Công nghệ thông tin - truyền thông luôn là ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất, ấn tượng nhất tại Việt Nam, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP và ngân sách nhà nước.

Ngành mũi nhọn, doanh thu lớn

Năm 2016, nhiều ngành kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, không ít các doanh nghiệp (DN) thuộc các lĩnh vực đóng góp ngân sách lớn trước đây như dầu khí, khoáng sản gặp phải tình trạng làm ăn thua lỗ, buộc phải tái cơ cấu. Trong bối cảnh đó, ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là ngành đa lĩnh vực, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông, tổng doanh thu phát sinh toàn ngành năm 2016 ước đạt 1.337.857 tỷ đồng (ước tốc độ tăng trưởng đạt 9,36% so với năm 2015, cao hơn so với mục tiêu tăng GDP cả nước năm 2016 là 6,7%).Tổng nộp ngân sách nhà nước (NSNN) toàn ngành ước đạt 145.915 tỷ đồng (ước đạt 109,06% so với kế hoạch năm) và đóng góp khoảng 14,38% vào tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016.

{keywords}
Các DN viễn thông luôn là các đơn vị tăng trưởng dẫn đầu, có sức cạnh tranh mạnh mẽ nhất của nền kinh tế.

Hai lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông đóng góp phần lớn doanh thu toàn ngành. Năm 2016, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 939.400 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2015, đóng góp khoảng 70,22% vào tổng doanh thu toàn ngành. Nộp ngân sách của lĩnh vực CNTT ước đạt 93.940 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp khoảng 64,38% vào tổng nộp ngân sách nhà nước toàn ngành

Lĩnh vực viễn thông, tổng doanh thu phát sinh ước đạt 365.500 tỷ đồng. Tổng nộp NSNN lĩnh vực viễn thông ước đạt 50.396 tỷ đồng. Ba nhà mạng lớn của Việt Nam là VNPT, MobiFone và Viettel trong năm 2016 đều hoàn thành kế hoạch đã đưa ra.

Bên cạnh đó, trong năm 2016, ngành thông tin và truyền thông cũng đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đáng kể như tỷ lệ thuê bao di động đạt 131/thuê bao/100 dân; Internet băng rộng cố định đạt 10,11 thuê bao/100 dân; Internet băng rộng di động đạt 50 thuê bao/100 dân; sản lượng báo chí xuất bản đạt 1.000 triệu bản; tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt khoảng 95% diện tích cả nước...

Trong các bảng xếp hạng về đóng góp ngân sách, ngành TT&TT trong nhiều năm qua cũng luôn chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2015, riêng các doanh nghiệp CNTT thuộc V1000 đã đóng góp vào ngân sách hơn 82.344 tỷ đồng, tương ứng khoảng 10% ngân sách nhà nước. Ngành TT&TT được coi là một trong những lĩnh vực có vai trò quyết định trong việc tạo ra động lực cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Động lực phát triển kinh tế

Trong thành quả tăng trưởng chung, những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước đã góp phần không nhỏ đưa CNTT và truyền thông trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, đem về doanh thu cao, giá trị xuất khẩu lớn. Các sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức.

Ông Phùng Hoàng Cơ, đại diện Vietnam Report nhận định, khối DN viễn thông và CNTT có đóng góp lớn cho ngân sách do thị trường trong nước được tối ưu hoá cạnh tranh, trong đó ba nhà mạng lớn Viettel, VNPT và Mobifone đóng góp tỷ trọng lớn. Từ đó đã tạo ra động lực cạnh tranh, các DN tối ưu hoá trong việc phát triển sản phẩm mới, cắt giảm chi phí.

Với ưu thế nhà mạng có khách hàng tổ chức và cá nhân rộng khắp, các nhà mạng đã ứng dụng công nghệ trong việc tạo ra sản phẩm mới nên nền tảng di động, làm gia tăng doanh thu. Bên cạnh đó, các DN cũng đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường.

{keywords}
CNTT sức mạnh mới của nền kinh tế.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ngành CNTT và truyền thông đã đạt được kết quả quan trọng không chỉ khẳng định được vị thế cạnh tranh so với nhu cầu thị trường, với đối thủ mà đặc biệt tăng trưởng cao, liên tục trong thời gian dài. Nhu cầu thị trường rất đa dạng, đội ngũ nhân lực CNTT có chuyển biến mạnh về năng lực gia công, phát triển sản phẩm và kinh doanh. Đây là ngành hiếm hoi mà Việt Nam có những sản phẩm có khả năng cạnh tranh với thế giới.

Theo ông Lạng, nếu được đầu tư đúng hướng, có chiến lược phát triển phù hợp, cộng với nguồn năng lực sáng tạo, kỹ năng gia công, khả năng mở rộng các mối quan hệ, tìm kiếm khách hàng khả năng gia tăng quy mô còn rất lớn.

Ông Lạng tin tưởng rằng, trong những năm tới, trên nền tảng phát triển cao như vậy, và thúc đẩy của Chính phủ về khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện cho mọi người tham gia kinh doanh, trong đó có thương mại điện tử, sẽ tạo ra làn sóng phát triển ngành này. CNTT và truyền thông sẽ trở thành ngành có giá trị gia tăng rất cao, trở thành ngành mũi nhọn của Việt Nam trong dài hạn.

“Nhìn mối tương quan, CNTT có triển vọng hơn ngành công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp sản xuất thô đang giá trị gia tăng ngày càng kém. CNTT nhân cơ hội với lợi thế sẵn có, nhân lực tinh hoa, thị trường mở rộng, chắc chắn ngành CNNT sẽ dẫn đầu, sẽ là ngành có tỷ trọng lớn, mang lại giá trị gia tăng lớn cho ngành kinh tế và GDP trong thời gian tới”, ông Lạng nhận định.

Tại Hội nghị Triển khai Nhiệm vụ 2017 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó trong năm 2017.

Trong đó, Bộ sẽ tiếp tục tập trung xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực TTTT, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính chất đột phá nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; các chính sách tạo điều kiện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn thụ hưởng những lợi ích do lĩnh vực TT&TT mang tới.

D.Anh – P.Huyền