Năm 2017, với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương và xã hội, ngành TT&TT tiếp tục thể hiện rõ vai trò, vị thế là một trong những ngành mũi nhọn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, cùng cả nước tích cực hội nhập sâu rộng với thế giới.

Tăng trưởng ấn tượng

Theo báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ TT&TT, trong năm 2017, tổng doanh thu từ các doanh nghiệp viễn thông, CNTT, truyền thông ước đạt 2.136.191 tỷ đồng, tăng 9,34% so với năm 2016 và cao hơn so với mục tiêu tăng GDP cả nước năm 2016 là 6,7%. Trong đó, tổng doanh thu phát sinh Công nghiệp CNTT ước đạt 1.723.500 tỷ đồng, tăng khoảng 13,15% so với năm 2016 và đóng góp khoảng 80,68% vào tổng doanh thu toàn ngành năm 2017.

Có thể nói, năm 2017 là một năm tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, ấn tượng của ngành TT&TT. Bên cạnh doanh thu và lợi nhuận đều tăng cao, tổng nộp ngân sách nhà nước của toàn ngành cũng ước đạt 94.994 tỷ đồng, tức đạt 109,06% so với kế hoạch năm.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong năm 2017 của ngành TT&TT.

Các chỉ số về mật độ phổ cập công nghệ cũng phản ánh một bức tranh sáng, tích cực về ngành như tỷ lệ thuê bao di động đạt 116 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động đạt 52,8 thuê bao/100 dân. Cả nước đã có 54,19 % dân số sử dụng Internet, tỷ lệ phủ sóng di động đạt 95%; 100% xã có máy điện thoại và điểm phục vụ bưu chính. Bên cạnh đó, tỷ lệ phủ sóng phát thanh duy trì ở mức khoảng 98%, phủ sóng truyền hình mặt đất đạt khoảng 90% diện tích cả nước. Năm 2017 cũng ghi nhận số tỉnh ngừng phát sóng truyền hình tương tự nhiều nhất từ trước tới nay, góp phần đẩy nhanh việc giải phóng băng tần 700 MHz dùng cho hệ thống di động.

Tính đến nay, tổng số doanh nghiệp CNTT khoảng 27.000 doanh nghiệp với 4 Khu CNTT tập trung đang hoạt động. Xuất khẩu CNTT năm 2017, ước đạt 1.554.750 tỷ đồng, tăng 14,14% so với năm 2016.

Bộ cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các đề án lớn, phát triển công nghiệp CNTT, ứng dụng CNTT, đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước.

Đáng chú ý, Bộ TT&TT đã thí điểm thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước, tích cực hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử. Bộ cũng luôn chú trọng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong công tác đảm bảo ATTT, kịp thời đưa ra cảnh báo tới các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam về các phương thức tấn công mới của tin tặc, chẳng hạn như sự lây lan, phát tán các mã độc tống tiền WannaCry, biến thể Petya, ...

Công tác thông tin và ứng dụng CNTT trong cơ quan Bộ không ngừng được đẩy mạnh. Trong các bảng đánh giá về mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ của Việt Nam, Bộ TT&TT đã đạt nhiều vị trí xếp hạng cao: xếp thứ 4 về chỉ số ICT Index; thứ 2 về hiện đại hoá hành chính, thứ 2 về chỉ số Trang/Cổng thông tin điện tử, thứ 4 về mức độ ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ, thứ 7 về cung cấp dịch vụ công trực tuyến (đánh giá mức độ ứng dụng CNTT các Bộ, cơ quan ngang Bộ).

Dù trong năm 2017, kinh tế đất nước còn khó khăn, nhưng qua các con số trên, có thể thấy các doanh nghiệp ngành TT&TT vẫn đang tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh và tăng trưởng bền vững, đóng góp đáng kể cho GDP của cả nước.

Gương mẫu, đi đầu về ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương và đánh giá cao những kết quả toàn diện đạt được của ngành TT&TT trong năm qua. "Trong năm 2017, toàn ngành đã rất nỗ lực, sáng tạo, tiến bộ, đóng góp rất tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, tạo sự đồng thuận, tăng cường mối đại đoàn kết và đặc biệt nâng cao hình ảnh VN trong mắt bạn bè quốc tế", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng chính phủ hành động, kiến tạo, phục vụ, liêm chính, đón đầu xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0 bằng các hành động cụ thể, thiết thực, chẳng hạn như thúc đẩy phát triển mạng 4G; tăng cường sự hiện diện của bưu chính ở tất cả các cấp, giúp làm tốt vai trò cánh tay nối dài bộ mặt của chính quyền; đổi mới về đào tạo nhân lực về CNTT.

Về nhiệm vụ năm 2018, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT cần lưu ý 3 điểm chính: Thứ nhất là luôn gương mẫu, đi đầu về ứng dụng thông tin, xây dựng chính phủ điện tử để các bộ, ngành khác noi theo. Cụ thể, Bộ cần xử lý mọi hồ sơ công việc, giấy tờ của Bộ bằng mạng máy tính; tạo lập cơ sở dữ liệu dùng chung, liên thông từ trên xuống dưới; nâng cao cấp độ các dịch vụ công trực tuyến cũng như đẩy mạnh thuê ngoài dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước để tăng hiệu quả hoạt động,...

Thứ hai, ngoài tầm nhìn xa, chiến lược, Bộ TT&TT cần có cụ thể, thiết thực trong mọi hoạt động quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông, phù hợp với từng địa phương, từng lĩnh vực (thành phố thông minh, giao thông, nông nghiệp, ...) và nhân rộng các điển hình tốt sau quá trình kiểm tra, đánh giá.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng gửi gắm mong muốn Bộ TT&TT thực hiện tốt hơn nữa một nhiệm vụ xuyên suốt từ trước tới nay là luôn tạo được sự đồng thuận lớn, chung tay góp sức của toàn xã hội, doanh nghiệp trong mọi hoạt động.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Tiếp thu những ý kiến nhận xét, đánh giá và chỉ đạo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó trong năm 2018. Trong đó, Bộ sẽ thúc đẩy việc ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, tăng cường nghiên cứu, hướng dẫn xây dựng đô thị thông minh tại các địa phương trong cả nước cũng như quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao.

Bộ TT&TT cũng đặt mục tiêu thực hiện tốt công tác cảnh báo, hỗ trợ các đơn vị đảm bảo ATTT mạng, đẩy mạnh đào tạo, diễn tập, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về ATTT cũng như chủ động, sẵn sàng, kịp thời ứng phó trước các nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua mạng internet, giữ vững chủ quyền quốc gia về không gian mạng.

Ngoài ra, một nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành TT&TT trong năm 2018 là phát triển thị trường bưu chính cạnh tranh lành mạnh, tăng cường hiện đại hóa để thúc đẩy phát triển các dịch vụ bưu chính phục vụ cho Chính phủ điện tử, thương mại điện tử; phát triển các dịch vụ mới qua mạng bưu chính và triển khai áp dụng Bộ Mã Bưu chính quốc gia mới.

Tuấn Anh