Khởi đầu từ năm 1961, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình Việt Nam đã vượt qua chặng đường 60 năm đầy cam go, thử thách để đạt được những thành tựu đáng tự hào. Những thành công này đã và đang tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và toàn xã hội.

Sớm nhận thức tác động của dân số đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và hạnh phúc của nhân dân, ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn với mục đích: “Vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc và hoà thuận của gia đình. 60 năm qua, chính sách dân số của Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài với nhiều thành tích ấn tượng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc.

{keywords}
Khởi đầu từ năm 1961, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình Việt Nam đã vượt qua chặng đường 60 năm đầy cam go, thử thách để đạt được những thành tựu đáng tự hào.

Giai đoạn 1961-1975 đánh dấu sự khởi đầu nhận thức về tác động của sự gia tăng dân số tới sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ngay từ những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, mặc dù đất nước còn bị chia cắt làm hai miền, vừa phải tiến hành song song hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam, nhưng công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình vẫn được Đảng và Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Việc ban hành Quyết định 216-CP ngày 26/12/1961 của Hội đồng Chính phủ về việc sinh đẻ có hướng dẫn đã đánh dấu sự ra đời của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình ở nước ta. Quyết định này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á tiến hành công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Kể từ đây người dân đã bắt đầu có ý thức hơn về vấn đề dân số và chấp nhận sinh đẻ có kế hoạch.

Trong giai đoạn 1976-1990, sau khi đất nước thống nhất, cuộc vận động sinh đẻ kế hoạch tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh trên phạm vi cả nước. Các kỳ Đại hội Đảng cũng luôn xác định công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình là những chỉ tiêu quan trọng trong phát triển đất nước, cùng hàng loạt văn bản về chính sách dân số được ban hành.

Giai đoạn 1991-2000 là dấu mốc của sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình ở nước ta. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VII) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề "về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình", mở ra một trang sử mới đối với công tác này. Từ đây, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã có sự thay đổi cơ bản, toàn diện cả về nội dung, cách làm, huy động toàn hệ thống chính trị tham gia vào công tác này; xây dựng và từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình. Mạng lưới cộng tác viên dân số và kế hoạch hóa gia đình tại thôn, bản được hình thành và phát triển với phương thức hoạt động "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để tuyên truyền, vận động và cung cấp các phương tiện tránh thai. Kết quả công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình giai đoạn này đã vượt các mục tiêu đề ra, tốc độ gia tăng dân số quá nhanh đã cơ bản được kiềm chế. Ghi nhận những kết quả đạt được, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ủy ban quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình. Ghi nhận những thành công và đóng góp của Việt Nam, Liên hợp quốc đã trao giải thưởng Dân số của Liên hợp quốc cho Việt Nam vào năm 1999.

Từ năm 2001-2016, nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình của Đảng và Nhà nước được ban hành, như: Nghị quyết 47-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình của Bộ Chính trị, Pháp lệnh Dân số của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ, Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam 2011-2020. Dân số được xác định là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển con người của đất nước. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế (năm 2006) và duy trì vững chắc đến nay.

Từ năm 2017 đến nay, nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình của Đảng và Nhà nước mang tính bước ngoặt được ban hành, như: Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 137/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Bên cạnh đó, nhiều chương trình được phê duyệt và đưa vào triển khai thực hiện, như: Chương trình truyền thông dân số đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030; Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030…

Những thành công trong chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình Việt Nam 60 năm qua đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc. Đó là:

- Thay đổi quan niệm, chuyển đổi hành vi mang tính tập quán, sinh sản tự nhiên (trời sinh voi, trời sinh cỏ; đẻ 6-7 con, thậm chí nhiều hơn nữa) đã có ở nước ta hàng nghìn năm. Kế hoạch hóa gia đình, “dừng lại ở 2 con để nuôi, dạy cho tốt” đơn giản về kỹ thuật, không tốn kém về kinh tế, mang lại ích nước, lợi nhà, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân nhưng phải mất 45 năm (1961-2006) kiên trì vận động, khuyến khích vật chất và tinh thần, Việt Nam mới đạt được mục tiêu này. Việc chuyển từ đẻ 6-7 con sang đẻ 2 con thực chất là quá trình chuyển đổi nhận thức, thay đổi hành vi, từ sinh sản tự nhiên, bản năng sang sinh sản có kế hoạch; từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm cao. Đây thực sự là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sinh sản, là một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở Việt Nam.

- Nhận thức đúng đắn, quan điểm rõ ràng, mục tiêu cụ thể, giải pháp đồng bộ trở thành Nghị quyết của Đảng, Luật pháp và chính sách của nhà nước về vấn đề dân số là nhân tố quyết định thắng lợi. Nghị quyết số 04-NQ/HNTW đã trang bị cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức đúng đắn về tác động của dân số đối với sự phát triển của đất nước, khi chỉ rõ rằng: “Sự gia tăng dân số quá nhanh là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, gây khó khăn lớn cho việc cải thiện đời sống, hạn chế điều kiện phát triển về mặt trí tuệ, văn hoá, thể lực của giống nòi. Nếu xu hướng này cứ tiếp tục diễn ra thì trong tương lai không xa đất nước ta sẽ đứng trước những khó khăn rất lớn, thậm chí những nguy cơ về nhiều mặt".

Khi trọng tâm của chính sách dân số là “dân số và phát triển” Nghị quyết số 21-NQ/TW yêu cầu: "Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.

Bên cạnh việc đánh giá cao vị trí của công tác dân dân số đối với sự phát triển bền vững của đất nước, các Nghị quyết nói trên đều chỉ rõ mục tiêu, phương hướng giải quyết các vấn đề dân số, nguồn lực dành cho công tác này và vai trò của Đảng, Chính quyền các cấp. Nghị quyết của Đảng đã truyền năng lượng lớn cho công tác dân số đi vào cuộc sống.

- Xây dựng bộ máy chuyên trách làm công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình: từ năm 1961 đến năm 1992, mô hình tổ chức bộ máy quản lý công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình là Ban chỉ đạo hoặc Ủy ban quốc gia về dân số-kế hoạch hoá gia đình, ở cấp Trung ương do lãnh đạo Chính phủ làm Trưởng ban (hoặc Chủ nhiệm). Tuy nhiên, quản lý công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình chỉ là chức năng kiêm nhiệm của lãnh đạo và cơ quan thường trực nên hiệu quả thấp. Sau hơn 30 thực hiện chính sách giảm sinh, năm 1992, số con trung bình của một phụ nữ vẫn rất cao, ở mức 4 con/phụ nữ. Suốt 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng (IV,V và VI) mục tiêu dân số không đạt được. Vì vậy, Nghị quyết số 04-NQ/HNTW yêu cầu: “Huy động lực lượng toàn xã hội tham gia công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, đồng thời phải có bộ máy chuyên trách đủ mạnh quản lý theo chương trình mục tiêu, bảo đảm cho các nguồn lực nói trên được sử dụng có hiệu quả đến tận người dân”.

Thực hiện chủ trương này, Uỷ ban Dân số-Kế hoạch hoá gia đình được thành lập từ Trung ương đến địa phương. Lần đầu tiên, Uỷ ban quốc gia Dân số-Kế hoạch hoá gia đình có chủ nhiệm chuyên trách và có hàm Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Bộ phận kiêm nhiệm là đại diện lãnh đạo của hầu hết các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội. Giai đoạn có bộ máy tổ chức độc lập - Ủy ban Dân số-Kế hoạch hoá gia đình các cấp đều là cơ quan chuyên trách (1993-2002), từ đó hàng năm tỷ suất sinh giảm nhanh gấp 4,3 lần so với các năm trước đó. Điều này cho thấy tính hiệu quả của mô hình chuyên trách.

- Đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình. Cùng với việc bố trí đủ số biên chế làm việc chuyên trách ở Ủy ban Dân số-Kế hoạch hoá gia đình từ cấp trung ương đến địa phương, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cũng được chú trọng. Từ cuối năm 1990 đến nay, hàng trăm khoá đào tạo ngắn hạn nhằm trang bị kiến thức cơ bản về dân số-kế hoạch hoá gia đình và quản lý lĩnh vực này do cơ quan Trung ương quản lý công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình hợp tác với các Trường đại học tổ chức.

Bên cạnh đó, Ngân sách Trung ương dành cho công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình tăng lên nhanh chóng: năm 1993 đã đầu tư 59,579 tỷ, gấp 8 lần so với năm 1992. Năm 1994, lên đến 193,9 tỷ, còn 1995 là 249,558 tỷ gấp hơn 33 lần so với năm 1992. Có lẽ không một ngành nào lại có sự đầu tư của nhà nước tăng nhanh như vậy. Sự đóng góp của người dân, ngân sách địa phương, viện trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài cũng tăng đáng kể.

Ngoài ra, phương tiện, dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, kênh cung cấp và chế độ cung cấp đã được đa dạng hoá để thích hợp với từng nhóm đối tượng... Việc đa dạng hóa phương tiện tránh thai, kênh cung cấp, chế độ cung cấp đã mở rộng cơ hội lựa chọn cho cả nam và nữ. Hiện nay khoảng 75-76 % các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thường xuyên sử dụng biện pháp tránh thai. Điều này cho thấy thành công của việc đảm bảo nguồn lực cho công tác này.

- Lồng ghép các hoạt động dân số vào các hoạt động phát triển. Trong nhiều năm qua, công tác dân số ở nước ta đã thực hiện tốt các hình thức lồng ghép này và mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, khi chuyển trọng tâm của chính sách dân số sang “dân số và phát triển”, mối quan hệ hai chiều, chặt chẽ giữa các yếu tố dân số (quy mô, cơ cấu, phân bố, sinh sản, tử vong, di cư và chất lượng dân số) với các thành tố phát triển (kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng) được nhận thức rõ ràng hơn. Vì vậy, để kế hoạch hóa phát triển, ở mọi cấp độ, mọi bước của quy trình kế hoạch hóa phải tính đến yếu tố dân số là đương nhiên và rất cần thiết.

Theo dự báo của Liên hợp quốc, nếu Việt Nam làm tốt chương trình dân số-kế hoạch hoá gia đình thì quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 120 triệu dân và đến năm 2035, GDP bình quân đầu người bằng 31,2 lần GDP bình quân đầu người năm 1990. Ngược lại, nếu không thực hiện tốt thì quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 160 triệu người và đến năm 2035, GDP bình quân đầu người của năm 1990. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thường xuyên quan tâm đến công tác dân số, coi công tác dân số là một trong những bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển toàn diện đất nước.

Nghị quyết 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới cũng chỉ rõ quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.

Bởi vậy, nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi các cấp các ngành, trong đó những cơ quan phụ trách công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, góp phần đưa Việt Nam vững bước phát triển trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Bảo Vân