Một cửa hàng điện thoại Huawei tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Nikkei |
Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, viết trong lá thư cuối năm được công bố hôm 31/12: “Sẽ là một năm khó khăn với chúng ta”. 2020 sẽ là năm chứng minh Huawei có thể cạnh tranh trên thị trường 5G và smartphone toàn cầu dưới áp lực của Mỹ hay không?
Nhà sản xuất thiết bị viễn thông số 1 thế giới vẫn nằm trong “sổ đen” của Mỹ và bị hạn chế sử dụng công nghệ Mỹ. Ông Xu thừa nhận: “chúng ta không thể tăng trưởng nhanh như nửa đầu 2019”. Ngoài ra, Washington sẽ tiếp tục đàn áp tiến bộ công nghệ Trung Quốc trong dài hạn, tạo ra “môi trường thách thức để Huawei sống sót và phát triển”.
Để đạt mục tiêu, Huawei đưa ra lập trường khắc nghiệt hơn đối với các đơn vị và giám đốc trì trệ. Ông Xu cảnh báo sẽ loại bỏ các quản lý “tầm thường” nhanh hơn. Hàng năm, mọi quản lý có hiệu suất thuộc tốp 10% từ dưới lên bị sa thải. Bất kỳ nhóm nào không đóng góp cho sự cạnh tranh của bộ phận bị sáp nhập hoặc thu hẹp.
Huawei sẽ ưu tiên bảo vệ chuỗi cung ứng và xây dựng hệ thống phần mềm di động riêng – Huawei Mobile Services – để thay thế nhiều ứng dụng phổ biến như Google Maps, YouTube, Gmail.
Theo truyền thông, Washington có kế hoạch hạn chế mạnh hơn đối với Huawei trong năm 2020. Mỹ và các công ty khác cần được Bộ Thương mại phê chuẩn để cung cấp dịch vụ cho Huawei nếu sản phẩm chứa từ 25% giá trị công nghệ Mỹ.
Mỹ còn hối thúc đồng minh như Anh cấm Huawei cung ứng thiết bị mạng 5G. Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ cấm nhà mạng trong nước đang hưởng ngân sách mua dịch vụ, thiết bị Huawei, buộc họ loại mọi thiết bị của hãng vì nguy cơ an ninh và gián điệp.
Huawei liên tục phủ nhận cáo buộc và còn đâm đơn kiện các cơ quan của Mỹ.
Huawei cho thấy khả năng phục hồi giữa tâm bão. Doanh thu tăng 18% đạt 850 tỷ nhân dân tệ (121 tỷ USD) năm 2019 dù không đáp ứng mục tiêu ban đầu là 125 đến 130 tỷ USD. Dù Washington cảnh báo rủi ro từ công nghệ 5G của Huawei, công ty Trung Quốc vẫn ký được hơn 60 hợp đồng liên quan trên toàn cầu, gần một nửa tới từ châu Âu.
Bộ phận smartphone trở thành nguồn thu lớn nhất trong nửa đầu 2019. Lượng smartphone xuất xưởng cả năm đạt 240 triệu đơn vị, tăng 16,5% so với năm 2018. Công ty tiếp tục đứng trên Apple và chỉ thua Samsung. Tuy nhiên, Huawei không đạt được mục tiêu soán ngôi Samsung trong năm nay. Lệnh cấm của Mỹ làm ảnh hưởng không ít tới doanh số smartphone tại nước ngoài.
Huawei đã phát triển hệ điều hành Harmony OS và Huawei Mobile Services để bảo vệ bộ phận này. Ông Xu khẳng định năm 2020 phải dốc toàn lực xây hệ sinh thái Huawei Mobile Services để bảo đảm bán được smartphone ở quốc tế. Đồng thời, họ phải tập trung tìm nhà cung ứng phần cứng bên ngoài nước Mỹ. Ông gọi đây là “cuộc đua chống lại thời gian”.
Chủ tịch Huawei đanh thép: “Chúng ta phải tăng cường đa dạng chuỗi cung ứng vì nó là điều cần thiết để bảo vệ nguồn cung. Bất kỳ rủi ro nào làm suy yếu duy trì kinh doanh phải được xem là vấn đề sinh tử”.
Năm 2019, nhân viên công ty tăng từ 180.000 lên 194.000, phần lớn tuyển mới trong nước nhằm củng cố năng lực công nghệ trong cuộc chiến với Mỹ.