Ông Lâm Quốc Cường, Giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế VNPT-I vừa cho ICTnews biết, dự kiến đến ngày 7/6 các đơn vị điều hành hệ thống cáp quang biển AAG sẽ bắt đầu tiến hành sửa chữa những điểm đang gặp sự cố, dẫn đến tín hiệu đường truyền bị chập chờn.

Theo ông Cường, trong mấy ngày qua, đơn vị điều hành hệ thống cáp quang biển đã xem xét, phân tích và lên phương án khắc phục sự cố tại các điểm hoạt động không ổn định trên tuyến cáp. Dự định đến ngày 7/6 bắt đầu sửa chữa, đến khoảng 10 ngày sau sẽ hoàn thành. Trước đó, như ICTnews đã đưa tin ngày 26/5/2015, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG bị chập chờn, có lúc mất tín hiệu, chất lượng hoạt động không ổn định.

Hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 4 tuyến cáp quang biển, trong đó tuyến AAG được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2009, có chiều dài hơn 20.000 km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, có dung lượng truyền tải lớn nhất. Còn 3 tuyến khác là: SE-ME-WE-3, TVH có dung lượng thấp và đã được sử dụng 10 - 15 năm nay. Tuyến cáp IA tuy mới được xây dựng nhưng dung lượng không bằng AAG. Điểm cập bờ ở Việt Nam là tại Vũng Tàu. Ngoài ra, tuyến cáp AAG còn có thể kết nối đến Australia, Ấn Độ, châu Âu và châu Phi thông qua các điểm cập bờ của hệ thống. Tại Việt Nam, các ISP đều sử dụng tuyến cáp quan trọng này để kết nối với quốc tế.

Trong 6 tháng đầu năm 2015 tuyến cáp quang biển AAG bị đứt 2 lần, mỗi lần sửa chữa phải mất hơn 2 tuần mới xong, gây ảnh hưởng nhiều đến việc truy cập Internet đi quốc tế.

Theo thống kê của các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam, kể từ khi được chính thức đưa vào hoạt động tháng 11/2009 cho đến nay, tuyến cáp quang biển AAG đã nhiều lần bị đứt, gặp sự cố, gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động cung cấp dịch vụ của các nhà mạng tới khách hàng.

Từ kinh nghiệm của các lần cáp quang biển AAG gặp sự cố trước đây, theo đại diện các ISP, mỗi lần cáp quang biển AAG bị đứt, việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của các khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… bị chậm do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.