Tại hội thảo của Hanoi Plas Print Pack 2019, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, trong 10 năm qua, ngành nhựa có mức tăng trưởng 15-20%/năm. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 477.000 tấn nhựa (thị trường Trung Quốc chiếm 50%), tăng gần 100% về lượng so với năm 2016.
Với ngành nhựa, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), từ hơn một thập kỷ qua ngành nhựa luôn duy trì tăng trưởng trung bình ở mức hai con số về khối lượng nhập khẩu nguyên liệu cũng như xuất khẩu sản phẩm nhựa.
Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhựa liên tục tăng mạnh những năm gần đây, đạt mức trung bình từ 14-15%/năm.
Ngành công nghiệp tỷ đô |
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội in Hà Nội, cho hay: Hiện nay, căn cứ số lượng báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành sách, có khoảng trên 2.000 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh liên quan lĩnh vực In, sản xuất và in bao bì.
Số lượng các hộ kinh doanh hoạt động photo, gia công sản phẩm in chưa được thống kê, có quy mô khác nhau cũng lên tới hàng nghìn hộ. Tổng doanh thu ngành in Việt Nam dự tính theo quy đổi ngoại tệ đạt trên 5 tỷ USD.
Theo tạp chí Mordor Intelligence Research, thị trường nhựa Việt Nam dự báo đạt tỷ lệ tăng trưởng luỹ kế hàng năm (CAGR) vào khoảng 6,63% trong giai đoạn 2018-2023, công nghệ ép phun chiếm tỷ lệ cao nhất.
Công nghệ này được sử dụng để sản xuất các bộ phận nhựa có thành mỏng như thiết bị gia dụng, điện tử gia dụng, bảng điều khiển ô tô,... Lĩnh vực công nghệ đóng gói, công nghiệp ô tô, điện tử và các ngành công nghiệp khác dự kiến sẽ dẫn đầu thị trường Việt Nam trong giai đoạn này.
Có thể thấy rằng thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn khi các thương hiệu hàng đầu như Foxconn, Samsung cùng nhiều tên tuổi nổi tiếng trong ngành ô tô đã đầu tư lớn vào xây dựng nhà máy tại Việt Nam.
Việc Việt Nam ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ nhựa. Các đối tác đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ; thuế xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu (EU),... được hưởng nhiều ưu đãi. Nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa tại thị trường EU, Nhật vẫn ở mức cao, khách hàng ngày càng ưa thích sản phẩm nhựa Việt Nam.
Thách thức 4.0
Ngành công nghiệp nhựa, in ấn và đóng gói bao bì trong nước và xuất khẩu được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư khai thác thị trường.
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước |
Về thực trạng ngành công nghiệp in hiện nay, ông Bùi Doãn Nề nhận xét, số lượng doanh nghiệp in vừa và nhỏ là chủ yếu, doanh nghiệp lớn có doanh thu trên 200 tỷ VND chỉ chiếm khoảng 10%.
Lĩnh vực in văn hoá phẩm thu hút số đông doanh nghiệp in ở quy mô vừa và nhỏ, lĩnh vực này cạnh tranh cao, vẫn duy trì mức tăng trưởng khoảng 10% về sản lượng nhưng lợi nhuận thấp.
Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI có kinh nghiệm về quản trị, tài chính mạnh lại được sự hỗ trợ từ các công ty mẹ, thậm chí chấp nhận lỗ từ 3-5 năm để chiếm lĩnh thị trường, trong khi doanh nghiệp nội địa chỉ cần lỗ 1, 2 năm là phải đóng cửa.
Với những lợi thế trên, Việt Nam đang chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên liệu cho ngành nhựa, bao bì và in ấn.
Thông qua các triển lãm hội chợ, nhiều nhà triển lãm nước ngoài đã có cơ hội tiếp cận với những doanh nghiệp sản xuất trong nước để cung cấp máy móc thiết bị hoặc tìm nhà phân phối tại Việt Nam. Như tại triển lãm quốc tế ngành công nghiệp nhựa, in ấn và đóng gói bao bì Hà Nội thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia mỗi năm.
Chưa kể, lợi thế của các doanh nghiệp FDI là nguồn khách hàng từ các nước của họ khi vào Việt Nam cũng sẽ tìm công ty cung ứng cùng quốc gia để hợp tác nên doanh nghiệp nội địa rất khó tiếp cận các khách hàng này.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đề xuất một số giải pháp: Đa dạng hóa thị trường, tăng cường năng lực nghiên cứu, bản lĩnh và phản ứng thị trường; Chủ động tái cơ cấu đầu tư, phát triển liên kết cộng đồng và giảm bớt phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài.
Xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ; thu hút nhân tài và nâng cấp quản trị doanh nghiệp; tiếp cận các dịch vụ thông tin và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Có thể nói, kỳ vọng lớn nhất của ngành nhựa Việt hiện nay đó chính là những hiệp định thương mại: Thương mại tự do Việt - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP),... Khi các hiệp định này có hiệu lực, cũng đồng nghĩa cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt sẽ rộng mở hơn, bức tranh ngành nhựa Việt ra thế giới sẽ lớn hơn.
Nam Hải