- Ghi nhận sáng 19/8, tại các trường ĐH tốp giữa vẫn còn khá đông thí sinh đến rút và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT.)
Những ngày cuối tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1 không khí rút, nộp hồ sơ càng trở nên căng thẳng.
Một tuần rút - nộp đến 3 lần
Tại Trường ĐH Giao thông vận tải (cơ sở Hà Nội) sáng 19/8, không khí tại khu vực rút và nộp hồ sơ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Phụ huynh, thí sinh vẫn tập nấp đến nộp hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội sáng ngày 19/8 (Ảnh Văn Chung) |
Vũ Xuân Lượng, Trường THPT Gia Viễn B, Ninh Bình cho biết đây là lần thứ 3 em và mẹ đi rút nộp hồ sơ.
Lượng nộp hồ sơ lần 1 ngày 12/8 vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhóm ngành CNTT, với tổng điểm ba môn khối A là 24, điểm xét tuyển là 7,64. Nhưng chỉ sau một hai ngày, em đã trượt ra xa mức điểm trúng tuyển vào ngành này.
Ngày 17/8, Lượng và mẹ rút hồ sơ ra và nộp vào ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Giao thông vận tải, với vị trí hiện tại là 20 trong chỉ tiêu của ngành này là 150. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Yến, mẹ Lượng cho biết: "Vừa về nhà chúng tôi được một người thân tư vấn nếu học ngành này bên HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông nên quyết định hôm nay tiếp tục về đây rút hồ sơ ra khỏi Trường ĐH Giao thông vận tải".
Trần Phương Thanh (quê ở Quảng Ninh) đạt điểm xét tuyển 21,25. Từ ngày 10/8 Thanh đã lên Hà Nội, đến từng trường có nguyện vọng nộp hồ sơ tìm hiểu thông tin cho chắc chắn.
Ngày 17/8 thí sinh này quyết định nộp hồ sơ vào HV Tài chính. Đến ngày 18/8, do biến động chóng mặt khi lượng thí sinh đổ về nộp hồ sơ nên em phải đến để rút hồ sơ. Thanh cho biết em sẽ phải theo dõi thêm thông tin để quyết định nộp hồ sơ vào ngày 20/8.
Bùi Vinh Hải, quê Thanh Hà, Hải Dương cho biết mình được 22,75 điểm khối A, tưởng đã chắc chắn đỗ vào ngành Cơ điện tử của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nhưng đến sáng 19/8 em phải quay lại trường để thay đổi nguyện vọng.
Sáng 19/8, ông Thiều Thọ Cư và con trai Thiều Thọ Cường quyết định sẽ nộp lần cuối hồ sơ vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và hi vọng sẽ trúng tuyển đợt 1 (Ảnh Văn Chung) |
"Vị trí của em đang là 280/280 nên em quyết định chuyển sang ngành Công nghệ tự động hóa. Với điểm trúng tuyển hiện thời 22,25 em đang đứng vị trí 100/280. Hi vọng trong ngày cuối sẽ không bị đẩy xuống ngành mình không yêu thích" - Hải cho biết.
Phờ phạc sau 4 tiếng lòng vòng vì lạc đường, bà Nguyễn Thị Lương, quê ở Hải Dương có con gái được 20,5 điểm khối A và 20,25 điểm khối A1 cho biết mình và con vừa rút hồ sơ từ Trường ĐH Thương mại chuyển về ngành Công nghệ may và Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Không ít thí sinh điểm khối A thấp, không còn cơ hội đỗ vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội lại rút hồ sơ, đăng ký vào những ngành có tuyển khối A1 tại Trường ĐH Giao thông vận tải với mức điểm dễ chịu hơn.
Ngày cuối tăng hay giảm?
Mức điểm dự kiến trúng tuyển của các trường đại học đang có nhiều biến động, đa phần là lần sau cao hơn lần trước.
Hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ ĐKXT tại trường ĐH Công đoàn sáng ngày 19/8 (Ảnh Ngân Anh) |
Tại Trường ĐH Giao thông vận tải mỗi lần công bố điểm trúng tuyển tạm thời lần sau lại lớn hơn lần trước từ 0,5 điểm đến 1,25 điểm tùy ngành. Những ngành chỉ tiêu ít có dao động mạnh vì số lượng nộp tăng nhẹ điểm cũng lên mạnh theo.
Lãnh đạo Trường ĐH Nội vụ Hà Nội cũng cho biết dự kiến mức điểm trúng tuyển vào trường năm nay sẽ tăng từ 2 - 3 điểm tùy ngành so với năm 2014 - 2015.
Ông Trịnh Minh Thụ, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi cho biết từ vài ngày nay số lượng thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT vào trường có tăng lên, trung bình mỗi ngày nhận từ 300 – 500 hồ sơ, số lượng thí sinh rút hồ sơ không nhiều. Từ đầu tuần trở lại đây và tới ngày 19/8 số lượng thí sinh tới nộp hồ sơ đông hơn hẳn, không chỉ là thí sinh từ trường khác chạy về mà còn rất nhiều thí sinh chờ tới những ngày cuối cùng, khi đã chắc chắn khả năng trúng tuyển mới tới nộp.
Tuy nhiên, khả năng điểm trúng tuyển các ngành tăng đột biến vào những ngày cuối, theo ông Thụ, là không nhiều. “Những em điểm cao giờ này đã “đứng yên” rồi. Những em điểm cao mà chưa nộp hồ sơ ở đâu cũng không nhiều. Chỉ còn những em ở diện “chấp chới”, trên dưới 20 điểm, tìm chỗ nào còn trống nhiều thì nộp hồ sơ ĐKXT vào, vì vậy cũng không có khả năng đẩy điểm trúng tuyển tăng mạnh.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Đức Tĩnh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn cho biết số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ ĐKXT và trường những ngày cuối này tăng khá cao. “Tuy nhiên, điểm xét tuyển tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều thứ, trong đó chủ yếu vào phổ điểm chứ không phải vào số lượng. Tăng số lượng thí sinh mà điểm của thí sinh cũng chỉ ở cùng một mức thì điểm xét tuyển không thể tăng”.
Chuẩn bị cho giờ G
Trong ngày cuối, ông Thụ khuyên thí sinh cập nhật thống kê của các trường để tìm phương án “chốt” cho mình. “Trường ĐH Thủy lợi sẽ cập nhật thông tin sớm nhất cho thí sinh về số lượng hồ sơ nộp vào ngành, thứ tự của thí sinh. Những thí sinh nào nằm ngoài số thứ tự an toàn, trường sẵn sàng đáp ứng ngay lập tức nhu cầu thay đổi nguyện vọng hay rút hồ sơ của các em”.
Thí sinh tìm góc yên tĩnh, chăm chú điền hồ sơ ĐKXT sáng nagyf 19/8 tại Trường ĐH Thủy lợi (Ảnh Ngân Anh) |
Từ ngày 18/8, số lượng thí sinh tới rút hồ sơ tại Trường ĐH Cần Thơ đã giảm. Ông Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng ở giai đoạn cuối này, thí sinh và phụ huynh nên biết cách sử dụng "điểm chuẩn tạm thời" hiệu quả.
Theo ông Xê, đây là thông tin quan trọng giúp thí sinh và phụ huynh có cơ sở để quyết định khá chính xác việc "có nên chuyển sang đăng ký ngành khác hay giữ nguyên như cũ".
"Nếu thí sinh nào có điểm cao hơn điểm chuẩn tạm thời từ 1 - 1,5 điểm thì có thể yên tâm ở lại ngành cũ, nhưng vẫn phải theo dõi điểm chuẩn tạm thời hàng ngày. Khi thấy điểm chuẩn tạm thời tăng đến gần bằng điểm của mình thì nên chuyển sang ngành có điểm chuẩn tạm thời thấp hơn để đảm bảo an toàn” – ông Xê khuyên.
Ông Nguyễn Đức Tĩnh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn cho biết trường đã chuẩn bị nhiều phương án để kết thúc nhận hồ sơ vào đúng 17 giờ ngày 20/8 như quy định của Bộ. Ông Tĩnh nhận định ngày 20/8 chủ yếu là các thí sinh tới nộp hồ sơ ĐKXT. “Chúng tôi dự kiến tăng cường nhân lực nhận hồ sơ, đồng thời có lực lượng dự trữ chuẩn bị tình huống thí sinh đến quá đông”.
Để kết thúc việc nhận hồ sơ vào đúng 17 giờ, ông Tĩnh cho biết trường chuẩn bị nhiều phương án. “Nếu không chuẩn bị kỹ việc này có thể sẽ có những phàn nàn, kiện cáo như tại sao đã đến trước 17 giờ nhưng không nộp được. Nhưng cũng không có chuyện là đúng 17h là tất cả các bàn tiếp nhận hồ sơ đều dừng hoạt động. Mà ngày 20/8, chúng tôi sẽ tổ chức tiếp nhận hồ sơ ĐKXT tại hội trường lớn của trường. Trước thời gian kết thúc, chúng tôi sẽ mời tất cả những thí sinh và phụ huynh có nhu cầu nộp - rút hồ sơ vào trong hội trường, và 17h thì đóng cửa hội trường, không cho người vào thêm nữa. Còn những người đã ở trong thì sẽ được giải quyết tới người cuối cùng. Sẽ có lực lượng thanh tra của trường giám sát việc này. Tùy tình hình, có thể chúng tôi cũng sẽ cho thí sinh ghi danh trước để có thể yên tâm ngồi chờ nộp hoặc rút hồ sơ…”.
Văn Chung - Ngân Anh