- Cô Phan Thị Ly, chủ nhiệm lớp 3C Trường TH Cách Bi (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) nơi Đức Vĩnh đang theo học nhận xét cậu học trò nhỏ không chỉ học tốt mà còn rất khéo léo trong giao tiếp, ứng xử.

Bé hạt tiêu được mọi người yêu mến

Sáng 7/4, mới trở về quê nhà ở Bắc Ninh sau khi giành quán quân VN’s got talent 2015 từ Sài Gòn nên Đức Vĩnh còn mệt. Bố mẹ xin phép thầy cô cho em nghỉ ở nhà một hôm.

{keywords}

Đức Vĩnh bị mệt không ăn được ngay từ tối 6/4. Mẹ cậu bé luôn phải dỗ dành con trai sau khi trải qua hơn một tháng trời tập luyện và vất vả trên sân khấu lớn. Trước đó, hai mẹ con còn phải ở lại Sài Gòn thêm 4 ngày liên tiếp để quay phóng sự, trả lời trực tuyến cho ban tổ chức.

Đến trường, gặp cô Phan Thị Ly, giáo viên chủ nhiệm lớp cậu học trò nhỏ đang theo học chúng tôi được nghe nhiều điều thú vị về em.

Cô Ly cho biết cả 3 năm học tiểu học Đức Vĩnh đều làm lớp trưởng. Nhỏ bé hơn các bạn nên em hay được thầy cô xếp ngồi bàn đầu.

Năng động và luôn đi đầu trong các hoạt động của lớp, các thành viên còn tin tưởng bầu Đức Vĩnh làm lớp trưởng bởi tính tình hài hước, hay giúp bạn.

{keywords}
Lớp 3C Trường TH Cách Bi nơi Đức Vĩnh đang theo học.

Cô Ly cho biết: “Em học giỏi đều các môn, nhưng giỏi nhất là Toán, tiếng Anh. Em thông minh, hát hay, có khiếu kể chuyện nên có nhiều bạn yêu mến. Trước khi thi chung kết Vietnam’s Got Talent, Vĩnh phải nghỉ học 2 tuần nhưng em vẫn nhất quyết mang theo cả bộ sách giáo khoa vào Sài Gòn để tự học sau khi tham gia các phần thi của ban tổ chức”.

{keywords}
Không chỉ giỏi năng khiếu, trên lớp Đức Vĩnh cũng giỏi kiến thức và viết chữ đẹp.

“Em hay gọi điện cho tôi hỏi tình hình các bạn ở nhà, hỏi hôm nay lớp học đến đâu rồi, có kiểm tra gì không, các bạn bè ra sao. Em nói nhớ lớp, nhớ cô và các bạn, có lần em khóc nức nở trong điện thoại”, cô Ly kể lại.

{keywords}
Góc học tập của chị em Đức Vĩnh ở nhà.

Học ở trường làng nhưng theo cô Ly, Đức Vĩnh có kĩ năng sống rất tốt. “Trong lớp em thường tổ chức cho các bạn tự quản khi cô vắng mặt hay chơi các trò thi đọc, viết chữ đẹp, thi hát. Những lần phải xa trường lớp lâu, gặp tôi em đều chạy đến ôm chầm lấy. Những dịp 20/11, 8/3 hay 26/3,…em đều là người không thể thiếu trong các hoạt động văn nghệ của trường. Em cũng thường tự tay mua những món quà nhỏ đem tặng thầy cô trong dịp 20/11.” – cô Ly cho biết.

Không chỉ ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô, Đức Vĩnh cũng thường chủ động gặp cô Ly, thầy Hùng (Bùi Văn Hùng – hiệu trưởng nhà trường) để tâm sự hoặc tìm sự giúp đỡ.

Cô Ly ở gần nhà Đức Vĩnh, lại hay giúp đỡ nên nhiều khi Đức Vĩnh vẫn trìu mến gọi cô bằng “mẹ, xưng con”.

“Em không bỏ chương trình nào có Vĩnh biểu diễn cả. Trong lớp em quý nhất Vĩnh vì chúng em gần nhà nhau, hay học chung nhóm. Đức Vĩnh thông minh, dí dỏm, kể chuyện vui vẻ”, cô bé Hoàng Ngọc Hà kể về người bạn thân nhất của mình trong lớp 3C.

Sớm bộc lộ tài năng hát chèo từ năm mới 3-4 tuổi, Đức Vĩnh đã khiến bố mẹ và mọi người sởn da ga khi diễn vở Thị Mầu lên chùa quá “ngọt”

{keywords}

Khác với nhiều đứa trẻ cùng trang lứa khác, Đức Vĩnh không thích chơi games mà chỉ đặc biệt yêu thích múa hát, xem phim và ca nhạc.

Theo lời kể của gia đình, ngay từ năm 4 tuổi, cứ tối đến, các chị hàng xóm lại xếp ghế trước nhà, tạo thành một sân khấu nhỏ để nghe Vĩnh hát chèo, diễn tuồng.

Lên 5 tuổi, Vĩnh đã nổi danh trong xã Cách Bi, mẹ em thường xuyên được bà con, bạn bè thân thích khắp nơi mời đến hát tại các đám hội, đám cưới, mừng thọ. Vĩnh lúc này không thích hát nhạc trẻ nữa, em thường chọn quan họ Bắc Ninh hoặc các bài hát nổi danh của nữ nghệ sĩ Thu Huyền như Du xuân,Trảy hội xuân, Đi cấy

Lên 7, 8 tuổi, em đã biểu diễn ở Phú Thọ, Lạng Sơn, Hà Nội nơi mẹ có những người thân quen với thù lao chỉ là đồng quà, tấm bánh tượng trưng.

Xem trò biểu diễn trên sân khấu, không ít người như cô Ly, thầy Hùng đều chia sẻ họ thực sự xúc động, đôi khi rơi nước mắt vì phần thi của con.

Nước mắt hạnh phúc

Nguyễn Đức Vĩnh là em út trong gia đình có 3 chị gái. Bố mẹ em đều làm nông nghiệp, không buôn bán gì thêm. Bố Vĩnh mắc bệnh lâu năm, mọi lo toan dồn cả lên bờ vai mẹ.

{keywords}
Ngôi nhà nhỏ của Đức Vĩnh ở xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Chị gái đầu của Vĩnh là Nguyễn Thị Tình, năm nay 23 tuổi, chị gái thứ 2 là Nguyễn Thị Ánh, 19 tuổi. Hai chị đều phải đi làm từ rất sớm tại một khu công nghiệp tại Bắc Ninh để có tiền đỡ đần cha mẹ.

Chị gái thứ 3 là Nguyễn Hoài Anh, đang học lớp 9. Đây cũng chính là người bạn diễn thân thiết của Vĩnh từ khi em còn là cậu bé hát chèo trên sân khấu của làng, trong những đám hội, đám cưới.

{keywords}
Không gian nơi mấy chị em Đức Vĩnh ăn ngủ, học tập.

Khi Vĩnh đóng Xúy Vân giả dại, Hoài Anh vào vai Kim Nham; khi Vĩnh diễn Thị Mầu lên chùa, Hoài Anh lại đóng Thị Kính.

Bà Lê Thị Nghĩa, mẹ Đức Vĩnh biết năng khiếu của con nên định cho Vĩnh thi VietNam’s Got Talent từ 2 năm trước. Tuy nhiên, kinh tế còn nhiều khó khăn, phải đến mùa giải năm nay, nhờ sự giúp đỡ của một người quen trên Hà Nội, ước mơ được đến sân khấu này của em mới thành hiện thực.

Trở về quê nhà vào 6/4, Đức Vĩnh hồn nhiên khi cho biết giải thưởng 500 triệu đồng để “bốn chị em đi học tiếp và ủng hộ cho người tàn tật, những người nghèo khổ hơn. Sau khi đăng quang thì con sẽ về nhà tập trung học tiếp, việc hát để sang một bên và chỉ lo việc học là chính”. 

{keywords}

Ở nhà, Đức Vĩnh được các chị hàng xóm đặt cho biệt danh là "Vĩnh còm", vì em rất lười ăn. Đã lâu con không được về nhà, bà Nghĩa tranh thủ vào bếp làm tặng con trai món ăn mà bé ưa thích - bánh bột mì rán.

Ông Nguyễn Đức Tuấn – bố Đức Vĩnh cười hạnh phúc khi con dù tuổi nhỏ nhưng đã biết nghĩ cho mọi người. Còn người mẹ quay đi, giấu những giọt nước mắt vì hạnh phúc.

Không đặt nặng vấn đề giải thưởng, chỉ mong con thỏa đam mê ca hát, bà Lê Thanh Nghĩa chia sẻ: “Cháu còn nhỏ, ý thức về sự nổi tiếng hay tiền bạc không có nhưng gia đình không thể xem nhẹ việc này. Tôi sẽ luôn theo sát con để trò chuyện, uốn nắn con. Việc chính của Đức Vĩnh hiện nay vẫn là tập trung vào học. Nếu có đam mê khi lớn cháu sẽ tiếp tục theo con đường mình lựa chọn. Bố mẹ sẽ luôn ủng hộ cháu”.

  • Văn Chung