Báo cáo nhanh tình hình trong ngày đầu tiên tắt sóng analog chính thức tại 4 Thành phố lớn và địa bàn 19 tỉnh lân cận (16/8), đại diện các Sở TT&TT, Cục Tần số Vô tuyến điện đều cho biết mọi chuyện đang diễn biến rất thuận lợi, khả quan.

Trao đổi nhanh với VietNamNet chiều nay, đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện - đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình cho biết, theo thống kê đã có gần 1200 cuộc gọi đến Tổng đài hỗ trợ 05111022 trong ngày 15/8. Tuy nhiên, hầu hết nội dung cuộc gọi đều chỉ nhằm hỏi thông tin về đầu thu, các kênh truyền hình xem được sau khi chuyển đổi... "Người dân không phàn nàn gì cả. Về việc hỗ trợ đầu thu, đến đêm qua các địa phương đều báo cáo đã hỗ trợ xong hết, bà con rất phấn khởi", vị này cho biết.

{keywords}
Ngày đầu tắt sóng analog: Thị trường đầu thu trầm lắng, Tổng đài bận rộn

Phản ánh từ các doanh nghiệp cung cấp đầu thu set-top box DVB-T2 trong ngày 16/8 cũng cho ra kết quả tương đồng: "Tình hình tiêu thụ tương đối trầm lắng, chưa có dấu hiệu nóng lên", đại diện Cục Tần số nói thêm. Đánh giá diễn biến của đợt tắt sóng chính thức "suôn sẻ" hơn nhiều so với đợt tắt mềm 15/6, vị này cho biết một phần lý do là vì người dân cơ bản đã chuyển đổi xong phương thức thu xem trong thời gian 2 tháng qua. Chỉ còn một bộ phận nhỏ chuyển đổi sát giờ nên không gây xáo trộn thị trường.

Tại địa bàn các tỉnh lân cận, với những người dân có nhu cầu xem những kênh rất cơ bản như thời sự VTV1, họ vẫn có thể xem được do kênh địa phương tiếp sóng Truyền hình trung ương nên mức độ ảnh hưởng không nhiều.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở TT&TT Hà Nội cho biết, hôm nay, đoàn kiểm tra của Sở gồm Phó Giám đốc Sở, Phòng Bưu chính Viễn thông, phòng Truyền thông đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tiến hành kiểm tra các huyện Phú Xuyên, Hoài Đức, Thường Tín về tình hình thu xem truyền hình sau khi tắt sóng analog của các hộ dân nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Các tiêu chí kiểm tra khảo sát tập trung vào số lượng đầu thu được lắp đặt, chất lượng tín hiệu đầu thu, hoạt động - vận hành của các đầu thu do Viettel và Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích hỗ trợ cho các hộ. Kết quả cho thấy hầu hết đầu thu đều hoạt động ổn, đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu đề ra, ông Sỹ xác nhận.

Hà Nội là một trong những địa phương gặp khó khăn trong tiến độ hỗ trợ đầu thu của giai đoạn 1, tuy nhiên, tính đến 18h chiều qua, 15/8, Viettel đã lắp đặt xong 9400 đầu thu cuối cùng, và phía Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích cũng hoàn tất lắp đặt hơn 17.000 đầu thu còn lại. "Số lượng hộ chưa lắp được chỉ khoảng vài trăm, chủ yếu do chủ nhà vắng mặt hoặc lý do khách quan. Trong sáng nay chúng tôi đã lắp nốt", đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết.

Liên quan đến phản hồi của người dân trên địa bàn Hà Nội về đợt tắt sóng, ông Sỹ nhận định tình hình hoàn toàn thuận lợi. "Đợt tắt sóng mềm, số điện thoại hỗ trợ ghi trong tờ rơi nhận mấy chục cuộc gọi xin tư vấn mỗi ngày. Nhưng trong cả ngày hôm nay, chúng tôi không ghi nhận được cuộc gọi nào cả. Người dân có vẻ như đã nắm được rõ hết thông tin về việc chuyển đổi". Lý giải cho việc này, đại diện Sở Hà Nội cho biết kể từ tháng 7 vừa qua, bên cạnh việc phát tờ rơi, phát sóng clip thông báo trên truyền hình, Sở cũng đã tiến hành phát nội dung hướng dẫn chuyển đổi qua hệ thống loa truyền thanh xã/huyện. Những nội dung này có lẽ đã được truyền tải trực tiếp đến đối tượng chịu tác động chính của việc tắt sóng là các hộ dân sống ở khu vực ven đô nên người dân đã chủ động nắm bắt được thông tin.

Tuy nhiên theo ghi nhận của VietNamNet thì Tổng đài hỗ trợ thông tin chính thức cho Đề án số hóa truyền hình Việt Nam 05111022 đặt tại Đà Nẵng đã có một ngày khá bận rộn. Ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, nếu như số lượng cuộc gọi trong ngày 15/8 là 1187 cuộc, thì tính đến 16h chiều nay, đã có 1498 cuộc gọi được chuyển tiếp đến Tổng đài để xử lý.

"Do đã có sự chuẩn bị trước nên Tổng đài xử lý tốt tất cả các cuộc gọi này và trả lời, giải đáp đầy đủ thông tin cho người dân", ông Cẩm chia sẻ. "Nhiều câu hỏi xoay quanh việc không xem được tín hiệu truyền thình thì cách khắc phục ra sao, tuy nhiên cũng có một số người dân thắc mắc vì sao phải chuyển đổi". Mặc dù vậy, đánh giá chung về ngày đầu tắt sóng diện rộng, ông Cẩm cho biết tình hình thuận lợi hơn nhiều so với đợt Đà Nẵng tắt sóng thí điểm tháng 11/2015. "Thông tin đã được tuyên truyền rộng rãi đến người dân cả nước suốt thời gian qua nên người dân không bất ngờ nữa".

Theo lộ trình đã được Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình phê duyệt, từ thời điểm 0h ngày 16/8, tất cả các kênh chương trình analog đã phải ngừng phát sóng tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Cần Thơ. Nằm trong diện bị ảnh hưởng bởi đợt tắt sóng này còn có một phần địa bàn của 19 tỉnh lân cận. Với ước tính 50% dân số cả nước chịu tác động của đợt tắt sóng giai đoạn 1, đây được cho là một giai đoạn "hết sức quan trọng", quyết định tiến độ và thành công của cả Đề án.

Chính vì thế, trong phát biểu chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 11 của Ban chỉ đạo hôm 12/8, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nhiều lần nhấn mạnh các đơn vị và địa phương liên quan về việc tắt sóng không được để ảnh hưởng đến người dân, "nếu có ảnh hưởng thì phải ở mức thấp nhất, phải giảm thiểu tối đa tác động".

Cụ thể, các Đài VTV, VTC, các đài PTTH địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về số hóa, nhất là trên các kênh analog để người dân nắm bắt thông tin, chủ động chuyển đổi. Bộ trưởng đặc biệt lưu ý VTV và hai doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng RTB, SDTV phải đảm bảo vùng phủ sóng số sau khi tắt sóng analog chính thức tại 4 Thành phố lớn và địa bàn 19 tỉnh lân cận. "Các doanh nghiệp đã cam kết với Bộ rằng chất lượng phủ sóng tốt, yên tâm. Nếu hôm tới không có sóng đến được với dân thì doanh nghiệp đó sẽ phải chịu trách nhiệm".

T.C