Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp chip của Trung Quốc, đặc biệt khi Huawei bị cấm cửa tại Mỹ, áp lực phải đáp ứng được nguồn cung chip chất lượng cao cho Huawei và các đối tác trong nước sẽ không hề dễ dàng.
Theo một chuyên gia Trung Quốc, ngành công nghiệp bán dẫn nước này sẽ cần hơn một thập kỷ nữa mới có thể bắt kịp các quốc gia khác do nền tảng công nghiệp yếu hơn và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang gây ra thêm những áp lực mới.
Jay Huang Jie, đối tác sáng lập của Jadestone Capital đồng thời là cựu giám đốc điều hành của Intel tại Trung Quốc mới đây đã có những chia sẻ với báo SCMP về tác động của cuộc chiến thương mại với nền công nghiệp bán dẫn của nước này. Huang trước đó đã rời Intel vào năm 2015 để thành lập công ty của riêng mình.
Huang cho biết: "Trung Quốc nên chuẩn bị cho một cuộc đua marathon trong ít nhất một thập kỷ tới".
Biến động chắc chắn sẽ xảy ra trong ngành sản xuất, đặc biệt là công nghệ cao của Trung Quốc mà nguyên nhân chính là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nếu Mỹ tiếp tục gây sức ép bằng việc tăng thuế với Trung Quốc, chuỗi cung ứng cao cấp có thể sẽ rời khỏi Trung Quốc. Tất nhiên nó khó có thể xảy ra sau một đêm nhưng không hẳn không thể xảy ra.
Mặc dù Trung Quốc ngang hàng với nhiều công ty toàn cầu về thiết kế chip nhưng nước này vẫn còn khoảng cách lên tới 10 năm về công nghệ đúc. Thậm chí khi nói đến các thiết bị được sử dụng trong công nghệ đúc, khoảng cách giữa Trung Quốc và các công ty nước ngoài thậm chí còn lớn hơn.
Chính vì lý do đó, Bắc Kinh đang kêu gọi các nhà sản xuất chip nước này tăng cường tự cung tự cấp, đặc biệt là tự sản xuất chip trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ đang leo thang căng thẳng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải tự lực và đổi mới để chống lại những thách thức dài hạn từ Mỹ. Ông nói: "Chỉ khi chúng ta sở hữu tài sản trí tuệ và công nghệ lõi của riêng mình, chúng ta mới có thể tạo ra được những sản phẩm có khả năng cạnh tranh và không bị đánh bại trước các đối thủ".
Đã có nhiều cuộc thảo luận gần đây giữa hai nước nhưng đều không thể đạt được kết quả như mong muốn. Đây cũng là cơ sở để chính quyền Trump tung ra "đòn nhử" đầu tiên bằng việc ra lệnh cấm Huawei.
Sau khi sắc lệnh hành pháp của tổng thống Trump có hiệu lực cách đây 2 tuần, nhiều công ty Mỹ đã chính thức cắt đứt quan hệ hợp tác với Huawei. Trong đó có thể kể đến các công ty như Google, Intel, Qualcomm, Microsoft,…Đây đều là những công ty có mối quan hệ đối tác khá mật thiết với Huawei.
Động thái trên của ông Trump được cho nhằm ngăn chặn Huawei tham gia vào các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ. Đồng thời việc cấm cửa Huawei cũng giúp ngăn công ty này tiếp cận các công nghệ quan trọng của Mỹ như chip và phần mềm.
Nhưng tất nhiên, Huawei đã sớm biết trước tình thế này nên đã chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế và tự sản xuất chip. Đơn cử như chip xử lý của công ty con HiSilicon. Tuy nhiên kế hoạch dự phòng này của Huawei liệu có phát huy tác dụng hay không còn phụ thuộc khá nhiều khả năng đáp ứng nguồn linh kiện trong nước.
Cuối cùng Huang nhấn mạnh: "Không có nhiều điểm khác biệt trong ngắn hạn giữa việc nội địa hóa chip ở mức 99% hay chỉ khoảng 10%. Nếu không thể tìm thấy bất cứ nguồn cung thay thế nào cho chỉ một linh kiện, sẽ chẳng còn cách nào khác để có được nó đâu".
Để có thể tạo ra sự khác biệt và không còn phụ thuộc vào bên ngoài như Mỹ hiện nay, rõ ràng Trung Quốc sẽ còn rất nhiều điều phải làm với ngành công nghiệp bán dẫn của mình.
Mai Huyền