Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Tùng, cho biết, Bộ NN-PTNT đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp với những mục tiêu rất cụ thể, đặc biệt là việc phát triển một nền tảng dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao.
Theo đó, kế hoạch chuyển đổi số nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 80% cơ sở dữ liệu về ngành trồng trọt được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt nhìn nhận, những yêu cầu về xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, đảm bảo nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế… đang đặt ra yêu cầu bức thiết cho lĩnh vực trồng trọt phải xây dựng một hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu số hoàn chỉnh, có khả năng tham chiếu địa lý.
Tuy nhiên, cách làm của chúng ta trước đây là thu thập dữ liệu thủ công, phân tán, dựa trên cảm tính và kinh nghiệm sản xuất của người dân nên có những yếu tố không thể làm căn cứ, cơ sở khoa học để đưa ra quy hoạch, chiến lược sản xuất và dự báo thị trường...
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cũng chỉ rõ, ngành nông nghiệp có nhiều dữ liệu cần thu thập nhưng hiện nay lại thu thập được rất ít. Thế nên, khó quản lý sản xuất và đưa ra các dự báo về sản lượng, về thị trường tiêu thụ hay giá cả của các loại nông sản.
Do đó, yêu cầu phải có hệ thống số hóa được các dữ liệu ngành trồng trọt để cung cấp công cụ quản lý có tính xuyên suốt từ trung ương tới địa phương giúp cho việc quản lý hiệu quả hơn trên quy rộng lớn, trên nhiều loại cây trồng trong cùng một không gian, thời gian và đưa ra các quyết định sản xuất nhanh chóng, chính xác nhất. Từ đó, giảm thiểu các kết quả không mong muốn trong quá trình sản xuất, ổn định cung cầu và giá cả các loại hàng hoá nông sản, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.
Hà Giang