Tăng nuôi trồng, giảm khai thác
Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu thế mạnh sẵn có trong sản xuất và nuôi trồng thuỷ sản với 2.077 đảo lớn nhỏ, dải bờ biển dài 250km, có 40.000 ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh và tài nguyên sinh vật biển đa dạng, phong phú.
Để duy trì sản lượng đánh bắt cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, từ năm 2014 Quảng Ninh ban hành nhiều chính sách khuyến khích thu hút nguồn lực phát triển kinh tế thủy sản. Trong đó, nuôi biển là lĩnh vực được quan tâm, chú trọng, đóng góp mạnh mẽ vào việc thúc đẩy ngành thuỷ sản phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Năm 2017 Quảng Ninh tiếp tục ban hành Chỉ thị 18 về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo nên nhiều chuyển biến rõ nét từ ý thức cho đến giải pháp phát triển kinh tế biển.
Trên cơ sở đó, hàng loạt giải pháp theo hướng “tăng nuôi trồng, giảm khai thác” đã được tỉnh chú trọng áp dụng như tập trung khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ; tăng nuôi công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao, giảm nuôi tự nhiên, quảng canh. Đáng chú ý, ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng trở thành hướng phát triển mũi nhọn tại nhiều cơ sở sản xuất, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích thủy sản nuôi trồng tại Quảng Ninh đạt 32.092 ha, trong đó có 7.500 ha nuôi tôm, cá biển ao đầm đạt 2.208 ha, 9.500 ha nuôi nhuyễn thể, 2.500 ha nuôi nước ngọt, 10.384 ha nuôi các đối tượng khác và 14.502 lồng nuôi cá biển.
Ngoài ra, Quảng Ninh còn đẩy mạnh hướng dẫn các địa phương, đơn vị điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển mạnh các sản phẩm nuôi chủ lực tôm, nhuyễn thể.
Hiện Quảng Ninh đã tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nuôi trồng, khai thác thủy sản tại hầu hết các địa phương ven biển, trong đó chú trọng đến những vùng trọng điểm, có số lượng lớn tàu thuyền thường xuyên neo đậu, có hoạt động khai thác, nuôi trồng như Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà. Tỉnh đồng thời đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm, có định hướng, đây cũng là điều kiện cho nhiều DN lớn ngành thủy hải sản chọn Quảng Ninh là “bến đỗ” để phát triển.
Ngoài ra, đến tháng 9/2022 Quảng Ninh đã thay thế, chuyển đổi được 1 triệu/3 triệu quả phao bằng vật liệu HDPE thân thiện với môi trường. Tỉnh đồng thời đầu tư 26 trạm quan trắc môi trường biển tự động; mỗi năm thả hàng triệu con giống tái tạo các loại thuỷ sản có nguy cơ cạn kiệt …
Nắm bắt cơ hội bứt phá
Dự báo đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất thủy sản sẽ tăng trưởng gấp khoảng 1,5 lần so với năm 2020, chiếm từ 55-60% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Những con số này cho thấy cơ hội phát triển cũng như động lực để Quảng Ninh thúc đẩy nâng cao năng lực chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, tận dụng những tiềm năng sẵn có để đưa ngành thủy hải sản thành ngành kinh tế quan trọng trong tương lai.
Trên thực tế, trong định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Quảng Ninh cũng xác định phấn đấu trở thành trung tâm nuôi trồng thuỷ sản của miền Bắc, tập trung phát triển nhanh các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi công nghệ cao, công nghệ mới; xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thuỷ sản của khu vực phía Bắc.
Cùng với đó, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ninh định hướng ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân ứng dụng KHCN trong nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Đồng thời ngành NN&PTNT Quảng Ninh thực hiện quan trắc đánh giá môi trường nuôi, hỗ trợ các địa phương, người nuôi trồng thủy, hải sản về mức độ ô nhiễm môi trường nuôi, để có quy trình xử lý phù hợp, an toàn dịch bệnh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm thủy, hải sản. Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, cấp mã vùng nuôi, kỹ thuật nuôi cho từng loài thủy, hải sản đảm bảo phù hợp với sức tải môi trường.
Hướng đến quản lý chặt chẽ theo quy hoach, đẩy lùi tình trạng người dân tự phát trong nuôi trồng thủy hải sản, ngành NN&PTNT Quảng Ninhcòn phối hợp với các ngành chức năng rà soát, phân vùng chức năng không gian biển, xác định rõ những khu vực có khả năng nuôi trồng thủy sản theo từng loài nuôi cụ thể; xây dựng phương án giao khu vực biển theo quy định Nghị định 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Quảng Ninh cũng hướng tới dần từng bước hoàn thiện hạ tầng nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản, tránh trú bão cho tàu cá.
Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất thủy sản chiếm 60% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp; sản lượng nuôi trồng đạt 83.000 tấn.
H. Dũng