Trong khi mối quan hệ giữa thầy thuốc bệnh nhân vẫn theo kiểu ban ơn; cơ sở vật chất còn chật chội, quá tải thì cuộc vận động đổi mới phong cách thái độ hướng tới sự hài lòng của người bệnh thực sự là thách thức lớn đối với ngành y nhưng cũng là bước đột phá mà nhân dân mong đợi, là kì tích nếu thành công.
VietNamNet giới thiệu phần tiếp theo bàn tròn với Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, TS Phạm Văn Tác; GĐ bệnh viện E TW, GS.TS Lê Ngọc Thành và TS. Khuất Thu Hồng về chủ đề: Ngành Y đổi mới hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Thị trường cần cân bằng đầu vào - đầu ra
Nhà báo Ánh Tuyết: Thưa ông, tại sao ngành y tế lại chọn thời điểm này để mở cuộc vận động thay đổi phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh?
TS Phạm Văn Tác: Ngành y tế trong thời gian vừa qua cũng đã có rất nhiều cố gắng. Đảng nhà nước cũng đã đầu tư từ trung ương đến y tế cơ sở. Các cán bộ y tế cũng có rất nhiều nỗ lực.
Như về hạ tầng, theo quyết định 930 của thủ tướng, các bệnh viện trung ương đặc biệt các chuyên khoa như phong lao, tâm thần cũng rất được quan tâm, hay quyết định 47 đầu tư cho các bệnh viện tuyến huyện. Gần đây cũng có quyết định cho tuyến xã được đảm bảo chi phí đầy đủ. Những đầu tư về cơ sở vật chất này cũng làm cho bộ mặt của bệnh viện thay đổi.
Thứ 2, do trình độ cán bộ y tế cũng phát triển rất tốt và khi mở ra nền kinh tế thị trường, có rất nhiều đối tác tham gia cung cấp trang thiết bị cho ngành y tế. Chính vì thế, trang thiết bị tốt, thầy thuốc giỏi.
Như đã biết trình độ y học của Việt Nam sánh vai với rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Như lĩnh vực ghép tạng, chúng ta cũng đã làm được hầu hết các công đoạn. Tối hôm qua có một chương trình truyền hình trực tiếp trên VTV2, đồng chí bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chính thức trao đổi và có 1 thông điệp để mọi người tham gia vào chương trình này.
Như vậy, khi có cơ sở vật chất tốt, cán bộ y tế có trình độ cao, người dân mong muốn giá dịch vụ phải tính đủ, tính đúng. Và nền kinh tế thị trường cũng cần cân bằng đầu vào đầu ra. Hiện nay theo thông tư liên tỉnh 04 bộ y tế & tài chính, thực chất mới tính được 4/7 yếu tố, nhưng nhiều tỉnh mới chỉ tính được 65% của 4 yếu tố đó. Như vậy là chưa tính đúng tính đủ. Khi tính đúng tính đủ, thông tư 04 đã bước đầu làm thay đổi.
Sau 20 năm, từ năm 1994 khi giáo sư Thành trực tiếp khám bệnh, chỉ có 3.000 đồng/lượt. Nếu kéo dài mãi như vậy chắc chắc không đảm bảo được hoạt động của ngành. Ngày nay với thông tư 04 mới tiến dần, tiếp cận dần đến tính đúng tính đủ. Khi đó người dân chắc chắc sẽ hỏi 2 câu hỏi rất quan trọng: Một là chất lượng dịch vụ có tăng hay không, hai là thái độ của người cán bộ y tế có tốt hay không? Đây là những mong muốn chính đáng.
Chính vì thế, tại thời điểm này đồng chí Bộ trưởng bộ Y tế đã quyết định cùng với những đổi mới về cở sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, khoa học kỹ thuật… Như đã đưa ra cam kết ở đầu nhiệm kỳ thì đến thời điểm này cần phải đổi mới thái độ phong cách phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành quyết định 2151 ngày 4/6/2015 về kế hoạch đổi mới thái độ phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Và tương lai hướng tới ngày càng làm nhiều bệnh nhân hài lòng hơn chính là trách nhiệm của bộ y tế.
TS Phạm Văn Tác (bìa trái) - TS Khuất Thu Hồng - GS.TS Lê Ngọc Thành (bìa phải) |
Nhà báo Ánh Tuyết: Nội dung cụ thể của kế hoạch này nói một cách ngắn gọn như thế nào ạ?
TS Phạm Văn Tác: Nói một cách ngắn gọn nội dung gồm 7 điểm:
Thứ nhất: đổi mới, tăng cường kỹ năng giao tiếp. Như chị Hồng nói, bệnh nhân đến với bệnh viện, do có bệnh nên bao giờ họ cũng bức xúc. Như người bình thường khi xếp hàng quá đông cũng đã bức xúc chứ không nói gì người bệnh, họ đang đau đớn nên bức xúc và lo lắng chắc chắc sẽ tăng gấp bội. Do vậy, khi bệnh nhân đến, cán bộ y tế cần tăng cường kỹ năng giao tiếp.
Bộ y tế có đề cập đến “3 xin”: Trước hết là xin chào người ta. Sau đó vào khám chữa bệnh, thực hiện thủ thuật thì xin phép người ta để họ yên tâm hơn. Khi người ta hợp tác tốt thì xin cảm ơn. Như vậy, ngay từ cổng bệnh viện, việc tăng cường kỹ năng giao tiếp không riêng gì cán bộ y tế mà tất cả những người lao động trong ngành y tế bao gồm cả bảo vệ khi tiếp xúc với người bệnh cũng cần niềm nở làm cho người ta phấn khởi. Niềm nở theo đúng nghĩa và chân tình, không hẳn là chỉ cười - đôi khi là không phù hợp với người bệnh đang đau đớn. Khi bệnh nhân ở bệnh viện, họ cần gì chúng ta giúp cho họ. Khi bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện, cần căn dặn gì thì căn dặn họ chu đáo. Cái đó hết đức quan trọng.
Thứ hai: Theo chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Thị |Kim Tiến, chúng tôi thành lập một tổ chức mới là bộ phận chăm sóc khách hàng trong các bệnh viện thuộc phòng công tác xã hội (Có thông tư quy định riêng về việc này). Chính những người này sẽ giúp cho bệnh viện làm tốt hơn.
Thứ ba: Một điểm quan trọng nữa là đội quân tiếp sức bệnh viện chính là đội quân tình nguyện, sinh viên các trường đại học y dược. Khi bệnh nhân đến cổng bệnh viện thì có đội quân áo xanh tình nguyện giúp và hướng dẫn cho người bệnh để người bệnh yên tâm.
Thứ tư: Chúng tôi cũng cần củng cố đường dây nóng của phòng công tác xã hội theo chỉ thị 09. Vừa rồi rất nhiều ý kiến của người dân được tiếp thu xử lý qua đường dây nóng, người dân rất hài lòng
Thứ năm: Bộ trưởng Bộ Y tế cũng ban hành thông tư 25 về hòm thư góp ý - là 1 kênh thông tin quan trọng để người dân góp ý để chúng ta thực hiện tốt hơn.
Thứ sáu: Bộ Y tế cũng ban hành cam kết bằng văn bản. Như tôi có mang theo bản cam kết của cá nhân bao gồm 7 điểm trong đó có điểm cán bộ y tế phải tham gia phục vụ bệnh nhân tận tình chu đáo và chịu trách nhiệm trước khoa, giám đốc bệnh viện về thái độ với bệnh nhân. Nếu có điều gì không hay, bệnh nhân sẽ là người giám sát - họ sẽ phản ánh ngay với cấp trên bệnh viện, các đoàn thanh tra, kiểm tra…
Trong tất cả các điểm, Bộ Y tế nghĩ rằng quan trọng nhất vẫn là tăng cường kỹ năng giao tiếp. Chính vì vậy Bộ đã có kế hoạch tổ chức 7 lớp học ở 7 khu vực, tăng cường kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế ở tuyến trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh tuyến huyện và xuống cả trạm y tế xã chứ không phải chỉ ở trung ương. Tất cả mọi cán bộ y tế tham gia đều phải thực hiện như vậy. Nếu kỹ năng giao tiếp ứng xử của cán bộ tốt, chúng tôi cũng mong muốn người dân hợp tác phản ánh 1 cách khách quan thẳng thắn trên tinh thần xây dựng. Cán bộ y tế khi làm việc cũng rất mệt mỏi, nếu việc làm hài lòng là từ 2 phía thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
TS Phạm Văn Tác |
Thay đổi thái độ, dân khen cán bộ y tế
Nhà báo Ánh Tuyết: Công cuộc thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ y tế đã diễn ra đến nay được 03 tháng. Xin vụ trưởng cho biết đã có bao nhiêu bệnh viện ký cam kết và lộ trình giai đoạn tiếp theo là gì?
TS Phạm Văn Tác: Đây là một quyết định hành chính nhưng lại trở thành 1 phong trào do công đoàn y tế Việt Nam phát động và được đón nhận bởi xã hội, Đảng & Nhà nước cũng đánh giá rất cao, đặc biệt là được người dân tán đồng. Gần đây có rất nhiều ý kiến qua đường dây nóng đã khen cán bộ y tế rất nhiều.
Ví dụ như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện E có nhiều bệnh nhân đã gửi thư nói rằng thái độ của cán bộ y tế thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Bệnh nhân 1 tháng trước đến khác, nay đến đã khác. Tôi nghĩ là do cán bộ đã ký cam kết. Cho nên hiện nay, mới 3 tháng nhưng đã có khoảng 80 bệnh viện trên cả nước ký cam kết. Tính trong các bệnh viện của Bộ cũng đã có 21/38 bệnh viện trực thuộc ký tính đến ngày hôm nay. Tiến tới đầu năm 2016 sẽ là hoàn thành ký kết ở tất cả các bệnh viện với gần nửa triệu cán bộ y tế đặt bút ký.
Còn lộ trình tiếp theo, chắc chắc phải thực hiện tiếp đào tạo tăng cường kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế. Chúng tôi cũng có kế hoạch hình thành ban thanh tra kiểm tra kèm theo bộ công cụ lượng giá cho thanh tra kiểm tra. Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ hình thành 8 đoàn thanh tra giám sát, trong đó có 5 đoàn do 5 đồng chí thứ trưởng, 2 đoàn cho đồng chí giám đốc sở y tế Hà Nội và sở y tế TP.HCM làm trưởng đoàn. Và một đoàn trực tiếp bất cứ lúc nào đến do vụ trường tổ chức cán bộ làm trưởng đoàn. Như vậy một mặt là động viên anh em làm cho tốt, một mặt cũng thực hiện nghiêm khắc việc đổi mới phong cách thái độ cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Nhà báo Ánh Tuyết: Vậy các cơ sở y tế đang hướng tới sự hài lòng của người bệnh như thế nào? Câu hỏi xin gửi tới GS.TS. Lê Ngọc Thành - GĐ bệnh viện E?
GS. TS. Lê Ngọc Thành: Như chúng ta đã biết, thời gian gần đây chính phủ đặc biệt là Thủ tướng rất quan tâm đến ngành y tế và sự phát triển của ngành. Đáp lại sự quan tâm đó, đây là 1 trong số những việc mà ngành đã làm mà tôi cho là hết sức hiệu quả. Là một người làm nghề, trực tiếp với người bệnh, đối tượng phục vụ của chúng tôi là con người đương nhiên suy nghĩ của chúng tôi đều rất tốt, rằng mang kiến thức của mình để giúp người bệnh.
Cá nhân tôi cho rằng không ai theo nghề y mà nghĩ đến vấn đề lợi nhuận ở đây. Thế thì câu hỏi đặt ra là tại sao phải thay đổi? Là do trong cơ chế phát triển chung của xã hội, chúng ta bị quan niệm quá lâu mang tính ban ơn của ngành y tế. Chúng tôi không hề muốn chuyện đó, mà chỉ muốn đây là 1 ngành đặc biệt mà đối tượng của chúng tôi là con người, ngoài công việc bình thường ra thì có tình cảm với nhau. Và nghề này chỉ hơi đặc biệt so với nghề khác thôi chứ không có gì khác cả. Tuy nhiên chúng ta vẫn bị ràng buộc bởi suy nghĩ nghề y là làm phúc cứu người.
Vì thế đến nay cần khẳng định quan điểm của Bộ trưởng là rất đúng, là cần lấy bệnh nhân làm trung tâm, ngành y cũng là 1 ngành cung cấp dịch vụ thôi và đối tượng là con người. Ngoài việc chữa bệnh thông thường còn có lời ăn tiếng nói và các việc khác. Nói Bộ trưởng đề ra đổi mới trong thời điểm này, tôi cho là vì thời điểm này thị trường nhiều thứ quá, nếu không nắn chỉnh nhân viên của mình thì sẽ lệch hướng, khi đó sẽ hết sức phức tạp. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này.
Bản thân chúng tôi đã rất tốt rất vì người bệnh rồi, chỉ còn đâu đó 1 chút tính thị trường cần nắn chỉnh thôi. Tôi cho rằng việc thay đổi này cũng rất đơn giản. Khi Bộ trưởng ra chủ trương đó, hầu hết các bệnh viện đặc biệt chúng tôi là những người lãnh đạo cũng hoàn toàn ủng hộ. Riêng trong bệnh viện E với 800 con người, tôi nghĩ là số đi lệch hứng rất ít nên chúng tôi rất sẵn sàng nắn chỉnh để xã hội tốt lên.
Tuy nhiên dưới góc độ của người làm nghề làm trực tiếp với bệnh nhân, tôi thấy ngoài việc chính phủ đầu tư rất tốt rồi, chúng ra còn phải thấy rằng người bệnh vào viện đã ốm đau chưa nói đến bác sỹ mà cơ sở vật chất của chúng ta còn nghèo nàn quá. Tại sao chúng ta không xây những cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn khách sạn đi để cho người bệnh nằm trong đó cũng đỡ khổ mà thái độ của y sĩ bác sỹ cũng sẽ rất khác. Bản thân người bệnh ở 1 chỗ tốt hơn cũng sẽ nhanh hồi phục hơn. Hiện tại nào chật chội, nào quá tải… đương nhiên không thể nào giữ nổi bình tĩnh.
Như chị Hồng đã nói, cán bộ y tế làm việc đến mười mấy tiếng/ngày, chưa kể như đồng chí Vụ trưởng vừa nói thậm chí có trường hợp đến gặp bác sỹ để chữa bệnh cho mình mà còn đánh người ta thì khó quá. Cho nên, Bộ trưởng đã muốn chúng tôi thay đổi thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, thì tôi cũng rất muốn các phương tiện thông tin đại chúng phải phản hồi ngược lại phía bên kia làm sao cho bác sỹ hài lòng với mình.
Chúng tôi có trách nhiệm nhưng nếu như người hưởng dịch vụ có thái độ không tốt chúng tôi cũng sẽ có quyền từ chối. Đây là điều tôi rất mong báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng truyền tải đến người dân. Bản thân chúng tôi thì rất ủng hộ việc đổi mới trong thái độ phục vụ của ngành y để thay đổi 1 vài điều đi lệch hướng, lệch với cái tâm của nghề mặc dù điều này rất ít, phần đông là không có vấn đề đó. Nhưng rất mong người bệnh và gia đình cũng cần có văn hóa nhất định với bác sỹ.
GS.S Lê Ngọc Thành |
Sự tự nguyện thay đổi diện mạo nghề y
Nhà báo Ánh Tuyết: Tư duy của người bệnh thì như thế, cơ sở vật chất hiện nay còn nhiều khó khăn, Vậy thì các bệnh viện vẫn phải ký cam kết đổi mới với sự tự nguyện, xin hỏi GS, GS có cảm thấy sức ép gì không?
GS.TS. Lê Ngọc Thành: Không, tôi khẳng định rằng chúng tôi không có sức ép gì, vì việc ký cam kết của Bộ trưởng là thời điểm thôi. Bản thân chúng tôi vẫn muốn niềm nở với người bệnh, muốn mình chữa tốt cho người bệnh, muốn người bệnh nhanh khỏi. Tôi cho rằng đồng chí Bộ trưởng nói rất đúng: Đây là thời điểm cho cơ chế thị trường thay đổi như vậy, phát động phong trào đó để cho nó thay đổi hẳn diện mạo, nhất là nghề y là một nghề, chứ không phải mang tính chất ban ơn nữa.
Chúng tôi không có sức ép gì, chúng tôi vẫn chuyên tâm phục vụ người bệnh để làm sao mang lại dịch vụ chữa bệnh tốt nhất. Do đó, chúng tôi vẫn liên tục dạy dỗ học trò, nhắn nhủ nhân viên đã vào ngành y là phải như vậy, tham gia phong trào này để làm sao cho dịch vụ tốt rồi phải tốt hơn thôi.
Nhà báo Ánh Tuyết: Như vậy là có thể thấy quyết tâm rất lớn từ các Bệnh viện và người làm ngành y. Với tinh thần này, Bệnh viện E Trung ương đã và đang làm gì để đưa cam kết đó trở thành sự thật ạ?
GS.TS Lê Ngọc Thành (Cười): Theo như tôi đã nói đấy, áp lực với chúng tôi là không có, nhưng phát động phong trào đó để nhân viên của mình ý thức được chủ trương của Bộ trưởng hết sức hợp thời và kịp thời. Hiện nay, sau một vài bênh viện lớn ở HN đợt ký đầu tiên, chúng tôi cũng đã ký vào đợt thứ 2 hay thứ 3 gì đó, khi phổ biến chương trình này chúng tôi hoàn toàn ủng hộ.
Nhưng, tôi xin nhắc lại, chúng tôi hết sức muốn đổi mới, hết sức muốn phục vụ người bệnh tốt, ngược lại, người bệnh và xã hội cũng phải ý thức ngược trở lại. Ví dụ như câu chuyện khi tiêm vacxin bệnh nhân chết rồi, ầm ĩ báo chí lên nhưng tại sao bệnh nhân đánh bác sĩ thì không ầm ĩ lên. Câu chuyện khác, tại sao người ta đang cứu người nhà mình, nhảy từ trên cáng xuống đánh bác sĩ , báo chí không viết hàng trăm bài đi nhưng bù lại chỉ là một cái tin rất ngắn thôi. Trong khi sơ sẩy một chuyện không muốn thì viết rất là nhiều.
Do đó, tôi cho rằng chủ trương này hết sức hợp thời, hợp tình, hợp lý mà bản thân chúng tôi vẫn đang thực hiện việc đó, nhân lên cho tốt hơn nữa thôi, chứ không có áp lực gì cả từ dư luận và báo chí. Tự nguyện cống hiến cho ngành y, bản thân tôi là gia đình có truyền thống ngành y, luôn tâm niệm cứu chữa bệnh nhân cho tốt, dạy học trò và giáo dục nhân viên cũng vậy.
Nhà báo Ánh Tuyết: Thưa Vụ trưởng Phạm Văn Tác, đổi mới rõ nhất có thể thấy từ phía các bệnh viện là gì ạ?
TS. Phạm Văn Tác: Theo tôi, đổi mới rõ nhất xuất phát từ giao tiếp ứng xử của cán bộ y tế, và hầu hết các bệnh viện TW đã cam kết rồi thì giao tiếp ứng xử hiện nay khác hẳn. Giống như GS. Thành đã nói đấy, bản thân bệnh việc cơ bản đã tốt, nhưng cũng có việc này việc khác và chính điều đó làm cho khi đã cam kết, người ta cảm thấy có trách nhiệm. Thêm nữa có hệ thống giám sát kiểm tra, có người dân đóng góp qua hộp thư góp ý, qua đường dây nóng… Có nhiều người bệnh tại Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai đã gọi cho tôi để đóng góp ý kiến.
Nhà báo Ánh Tuyết: Thế còn phản hồi từ phía người dân thì sao ạ, số lượng các cuộc gọi phàn nàn về thái độ phục vụ của các Bệnh viện có giảm đi không?
TS. Phạm Văn Tác: Trước đây, khi phối hợp cùng với Vietel, Số lượng các cuộc gọi qua đường dây nóng là rất lớn, có khi tới 50% là phàn nàn về thái độ ứng xử. Nhưng gần đây thì vẫn còn nhưng số lượng không đáng kể. Tuy nhiên, số lượng cuộc gọi khen nếu trước đây là 40% thì giờ là 60%. Tôi cho rằng điều đó là quan trọng, bản thân người dân cũng đồng cảm, cũng thấy rằng cán bộ y tế cũng giúp đỡ họ và vui vẻ hơn. Tuy nhiên, chúng ra phải hết sức bình tĩnh, rằng Bộ Y tế cũng kỳ vọng hướng tới làm hài lòng người bệnh dần dần, từ hai phía và nhiều vấn đề liên quan khác nữa.
Chúng ta mới nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công bố chính thức trên diễn đàn quốc hội: Thu nhập bình quân đầu người GDP Việt Nam là 2228 USD. Thực chất tổ chức y tế Thế giới đang đánh giá chúng ta là: Người dân VN đang được chăm sóc y tế với mức thu nhập đến 7.000-8.000 USD, nhưng thực tế người dân thế nào thì họ mong muốn được chăm sóc ở mức 13.000-14.000 USD.
Vì sao? Vì giao thông thuận lợi, đời sống phát triển nhanh và mọi thứ thuận lợi hơn, mong muốn của người dân là đúng, nhưng nếu so sánh, không thể đòi hỏi một sự thay đổi nhanh chóng, phải dần dần từng bước. Cũng mong rằng các phương tiện truyền thông đại chúng hợp tác với ngành y tế, nghiêm khắc với những sai phạm và cũng đưa những hành động tốt, những việc làm tốt của ngành y tế đến với người dân, để người dân có lòng tin rằng được chăm sóc sức khoẻ tốt, yên tâm cùng xây dựng đất nước.
Nhà báo Ánh Tuyết: Là đại diện người nhà bệnh nhân, thưa TS. Khuất Thu Hồng, bà đánh giá thế nào về kế hoạch đổi mới của Bộ Y tế?
TS. Khuất Thu Hồng: Nghe chia sẻ của Vụ trưởng, cũng như GS. Thành, với tư cách là khách hàng, là người tiêu dùng dịch vụ y tế, tôi cảm thấy rất vui mừng. Qua chia sẻ của hai vị, tôi rất cảm thông với các khó khăn, áp lực của ngành Y tế và cán bộ y tế. Chúng ta đều hiểu rằng, nếu không vì mong muốn mang lại sức khoẻ, cứu những sinh mạng của người dân thì cũng không ai đi vào ngành y tế để làm gì, làm việc trong ngành Y tế là vô cùng vất vả. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng BYT lại xây dựng và ban hành cũng như triển khai kế hoạch đổi mới của Ngành y tế như thế này.
Rõ ràng cũng phải có những phản ánh, phàn nàn từ người dân, có những vấn đề cần phải khắc phục. Việc đưa ra các kế hoạch như vậy là đáp ứng lại những băn khoăn của người dân. Bây giờ, chuyển sang kinh tế thị trường, dịch vụ y tế là một món hàng hoá đặc biệt và khác hẳn với các hàng hoá khác, không thể trả lại nếu không hài lòng và nếu có sai sót thì không có một cái giá nào có thể đền được, cho nên người cán bộ y tế phải chuyên môn tốt và tinh thần trách nhiệm cực kỳ cao.
Do đó, việc Bộ trưởng Bộ Y tế cho xây dựng và triển khai kế hoạch này là rất phù hợp. Tôi hy vọng thời gian tới khi ngành y thực hiện kế hoạch này sẽ triển khai thật tốt, thực sự thể hiện được quyết tâm của lãnh đạo ngành cũng như cán bộ y tế, đảm bảo sự công bằng cho người dân nhận được dịch vụ tương xứng với mong muốn và mức họ bỏ ra. Sự công bằng là nền tảng của sự bền vững trong xã hội, và sự công bằng trong ngành y tế phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân.
Do vậy, tôi mong muốn ngành y tế triển khai kế hoạch này thật tốt, có lẽ cần phải có những công tác giám sát và đánh giá thường xuyên để làm sao có thể điều chỉnh kịp thời và thực hiện được đúng như mong muốn đề ra.
Nhà báo Ánh Tuyết: Một số bạn đọc cũng gửi đến Bàn tròn này bày tỏ sự băn khoăn, kết quả thực hiện kế hoạch đổi mới phong cách, thái độ phục vụ trong ngành y tế. Bạn Hồng Thu (37 tuổi, TP.HCM) và bạn Nhàn Nguyễn (45 tuổi, Hà Nội) viết: Tôi sợ vào bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện công, vì lý do mà nhân dân cả nước đều đã biết. Ngành y cam kết đổi mới, vậy, ai sẽ là người đánh giá hiệu quả thực hiện cam kết của bệnh viện. Vụ trưởng Phạm Văn Tác trả lời bạn đọc được không ạ?
TS. Phạm Văn Tác: Tôi thì cũng nghĩ rằng câu hỏi của các bạn rất đáng quý để chúng tôi suy ngẫm nhưng cũng khẳng định rằng: Mới 3 tháng thôi nhưng kết quả thu lại cũng được người dân đánh giá rất cao. Các bạn cũng yên tâm rằng chính người dân, người bệnh sẽ là những người giám sát tốt nhất và công bằng nhất. Đường dây nóng và Hòm thư góp ý theo thông tư 25 đã quy định rõ, làm sao cho người dân có thể thuận lợi nhất, khách quan nhất. Như vậy, Giám sát quan trọng nhất là giám sát của người dân.
Giám sát thứ hai là Giám sát cơ sở. Chắc chắn khi Bộ xây dựng kế hoạch đổi mới chắc chắn phải xây dựng kế hoạch giám sát. Nếu không có thì khi đánh giá chúng tôi sẽ ghi nhận là chưa thực hiện.
Giám sát thứ ba là giám sát quốc gia. Bộ trưởng Bộ Y tế đã gửi công văn cho tất cả 63 tỉnh thành cả nước phải xây dựng kế hoạch và hiện nay đã có tới hơn 20 tỉnh đã xây dựng đồng thời cả kế hoạch giám sát kiểm tra liên ngành luôn, đảm bảo khách quan, trung thực chứ không riêng sở y tế. Sở Y tế làm đầu mối để tham mưu. Như vậy, có rất nhiều tầng lớp giám sát, như tôi nói có tới 7 đoàn giám sát sẵn sàng kiểm tra các bệnh viện, cơ sở y tế kể cả ngày lẫn đêm.
Trước mắt, các kế hoạch cũng đang trên đường thực hiện, các bạn hãy yên tâm và ủng hộ, kêu gọi người thân cùng ủng hộ cho kế hoạch này, chung tay xây dựng từ hai phía đều quan tâm, điều chỉnh hoạt động của mình đúng mực và đúng trách nhiệm của mình. Chúng tôi cam kết theo dõi chặt chẽ và thực hiện kế hoạch theo đúng lộ trình mà Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt theo đúng quyết định 2151.
VietNamNet
Đón xem phần 3: Ngành Y đổi mới: Hài lòng không dành cho một phía