Chiều  26/12, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024. Báo cáo tại hội nghị, bà Đặng Thanh Mai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cho biết, trong bối cảnh tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan đòi hỏi công tác dự báo ngày một cao.

Theo đó, trong năm qua các đơn vị trong ngành đã theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn, hải văn trên phạm vi cả nước. Đồng thời, các đơn vị cũng theo dõi, cảnh báo, dự báo sớm các đợt thiên tai từ đó giúp các địa phương chủ động ứng phó.

Cụ thể, trong 2023 toàn ngành đã dự báo  5 cơn bão và 2 ATNĐ; 21 đợt không khí lạnh, 20 đợt nắng nóng diện rộng; 21 đợt mưa lớn trên diện rộng; 13 đợt lũ; 28 đợt lũ quét, sạt lở đất với trên 100 vị trí xảy ra trên phạm vi 35 tỉnh/thành phố.

Cũng trong năm này, các đơn vị đã cung cấp tổng cộng 72.000 bản tin, trong đó có hơn 25.266 bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và 47. 598 bản tin khí tượng thuỷ văn bình thường.

Trung tâm Khí tượng thuỷ văn cũng đã cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn,  Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương. 

W-img-0537-copy-1.jpeg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành 

Các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết cũng được chuyển đến kịp thời cho các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất cho nhân dân các địa phương, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Đối với công tác dự báo, cảnh báo mưa lớn theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn trong năm 2023 nhiệm vụ này tiếp tục được nâng cấp dựa trên ứng dung AI, các sản phẩm đồng hóa độ phân giải cao với thời hạn dự báo đến 24h. Đáng lưu ý, công nghệ dự báo thủy văn theo hướng đồng bộ, liên thông được tăng cường cho 2 lưu vực sông Hồng và sông Hương.

Ngành cũng tập trung xây dựng công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, đã tích hợp dữ liệu dự báo mưa hạn cực ngắn từ ra đa kết hợp với dữ liệu từ mô hình số với độ phân giải cao (1-3km); tích hợp hỗ ra tin; ngưỡng mưa; xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét sạt lở đất thời gian thực; tích hợp các khu vực trọng điểm để cảnh báo chi tiết.

Cung cấp thông tin cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cập nhập liên tục trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Đánh giá những kết quả đã đạt được trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, ngành khí tượng thuỷ văn đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để đảm đảm thực hiện công tác, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Những kết quả này đã được Chính phủ, Bộ TN&MT, các cấp, các ngành và các địa phương ghi nhận.

Tuy nhiên, trong năm 2024, thứ trưởng yêu cầu Tổng cục tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực khí tượng thủy văn. Khẩn trương thúc đẩy triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực khí tượng thủy văn. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ  trí tuệ nhân tạo, thác dữ liệu lớn (Big Data)... trong lĩnh vực khí tượng thủy văn giám sát biến đổi khí hậu gắn kết trí tuệ nhân tạo với các sản phẩm dự báo, cảnh báo thiên tai hiện tạo ra những sản phẩm phục vụ việc tiếp cận và khai thác thông tin KTTV, truyền tin kịp thời hiệu quả đến các cấp quản lý điều hành, người dân và doanh nghiệp...

Tổng Cục cần tăng cường hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống thông tin truyền dẫn số liệu khí tượng thủy văn, nâng cao tốc độ và mở rộng băng thông nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ dự báo và trao đổi số liệu trong và ngoài ngành tạo thêm nguồn lực tái đầu tư bảo dưỡng trang thiết bị, công nghệ và đầu tư cho con người.

Đổi mới phương thức phục vụ của ngành Khí tượng thủy văn theo hướng Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đáp ứng các yêu cầu phục vụ công cộng, phòng chống thiên tai, bảo vệ cuộc sống, tài sản cho toàn xã hội; đồng thời, khuyến khích xã hội hoá, và các hoạt động dịch vụ khí tượng thủy văn nhằm mang hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực.

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV