Từ lâu, công nghệ vẫn được xem là "sân chơi" của cánh mày râu. Dù có nhiều chính sách khuyến khích, tỷ lệ nhân viên nữ tại các hãng công nghệ vẫn thấp hơn đáng kể so với nhân viên nam.
Tuy nhiên, không ít người phụ nữ đã thể hiện được những phẩm chất của mình để trở thành những nhân vật có tiếng nói và quyền lực trong giới công nghệ.
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, hãy cùng Dân trí điểm qua những "bóng hồng" quyền lực trong giới công nghệ hiện nay.
Sheryl Sandberg - Giám đốc điều hành (COO) của Meta (công ty mẹ Facebook)
Sheryl Sandberg được xem là "cánh tay phải" của CEO và nhà sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg và là người quyền lực thứ 2 tại mạng xã hội này.
Sheryl Sandberg từng làm Chánh văn phòng cho Bộ Ngân khố Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Bill Clinton, trước khi bước chân sang lĩnh vực công nghệ để làm phó chủ tịch cho Google, chịu trách nhiệm phát triển hệ thống bán hàng trực tuyến. Ít lâu sau, bà được đích thân "ông chủ" Facebook là Mark Zuckerberg mời sang phụ trách điều hành cho Facebook từ năm 2008 cho đến nay.
Hiện Sheryl Sandberg được coi là người phụ nữ quyền lực nhất trong giới công nghệ.
Safra Catz, CEO hãng phần mềm Oracle
Safra Catz sinh ra tại Israel trong một gia đình người Do Thái, nhập cư vào Mỹ năm 1967, khi bà mới 6 tuổi. Bà lấy bằng cử nhân tại Trường Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania và nhận bằng Tiến sĩ Luật của đại học Pennsylvania năm 25 tuổi.
Sau khi tốt nghiệp, Catz làm việc tại ngân hàng đầu tư Donaldson, Lufkin & Jenrette và trở thành Phó chủ tịch cao cấp tại ngân hàng này. Năm 1999, bà gia nhập hãng phần mềm Oracle với tư cách là Phó chủ tịch cao cấp. Catz tham gia hội đồng quản trị của công ty sau đó 2 năm và được bổ nhiệm làm chủ tịch vào năm 2004. Dưới sự lãnh đạo của Safra Catz, Oracle đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Năm 2014, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành (CEO) của Oracle.
Ngoài vai trò tại Oracle, Safra Catz còn tham gia giảng dạy môn kế toán tại Trường Kinh doanh Stanford và được bầu vào ban giám đốc của Walt Disney Co. vào năm 2017.
Susan Wojcicki - CEO của YouTube
Susan Wojcicki ban đầu không hề có ý định theo đuổi lĩnh vực công nghệ. Cô tốt nghiệp loại xuất sắt tại Đại học Harvard, chuyên ngành Văn học và Lịch sử.
Wojcicki bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực công nghệ trong năm cuối theo học tại Harvard. Sau khi tốt nghiệp Harvard, cô tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ Khoa học về Kinh tế của Đại học California Santa Cruz và bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học California.
Sau khi kết thúc sự nghiệp học hành, Wojcicki bắt đầu gia nhập thung lũng Silicon bằng công việc marketing tại hãng chip Intel. Sau đó, Wojcicki đã cho Larry Page và Sergey Brin mượn garage của nhà mình để làm việc và đây chính là nơi Google được ra đời. Susan Wojcicki sau đó đã trở thành nhân viên thứ 16 của Google, rồi trở thành giám đốc marketing của công ty non trẻ này.
Susan Wojcicki đã có công lớn trong việc phát triển hệ thống quảng cáo của Google, trước khi trở thành Phó chủ tịch phụ trách quảng cáo và thương mại của Google. Chính Wojcicki là người đã đề xuất Google mua lại Youtube vào năm 2006, với mức giá 1,65 tỷ USD. Wojcicki sau đó trở thành CEO của Youtube từ năm 2014 và nắm giữ chức vụ đó cho đến nay.
Robyn Denholm - Chủ tịch hãng xe điện Tesla
Sinh năm 1963 tại bang New South Wales (Úc), Denholm tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Đại học Sydney và nhận bằng thạc sĩ thương mại tại Đại học New South Wales. Cô từng có 7 năm làm việc tại hãng xe Toyota chi nhánh tại Úc với vai trò giám đốc tài chính, trước khi chuyển sang Mỹ để làm tại hãng công nghệ Sun Microsystems.
Năm 2014, Robyn Denholm gia nhập hãng xe điện Tesla, trước khi trở thành Chủ tịch ủy ban kiểm toán của công ty này. Denholm sau đó được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc tài chính (CFO) và Giám đốc điều hành (COO) tại Tesla.
Tháng 11/2018, sau hàng loạt vụ bê bối của Elon Musk với những tuyên bố gây tranh cãi trên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông, Musk đã buộc phải từ chức khỏi vị trí Chủ tịch Tesla và giao lại vị trí này cho Denholm. Sau khi từ chức, Elon Musk vẫn nắm giữ vị trí CEO tại Tesla.
Marissa Mayer - Nhà sáng lập hãng trí tuệ nhân tạo Sunshine Contacts
Marissa Mayer nổi tiếng là một người thông minh từ khi còn là học sinh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô được nhận vào tổng cộng 10 trường Đại học mà mình đã nộp đơn theo học. Cuối cùng, Mayer đã quyết định chọn Stanford. Cô tốt nghiệp cử nhân ngành Hệ thống biểu tượng vào năm 1997, sau đó tiếp tục tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học máy tính cũng tại Stanford. Lĩnh vực chuyên ngành của Mayer là trí tuệ nhân tạo.
Sau khi tốt nghiệp tại Stanford, Mayer đã lập tức nhận được 14 lời mời chào làm việc khác nhau. Những người bạn của cô đã giúp Mayer quyết định lựa chọn Google làm nơi "đầu quân" sau 8 giờ thảo luận. Cô trở thành nhân viên nữ đầu tiên và là nhân viên thứ 20 tại Google. Cô đã giúp Google phát triển các công cụ tìm kiếm, và cùng tham gia trong một danh sách dài những sản phẩm chủ chốt của Google, như Bản đồ (Maps), Books, News, Toolbar...
Marissa Mayer trở thành CEO và chủ tịch tại Yahoo vào năm 2012, với kỳ vọng sẽ giúp "con tàu đắm" Yahoo vượt qua khó khăn để tìm lại vinh quang xưa. Tuy nhiên, nỗ lực của Mayer là không đủ và sau khi Yahoo được hãng viễn thông Verizon mua lại vào năm 2017 với giá 4,8 tỷ USD, cô đã rời khỏi công ty.
Marissa Mayer sau đó cùng với Enrique Muñoz Torres, một đồng nghiệp cũ tại Yahoo và Google, sáng lập nên Sunshine Contacts, công ty chuyên vào phát triển trí tuệ nhân tạo.
Ở tuổi 46, Marissa Mayer vẫn nổi tiếng với sự xinh đẹp và mặn mà của mình. Mayer đã từng được bình chọn là một trong "những người phụ nữ xinh đẹp nhất năm 2013".
Kimberly Bryant - Nhà sáng lập và CEO của Black Girls Code
Kimberly Bryant thể hiện sự xuất sắc đối với môn toán và khoa học từ khi còn nhỏ và giành được học bổng vào Đại học Vanderbilt (bang Tennessee, Mỹ). Tại đây, cô đã lấy bằng kỹ sư về kỹ thuật điện, cùng với bằng cử nhân về toán và khoa học máy tính.
Trong hơn 2 thập kỷ qua, Bryant đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo về kỹ thuật trong một số công ty dược phẩm và công nghệ sinh học, bao gồm cả 2 "ông lớn" là Novartis và Merck.
Mãi cho đến khi con gái của Bryant thể hiện sự yêu thích với môn khoa học máy tính, cô mới nhận ra rằng vẫn còn rất ít phụ nữ da đen khác đang làm việc trong ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu vắng này là vì phụ nữ da màu không có nhiều điều kiện để tiếp cận với các kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Năm 2011, Bryant đã sáng lập ra Black Girls Code, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố San Francisco, nhằm hỗ trợ cho các bé gái da màu từ 7 đến 17 tuổi tham gia các môn học về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Tại đây, các bé gái có thể học được các kỹ năng cần thiết để làm việc trong các ngành công nghệ theo ý muốn của mình. Tổ chức này đặt mục tiêu giúp cho một triệu cô gái da màu có thể thành thạo lập trình trong năm 2040.
Kate Crawford - Đồng sáng lập việc nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo AI Now Institute
Sau khi nhận bằng Tiến sĩ về khoa học máy tính tại Đại học Sydney (Úc), Kate Crawford bắt đầu nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, những lợi ích và nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo và học máy trong xã hội, chính trị và nhiều lĩnh vực khác của đời sống. Crawford ủng hộ phát triển trí tuệ nhân tạo để phục vụ đời sống, nhưng phải có sự tôn trọng và quan tâm của người phát triển.
Công việc của Kate Crawford là nghiên cứu ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đến lao động con người và chuỗi cung ứng, tác động đến kinh tế, vi phạm quyền riêng tư hoặc có sự thiên vị trong trí tuệ nhân tạo hay không…
Năm 2017, Crawford cùng các đồng sự đã thành lập Viện nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo AI Now Institute (trực thuộc Đại học New York). Đây là viện nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo đầu tiên do phụ nữ lãnh đạo và thành lập. Mục tiêu của viện nghiên cứu này là thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về trí tuệ nhân tạo và định hướng để phát triển trí tuệ nhân tạo một cách đúng đắn.
Ngoài ra, Crawford còn là một nhà nghiên cứu chính tại phòng nghiên cứu Microsoft Research, giáo sư thỉnh giảng tại viện công nghệ MIT và là một phó giáo sư tại Đại học New South Wales (Úc). Đáng chú ý, cô còn là một nhà văn, nhà soạn nhạc và sản xuất âm nhạc.
Gwynne Shotwell - Chủ tịch và Giám đốc điều hành (COO) SpaceX
Gwynne Shotwell có bằng cử nhân Khoa học và thạc sĩ về kỹ thuật cơ khí, toán ứng dụng tại Đại học Northwestern (bang Illinois, Mỹ).
Sau khi tốt nghiệp, Shotwell ghi danh vào chương trình đào tạo quản lý của Chrysler Corp để bắt đầu sự nghiệp trong ngành ô tô, nhưng sau đó, bà đã nhanh chóng chuyển hướng sáng làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ quân sự, khi ký hợp đồng với tập đoàn nghiên cứu về không gian Aerospace Corp. Tại đây, bà đã trở thành kỹ sư trưởng của chương trình thiết kế vệ tinh và tham gia phát triển các chính sách về thăm dò không gian cho NASA.
Sở thích về khám phá không gian đã giúp Shotwell trở thành ứng viên hàng đầu cho vị trí lãnh đạo tại SpaceX, công ty hàng không vũ trụ do tỷ phú Elon Musk sáng lập. Năm 2002, Shotwell trở thành nhân viên thứ 11 tại SpaceX, với vai trò Phó chủ tịch phát triển kinh doanh. Kể từ đó, Shotwell đã dần vươn lên trở thành Chủ tịch và Giám đốc điều hành (COO), chịu trách nhiệm chính trong việc định hướng phát triển của công ty.
SpaceX sau đó đã trở thành công ty tư nhân đầu tiên trên thế giới đưa vệ tinh thương mại vào quỹ đạo và là công ty tư nhân đầu tiên phóng tàu vũ trụ đưa con người lên quỹ đạo và lên Trạm vũ trụ Quốc tế ISS.
Shotwell sau đó đã được vinh danh một trong những người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghệ và là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Time bình chọn năm 2020.
Ellen Pao - Đồng sáng lập và CEO Project Include
Ellen Pao bắt đầu học lập trình khi mới 10 tuổi, từ người mẹ của cô, một nhà khoa học máy tính làm việc tại đại học Pennsylvania. Pao sau đó tốt nghiệp kỹ sư kỹ thuật điện và chứng chỉ về chính sách công tại đại học Princeton (bang New Jersey, Mỹ). Cô cũng có bằng tiến sĩ Luật và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại đại học Harvard.
Sau khi làm việc cho một số công ty công nghệ tại thung lũng Silicon, Pao trở thành giám đốc kỹ thuật của Kleiner Perkins Caufield & Byers, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại thành phố San Francisco. Cuối cùng, cô đã kiện công ty vì sự thiên vị và phân biệt giới tính.
Năm 2013, Pao trở thành người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh và đối tác chiến lược của mạng xã hội Reddit, trước khi trở thành Giám đốc điều hành tạm thời vào năm 2014. Pao là người ủng hộ mạnh mẽ quyền phụ nữ và chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp để nêu cao bình đẳng giới.
Pao sau đó đã từ chức khỏi Reddit và cùng một vài đồng nghiệp nữ đã thành lập Project Include, một tổ chức giải quyết và ngăn chặn phân biệt giới tính, xâm phạm tình dục tại thung lũng Silicon, đồng thời cải thiện sự đa dạng về giới tính trong các hãng công nghệ.
Katie Moussouris - Nhà sáng lập và CEO hãng bảo mật Luta Security
Katie Moussouris là một trong số ít những "bóng hồng" nổi tiếng nhất trong giới bảo mật toàn cầu. Cô thể hiện sự yêu thích với máy tính từ khi còn nhỏ và học lập trình khi mới lên lớp 3. Cô từng theo học ngành toán và sinh học phân tử tại đại học Simmons (bang Massachusetts, Mỹ), sau đó trở thành quản trị hệ thống cho Khoa hàng không và Du hành vũ trụ tại viện công nghệ MIT. Trong thời gian này, cô cũng làm quản trị hệ thống tại trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng Harvard. Năm 2002, cô gia nhập hãng bảo mật @stake theo lời mời của Phó chủ tịch công ty vào thời điểm đó, Chris Wysopal.
Moussouris sau đó làm việc tại hãng bảo mật Symantec, rồi tiếp tục chuyển sang đảm nhận vị trí phụ trách bảo mật tại Microsoft. Năm 2010, cô được bổ nhiệm làm Trưởng nhóm Chiến lược Bảo mật cấp cao của Microsoft. Trong thời gian làm việc tại Microsoft, Moussouris đã tham gia nhiều cuộc thi hack và kiếm được một khoảng tiền lớn nhờ tìm ra lỗ hổng bảo mật trên các sản phẩm phần mềm.
Tên tuổi Moussouris được giới bảo mật biết đến nhiều hơn vào năm 2016, khi cô tham gia chương trình "săn tiền thưởng" nhờ phát hiện các lỗi bảo mật cho Bộ quốc phòng Mỹ. Vào thời điểm đó, cô đang là giám đốc chính sách của công ty bảo mật HackerOne.
Tháng 4/2016, với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực bảo mật, Moussouris đã thành lập công ty bảo mật Luta Security, một công ty chuyên tư vấn về bảo mật và hỗ trợ phát hiện lỗi bảo mật trên sản phẩm.
Năm 2011, Moussouris từng được vinh danh là một trong những người phụ nữ có ảnh hưởng nhất năm 2011 và được vinh danh là một trong "10 phụ nữ nổi tiếng nhất thế giới trong lĩnh vực bảo mật" vào năm 2014. Năm 2018, tạp chí Forbes bình chọn cô là một trong "50 người phụ nữ hàng đầu trong giới công nghệ" tại Mỹ.
(Theo Dân Trí)
Người phụ nữ vạch trần mặt tối của đế chế Amazon
Nữ nhân viên bật khóc trong lúc viết email gửi đến Jeff Bezos. Cô là một trong hàng trăm người lao động của Amazon bị thẳng tay trừ lương khi nghỉ theo chế độ.