Hôm nay (15/1), các thành viên Quốc hội Anh sẽ định đoạt số phận của thỏa thuận Brexit mà bà May đã dày công đàm phán với các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU). Nhiều khả năng nữ Thủ tướng Anh sẽ đối mặt với thất bại tồi tệ nhất của chính phủ trong 95 năm qua, theo báo Bloomberg.
Những người phản đối Brexit biểu tình bên ngoài Hạ viện Anh ở London ngày 10/1. (Ảnh: UPI) |
Đến nay, ít nhất 70 thành viên trong chính Đảng Bảo thủ của Theresa May cùng một số liên minh trong Đảng DUP (Democratic Unionist Party), tuyên bố sẽ đứng về phe phản đối, bỏ phiếu chống lại thỏa thuận. Từ con số này gần như có thể biết chắc nữ Thủ tướng sẽ chịu thất bại cay đắng, bất chấp bà nỗ lực vận động ủng hộ đến phút chót.
Hôm 13/1, Thủ tướng May đã cảnh báo các nghị sĩ rằng, viễn cảnh Brexit bất thành có thể tạo ra "thảm họa" cho nền dân chủ tại Anh.
"Thất bại sẽ là một thảm họa, là sự tổn hại niềm tin không thể tha thứ trong nền dân chủ của chúng ta", bà nói. "Tôi muốn gửi đến Quốc hội cuối tuần này một thông điệp đơn giản: Đã đến lúc quên đi những trò chơi chính trị và làm điều đúng đắn cho đất nước".
Trước đó, tranh cãi gay gắt đã khiến bà May phải lùi ngày bỏ phiếu trong tháng 12/2018 đến 15/1 với hy vọng sẽ thuyết phục được Quốc hội bằng những nhượng bộ mới từ Brussels. Tuy nhiên, những lá thư trấn an từ EU không lay chuyển được nhiều nghị sĩ. Không ít ý kiến thậm chí cho rằng việc bà May lùi ngày bỏ phiếu là nhằm gây sức ép để các nghị sĩ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tán thành.
Nếu thỏa thuận Brexit không vượt được "cửa ải" Quốc hội ngày 15/1 thì bế tắc này có nguy cơ đẩy Anh vào cảnh mất phương hướng. Nước này sẽ phải rời khỏi EU vào 29/3 mà không có thỏa thuận nào, thậm chí không thể "ly hôn" với EU vào thời hạn đã định ngày 29/3. Đây thực sự là một ác mộng đối với chính phủ của Thủ tướng May và các doanh nghiệp ở Anh.
Một Brexit không có thỏa thuận nghĩa là Anh cắt toàn bộ quan hệ với EU chỉ sau một đêm mà không phải tuân thủ các quy định của khối. Viễn cảnh tồi tệ này sẽ ảnh hưởng tới đồng Bảng và giá nhà ở, đẩy Anh vào bờ vực một cuộc suy thoái thậm chí nguy hiểm hơn cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một thập niên.
Các doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu các mức thuế mới về nhập khẩu, xuất khẩu và dịch vụ, đồng nghĩa với tăng chi phí hoạt động, dẫn tới giá hàng hóa tăng cao. Bên cạnh đó, dòng chảy hàng hóa và người di cư qua biên giới Anh chắc chắn sẽ chậm lại.
Một số người muốn Anh rời EU một cách dứt khoát (Brexit cứng – Anh hoàn toàn độc lập trước các quan tòa, các chính sách thương mại và quy định nhập cư của EU) cho rằng, mọi việc đang bị thổi phồng và những thiệt hại trước mắt sẽ được bù đắp bằng các lợi ích lâu dài.
Theo Sunday Times, các nghị sĩ ủng hộ Anh ở lại EU hiện đang tìm cách giành quyền kiểm soát nhánh lập pháp khỏi tay Thủ tướng May ngay trong tuần này với hy vọng sẽ trì hoãn Brexit thành công. Vince Cable, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do ủng hộ EU, tuyên bố Quốc hội sẽ hành động sớm để ngăn chặn viễn cảnh "Brexit cứng", thậm chí ngăn Brexit diễn ra.
Thanh Hảo