![]() |
Võ lâm truyền kỳ, một online game do VinaGame phân phối cho đến nay vẫn thu hút người chơi và hiện vẫn là một trong những online game ăn khách nhất tại Việt Nam. Ảnh: volam.com.vn |
ICTnews - Nhiều ý kiến lạc quan rằng trong những năm tới sẽ đến thời của ngành công nghiệp nội dung số nói chung và trò chơi trực tuyến (online game) Việt Nam.
Tại TP.Hồ Chí Minh vừa diễn ra hội thảo về phát triển công nghiệp game và nội dung thông tin số Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp game hàng đầu của Việt Nam như: VinaGame, FPT online, Quang Minh DEC, GlassEgg… đã tham dự. Các đại biểu thống nhất cho rằng: mặc dù chúng ta đang đối mặt với nhiều cơ hội cũng như thách thức trong ngành công nghiệp online game tại Việt Nam nhưng trong những năm tới sẽ là sự thăng hoa của ngành công nghiệp thông tin số nói chung và online game nói riêng.
Mảnh đất mới
Công nghiệp nội dung số là một ngành kinh tế mới, có nhiều tiềm năng phát triển, đem lại giá trị gia tăng cao, thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Online game được ví như tuổi thanh xuân của nền công nghiệp số.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên (Công ty cổ phần truyền thông và công nghệ Quang Minh DEC) thì đầu năm 2000, tại thị trường Việt Nam đã xuất hiện một số trò chơi trực tuyến. Trải qua gần 8 năm, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp phát triển và kinh doanh online game tại thị trường Việt Nam đã tăng lên rõ rệt. Phần lớn các doanh nghiệp phát hành game trong thời gian qua là những đơn vị đã có kinh nghiệm về truyền thông hoặc hoạt động trong lĩnh vực CNTT như: VinaGame, VTC, VDC, FPT, GlassEgg…
Ông Lê Hồng Minh, Giám đốc VinaGame cho biết, theo một điều tra riêng của VinaGame thì có 20% người Việt Nam lên mạng chơi game và dự báo tới năm 2010, 40% người sử dụng Internet ở Việt Nam sẽ chơi online game và ngành này sẽ chiếm 80% doanh thu giải trí trực tuyến.
Thị trường online game Việt Nam rất lớn. Thế nhưng, một thực tế đáng buồn là phần lớn các game được sản xuất ở nước ngoài, các công ty Việt Nam chỉ làm nhiệm vụ cung cấp, phát hành. Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty VDC, cho biết: Mặc dù đã xuất hiện một số game do chính người Việt Nam sản xuất nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của người chơi. Theo ông Dũng, các doanh nghiệp của Việt Nam đã có kinh nghiệm về vận hành một online game, cấu trúc của một game, các vấn đề kỹ thuật đã được các đối tác chuyển giao. Vì vậy, vấn đề sản xuất một game của Việt Nam chỉ còn là vấn đề xây dựng nội dung, các thiết kế đồ họa dành cho game sao cho phù hợp với người Việt. Ngoài ra, xu hướng phát triển chung của ngành công nghiệp phần mềm hiện nay là gia công thì cũng có thể hợp tác với một nhà sản xuất game chuyên nghiệp nước ngoài và tiến hành làm các phần mềm game theo hợp đồng.
Nhiều hứa hẹn và thách thức
Ông Nguyễn Đức Kiên cho biết: Theo ước tính của Hãng nghiên cứu công nghệ Yankee Group (Mỹ), doanh số quảng cáo trong game sẽ tăng từ 77,7 triệu USD vào năm 2006 lên 971,3 triệu USD vào năm 2011. Giá mua quảng cáo trung bình trong một game từ 30.000 - 40.000 USD (2006) sẽ đạt mức 1 triệu USD vào năm tới. Game online đang tham gia mạnh mẽ và thúc đẩy quá trình làm phẳng thế giới trên cả phương diện văn hóa và công nghệ ứng dụng Internet.
Chúng ta đều biết rằng, online game đang góp phần truyền tải những kiến thức từ người này qua người khác theo một con đường riêng của nó, vì vậy có thể lồng ghép những bài học về lịch sử, địa lý, nhân văn… vào nội dung game để làm mới lại những kiến thức đã học cho toàn thể những người sử dụng dịch vụ. Điều này yêu cầu những nhà hoạch định chính sách cần có những hỗ trợ cho các công ty phát hành game để xây dựng và thẩm định nội dung. Bên cạnh đó, những sự kiện trong game có thể lặp đi lặp lại với một tần suất rất lớn mà người chơi vẫn phải chú ý theo dõi. Điều này gợi ý cho các nhà quản lý vĩ mô một kênh truyền thông có hiệu quả đối với những vấn đề lớn của xã hội, như: vấn nạn AIDS, nạn sử dụng chất gây nghiện, hay các bệnh truyền nhiễm…
Hiện nay, ngành công nghiệp game là một ngành khá mới mẻ của Việt Nam. Đến thời điểm này, chưa có game nào của Việt Nam thành công trên thị trường. Chúng ta cần phát triển ngành công nghiệp game bởi vì đây là một loại hình giải trí mới, là động lực để phát triển công nghiệp phần mềm. Theo ông Nguyễn Trung Dũng, khó khăn của ngành công nghiệp game online Việt Nam hiện nay là chưa được coi là một ngành giải trí đúng mức. Vì vậy, Chính phủ cần hỗ trợ và định hướng về mặt pháp lý và xã hội.
Online game hiện nay được coi là một ngành công nghiệp giải trí mới. Những cơ hội và thách thức đang chờ đợi những nhà phát hành game trong những năm tiếp theo của một đất nước có trên 80 triệu dân và có tốc độ tăng trưởng hàng đầu trong khu vực.
NGUYỄN VĂN KHÔI
- Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 85 ra ngày 22/10/2007