Thông tin nêu trên vừa được Ban tổ chức hội thảo – triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019 chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí vào sáng nay, ngày 14/11/2019 tại Hà Nội.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNISA Vũ Quốc Thành công bố các hoạt động của Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019 tại cuộc gặp mặt báo chí hôm nay, ngày 14/11/2019. |
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết, việc khai trương Hệ thống giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử là một dịp khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát an toàn, an ninh mạng trong công cuộc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
“Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc công tác giám sát an toàn thông tin mạng cho Chính phủ điện tử chỉ do Hệ thống giám sát tại Bộ TT&TT thực hiện. Hiện nay, giám sát an toàn thông tin mạng cho các hệ thống phục vụ Chính phủ điện tử là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: TT&TT, Công an, Quốc phòng (Ban Cơ yếu Chính phủ)”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT, để đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ Chính phủ điện tử, giữa tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1017 phê duyệt “Đề án giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ Chính phủ điện tử đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.
Một mục tiêu của Đề án này là mở rộng phạm vi, nâng cao năng lực giám sát an toàn mạng, an toàn hệ thống thông tin cho Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia tại Bộ TT&TT và các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng Internet (ISP) để tăng cường khả năng phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, chính xác về các sự kiện, sự cố, dấu hiệu, hành vi, mã độc xâm phạm, nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng có khả năng gây mất an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.
Tại Đề án, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải nâng cao tính hệ thống, đồng bộ và chuẩn hóa công tác giám sát an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử trên phạm vi cả nước; tăng cường hiệu quả, khả năng phát hiện, ứng phó tấn công, sự cố an toàn thông tin mạng, hướng tới xây dựng hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử bền vững.
Đồng thời, thiết lập được mạng lưới hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng trên toàn quốc, đảm bảo liên kết, liên thông, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa giám sát tập trung của Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia, giám sát của các nhà mạng ISP và giám sát cơ sở của chủ quản các hệ thống thông tin.
“Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, thời gian qua, Cục An toàn thông tin đã triển khai các công tác chuẩn bị, đến nay đã đáp ứng được về phương án, hệ thống thiết bị cũng như con người để sẵn sàng khai trương Hệ thống giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019 sắp tới”, ông Nguyễn Khắc Lịch cho hay.
Nói về lý do lựa chọn chủ đề “Nâng tầm An toàn, An ninh mạng quốc gia trong kỷ nguyên số” cho Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm nay, đại diện VNISA nhấn mạnh, Việt Nam đang cùng xu thế chung của nhiều quốc gia thế giới đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số. Bởi vậy, phát triển năng lực quốc gia về an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết để xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng kinh tế số, phục vụ hoạt động của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Được tổ chức vào ngày 29/11/2019 tại Hà Nội, hội thảo Ngày An toàn thông tin năm nay sẽ tập trung phân tích tầm nhìn, định hướng của chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam; chính sách, thực trạng, nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ an toàn thông tin và giải pháp nâng cao thứ hạng về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam.
Gồm phiên toàn thể vào buổi sáng và 2 phiên chuyên đề "An toàn, an ninh mạng để phát triển Chính phủ số", "Bảo vệ dữ liệu và phòng chống tấn công trên không gian mạng" diễn ra song song vào buổi chiều, hội thảo dự kiến có gần 30 bài phát biểu, tham luận của lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng; các nhà quản lý, chuyên gia cao cấp về an toàn thông tin của các công ty lớn trong và ngoài nước.
Năm 2019 là năm thứ 12 sự kiện thường niên này được VNISA chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT và Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng - Bộ Quốc phòng tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT.