm ai đâu chăm sóc, thuốc than cho bà'.
Gạt đi những lời nói vổng không, bà Phiên vẫn chờ đợi một phép màu ngày chồng trở về. Đợi chờ trong vô vọng, rồi bà cũng tìm được người bạn đời gắn bó trọn đời bên nhau.
Đến nay, bà bước sang tuổi 81, mái tóc bà trở nên lấm tấm và đã có 4 người con. Dù cuộc sống gia đình hôm nay đã vẹn toàn, nhưng ký ức về người chồng năm xưa vẫn luôn được bà trông mong.
Chia sẻ với cảm xúc của mình khi biết tin con cái ông Mẫn ở ngoài Bắc trở về sum tụ cùng gia đình, cảm giác giận rồi thương cứ khây khỏa trong người bà Phiên gần tuần nay.
“Tui cũng giận ổng lắm! Ổng bảo tui ra Bắc tập kết, đánh giặc rồi về… Ai dè! Giờ ổng mất mình có giận cũng thấy thương cho ổng… Chắc vì lý do gì đó ổng không về được. Giờ đây, con cháu ổng còn biết tìm về cội nguồn, thêm chị thêm em!”, bà Phiên tiếp chuyện.
Trong không gian ngọt ngào tràn đầy cảm xúc; nhìn hình ảnh người con rể ông Lê Mẫn - anh Nông Văn Dòng đi khắp nhà, dùng chiếc điện thoại tận tay ghi lại từng khoảnh khắc từ bức ảnh đến người thân và vật dụng trong nhà. Anh Dòng bảo với tôi rằng, chụp hình để mai mốt mang về quê cho con cháu xem để biết tổ tiên của mình như thế nào.
Chứng kiến những phút giây hạnh phúc gia đình ông Mẫn, tôi càng thấu hiểu hơn nỗi niềm đong đầy tình thân gia đình hòa lẫn tỏng niềm vui nhớ về cội nguồn tổ tiên.
Từ nay giữa 2 miền Nam - Bắc ruột rà đã có thêm “sợi chỉ đỏ” để thắp lên niềm tin yêu và sự trưởng thành sau lời căn dặn của ông Lê Mẫn trước lúc lâm chung: “Dù khó khăn, nghèo khổ! Các con hãy ghi nhớ và tìm về cội nguồn để tri ân, nối kết và sẻ chia để con cháu biết về tổ tiên”.
Tháng 7/2013, ông Nguyễn Thế Vinh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH DV-TM&DL Lộc Vinh nhận cuộc gọi từ ông Nguyễn Trọng Sơn (Công ty Vietvip tour - Hà Nội) về thông tin đang đi tìm và kết nối thân nhân của ông Lê Mẫn. Sau đó, ông Vinh đã liên lạc với chính quyền xã Nhơn Phong và bà con địa phương, cùng các thành viên trong Hội Người cao tuổi xã. Ông Vinh cũng về tận nơi và gõ cửa các gia đình họ Lê để mở rộng tìm kiếm. Thông qua một bậc cao niên trong xã, ông tìm ra lai lịch thân nhân ông Lê Mẫn. Ông Vinh liền gọi điện cho ông Sơn báo thông tin cụ thể và cùng phối hợp để hỗ trợ hai gia đình gặp nhau. Toàn bộ chi phí ăn, ở trong chuyến đi “kết nối cội nguồn” của gia đình ông Mẫn đều được hai công ty trên tài trợ. |
Nguyên Trần