|
Các cán bộ, giáo viên trường Bưu điện - Vô tuyến điện (đơn vị tiền thân của Học viện Công nghệ BCVT) ở Cao Vân, Đại Từ, Thái Nguyên năm 1953. (Ảnh Học viện cung cấp) |
>> Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son hỗ trợ học phí cho 2 Thủ khoa Học viện Công nghệ BCVT / Học viện Công nghệ BCVT công bố điểm trúng tuyển / PTT Nguyễn Thiện Nhân: “Mô hình mới của PTIT có nhiều nội dung đáng học tập” / Học viện Công nghệ BCVT nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.
Đại diện lãnh đạo Học viện Công nghệ BCVT cho hay, để tạo điều kiện thuận lợi cho các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của trường qua các thời kỳ, Học viện sẽ tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm trường Bưu điện qua cầu truyền hình, với 2 điểm cầu đặt tại các cơ sở đào tạo của Học viện tại Hà Nội và TP.HCM.
Tháng 9/1953, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông công chính và Bộ Giáo dục đã thành lập trường Bưu điện - Vô tuyến điện (sau này được đổi tên là Đại học Kỹ thuật Thông tin liên lạc), đơn vị tiền thân của Học viện Công nghệ BCVT ngày nay. Sự kiện này ghi dấu một mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của ngành Bưu điện Việt Nam.
Đến năm 1996, Hội nghị lần 2 BCH Trung ương Đảng khóa VIII đã có chủ trương cho phép thí điểm triển khai mô hình gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo và sản xuất kinh doanh (SX-KD) trong một số tổng công ty lớn của Nhà nước. Ngày 11/7/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Học viện Công nghệ BCVT. Theo đó, Học viện là tổ chức nghiên cứu và đào tạo của Nhà nước đầu tiên được thành lập theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, trực thuộc VNPT. Học viện là mô hình gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và SX-KD.
60 năm qua, trải qua các thời kỳ chiến tranh, gian khó và xây dựng đất nước đi lên, những thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên trường Bưu điện đã luôn hoàn thành các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao phó. Riêng 15 năm gần đây, theo đại diện lãnh đạo Học viện Công nghệ BCVT, mặc dù là đơn vị nghiên cứu, đào tạo công lập nhưng ngay từ ngày đầu thành lập, Học viện đã không hưởng kinh phí từ ngân sách Nhà nước.
Vượt qua những khó khăn ban đầu của mô hình thí điểm với hệ thống cơ chế chính sách chưa đồng bộ, đến nay Học viện Công nghệ BCVT đã hoàn toàn tự chủ, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, tự trang trải toàn bộ kinh phí (bao gồm cả đầu tư cơ sở vật chất) nhưng vẫn là tổ chức phi lợi nhuận. Việc chuyển nhanh sang tự chủ chính là điểm đột phá cơ bản, có tính chất quyết định để Học viện thực hiện chiến lược “đào tạo và nghiên cứu phải thật sự đáp ứng theo nhu cầu xã hội”.
“Những con số: 45 Tiến sĩ, gần 1.000 thạc sĩ, gần 10.000 kỹ sư, cử nhân, hơn 250.000 lượt cán bộ đã được đào tạo bồi dưỡng tại Học viện cùng trên 2.900 đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ các cấp đã được thực hiện đã nói lên kết quả bước đầu của Học viện trong 15 năm qua”, đại diện lãnh đạo Học viện nói.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc mà Học viện Công nghệ BCVT đã đạt được trong quá trình lao động sáng tạo, góp phần xây dựng đất nước, ngày 7/1/2013, Chủ tịch nước đã quyết định phong tặng tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Học viện. Lễ đón nhận danh hiệu danh hiệu Anh hùng Lao động của Học viện Công nghệ BCVT đã diễn ra ngày 7/3/2013.
|
Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã diễn ra ngày 7/3/2013. Ảnh: M.T |
Theo thống kê, hiện nay Học viện Công nghệ BCVT có 917 cán bộ, trong đó có 14 Giáo sư và Phó Giáo sư, 64 Tiến sĩ, 293 thạc sĩ; hơn 70% cán bộ của Học viện trực tiếp tham gia giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Về mô hình tổ chức, ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, Học viện hiện có 2 cơ sở đào tạo tại Hà Nội và TP.HCM với 13 khoa đào tạo ĐH và sau ĐH (có quy mô trên 28.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh); 1 Trung tâm đào tạo quốc tế thực hiện đào tạo chất lượng cao và liên kết đào tạo với các trường ĐH nước ngoài; 2 Trung tâm đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn thực hiện đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao trình độ và bổ túc kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ VNPT và các đơn vị, cơ quan, DN khác trong và ngoài nước; 3 viện nghiên cứu khoa học (Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Viện CNTT-TT, Viện Kinh tế Bưu điện) đều hoạt động theo cơ chế tự chủ toàn bộ, thực hiện nghiên cứu, sản xuất, tư vấn, chuyển giao công nghệ về khoa học công nghệ và kinh tế chuyên ngành CNTT-TT.
Trong thư gửi Học viện Công nghệ BCVT ngày 12/8/2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã nhận định, năm 2013 là năm Học viện kỷ niệm 60 năm thành lập và trưởng thành (1953 - 2013), qua chặng đường 60 năm ấy Học viện đã không ngừng phát triển, ngày càng khẳng định được vị thế, uy tín là một trong những cái nôi đào tạo lớn của ngành TT&TT của đất nước. Những thành tích của Học viện đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, khẳng định thông qua nhiều hình thức khen thưởng trong suốt 60 năm qua và gần đây nhất Học viện đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, đó là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước dành cho sự nỗ lực, cống hiến của các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của Học viện, kế thừa truyền thống 60 năm vẻ vang của trường Bưu điện trước đây.
Cũng trong bức thư này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã đề nghị Học viện tổ chức triển khai tốt các nhiệm vụ năm học mới, tiếp tục duy trì và phát triển vị thế, uy tín của một cơ sở nghiên cứu - giáo dục đại học có chất lượng, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, tri thức chuyên môn cao, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, phát triển tiềm lực đội ngũ và cơ sở vật chất, góp phần phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành TT&TT và đất nước.