Ngành Thống kê đã và đang có những bước chuyển mình rõ rệt, từ quyết tâm mạnh mẽ của đội ngũ lãnh đạo ngành đến ý thức của mỗi cá nhân hướng tới việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực từ quản lý điều hành đến chuyên môn nghiệp vụ.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động thống kê không phải là câu chuyện mới đối với ngành thống kê. Cách đây vài chục năm, thống kê là một trong những ngành dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, như: Sử dụng các phần mềm trong phân tích, xử lý dữ liệu hoặc cập nhật phiếu dữ liệu thu thập được từ các cuộc điều tra thống kê với các bài toán phức tạp….
Ngành thống kê dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin. |
Tuy nhiên, với nhu cầu và trào lưu, xu hướng phát triển của xã hội hiện đại thì ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ dừng lại ở đó, mà cần yêu cầu cao hơn, đó là tích hợp, chia sẻ dữ liệu, là sử dụng dữ liệu lớn trong điều tra thống kê, là ứng dụng các thiết bị công nghệ thông minh trong điều tra thống kê, là sử dụng các phần mềm thông minh để phân tích và chạy dữ liệu…
Trước thực trạng đó, khi xây dựng Luật Thống kê sửa đổi năm 2015, các nhà làm Luật đã đưa ra những điểm mới căn bản trong Luật, đó là các điều khoản liên quan đến sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê và ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động thống kê. Quy định của luật là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành thống kê có căn cứ triển khai xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động thống kê.
Đặc biệt, gần đây nhất Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết này đã nhấn thêm sức mạnh và quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt công tác từ quản lý điều hành đến nghiệp vụ chuyên môn của ngành Thống kê nói riêng và các ngành khác trong cả nước nói chung.
Trên dòng chảy số hóa
Ngày 10/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 501/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong hoạt động thống kê Nhà nước giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án 501 đưa ra mục tiêu chung là ứng dụng mạnh CNTT-TT và các phương pháp khoa học dữ liệu để nâng cao chất lượng hoạt động thống kê Nhà nước hướng đến hệ thống thông tin thống kê quốc gia tích hợp và hiện đại trong giai đoạn 2020 - 2025.
Mục tiêu đến năm 2020 xây dựng hệ thống thông tin thống kê quốc gia, từng bước kết nối với hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành, địa phương; sử dụng công nghệ thông minh (webform và thiết bị cầm tay) thay thế phiếu điều tra giấy bằng phiếu điều tra điện tử trong các cuộc điều tra thống kê, cụ thể: 80% trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, 75% trong điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020, 75% trong điều tra doanh nghiệp và hộ cá thể, 80% trong các cuộc điều tra khác…
Bên cạnh đó, tích hợp, tiếp nhận hoàn chỉnh các dữ liệu hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm xã hội và cơ sở dữ liệu một số bộ, ngành để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, bộ chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam…
Xa hơn nữa, mục tiêu của năm 2025 là hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê nhà nước và hệ cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, thống nhất theo quy định của Luật Thống kê; sử dụng 85% phiếu điều tra điện tử trong Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và 90% trong các cuộc điều tra khác; tích hợp hoàn chỉnh dữ liệu hành chính có liên quan trong các ngành, lĩnh vực…
Theo đó, một số bộ, ngành và Tổng cục Thống kê đã thực hiện chia sẻ dữ liệu hành chính trong công tác thống kê. Việc sử dụng nguồn dữ liệu hành chính từ ngành Thuế, Kho bạc Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước khác như y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao, thông tin truyền thông trong Tổng điều tra kinh tế 2017 là một ví dụ điển hình. Đặc biệt, sự chia sẻ dữ liệu của ngành thuế trong rà soát điều tra khối doanh nghiệp đã đóng góp rất lớn vào thành công của cuộc tổng điều tra này.
Hoàng Đức, Duy Tuấn