Tại sự kiện “Lễ mừng xuất khẩu thuỷ sản vượt 10 tỷ USD” do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức chiều ngày 10/12, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã đạt hơn 10 tỷ USD.
Dự kiến kết thúc năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Đây là mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.
Theo Thứ trưởng Tiến, năm 2022, ước tính ngành thuỷ sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thuỷ sản đóng góp gần 12% giá trị. Trên bản đồ xuất khẩu thuỷ sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
75 vụ vi phạm đánh bắt trong năm 2022
Dẫu vậy, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, khi Thẻ vàng IUU* vẫn chưa được tháo gỡ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU. Vấn đề này có liên quan tới việc quản lý 91.716 đội tàu, nhà chức trách đã sơn đánh dấu trên 96% số tàu nhưng 4% còn lại vẫn là con số lớn. Ngoài ra, các tàu dù đã được gắn thiết bị hành trình nhưng ngư dân vẫn ngắt thiết bị, từ đó, việc giám sát tàu cá đánh bắt trên biển còn nhiều khó khăn, thách thức.
“Năm 2022 có 75 vụ vi phạm với 104 tàu, 919 người. Đây là vấn đề nhức nhối, nếu không giải quyết được thì Thẻ vàng IUU đương nhiên không thể gỡ được”, ông Tiến nói và cho hay quản lý đội tàu khai thác phải có định vị, phải bật thiết bị giám sát hành trình, khai thác phải có nhật ký nhưng ngư dân lại thường chỉ có nhật ký viết lại. Ngoài ra, số lượng tàu phải cập vào hệ thống bến bãi còn chưa cao, khó quản lý. Chủ yếu, các tàu đỗ ở các bến gia đình, bến tạm nên khi tàu đi khai thác thì bộ đội biên phòng và cơ quan quản lý cảng cá không thể kiểm soát, nguy cơ vi phạm rất lớn.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho hay, các bên liên quan tại châu Âu khẳng định, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam đủ để tháo gỡ Thẻ vàng IUU, phát triển thủy sản bền vững. Tuy nhiên, họ lưu ý mức phạt phải cao hơn so với số tiền thu lợi được do vi phạm. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước đang cân nhắc toàn diện, cẩn trọng về mức phạt đối với ngư dân Việt Nam khi bị phát hiện vi phạm, theo Thứ trưởng Tiến.
*Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vì chưa đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp (IUU). Việt Nam cũng là một trong 21 quốc gia bị EC cảnh cáo Thẻ vàng IUU. Điều này đồng nghĩa thủy hải sản của nước ta xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) bị kiểm soát 100%, thay vì kiểm tra xác suất.