(Tiếp theo và hết)
Về trình độ quản lý và các chứng chỉ chất lượng quản lý
Các khách hàng quốc tế trông đợi nhiều vào trình độ quản lý và chất lượng công việc từ các nhà gia công CNTT. Ấn Độ là quốc gia gia công chiếm lĩnh được vị trí hàng đầu, Việt Nam cũng nên đạt đến vị trí của các công ty Ấn Độ hoặc sẽ trở thành nhà cung cấp hạng hai hay hạng ba, chỉ nhận được các công việc có lợi nhuận thấp như nhập liệu hoặc thử nghiệm PM.
Chứng chỉ quản lý chất lượng CMMI (Capability Maturity Model Integrated) được phát triển bởi Viện Công nghệ PM (Software Engineering Institute - SEI) của CMU, được chấp nhận bởi khách hàng trên toàn thế giới như một tiêu chuẩn bảo đảm cho chất lượng phát triển PM. Các công ty Việt Nam cần đạt được các trình độ cao của CMMI ( cấp 4 và 5).
Đối với các khách hàng quốc tế, việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới đem đến nhiều rủi ro, nhiều người trong số họ không thích có thêm những nhà cung cấp mới. Một chứng chỉ quản lý chất lượng được công nhận bởi một cơ quan chứng thực độc lập giúp họ giảm bớt những rủi ro. Có được chứng chỉ chính thức CMMI là điểm tạo sự khác biệt chính trong hoạt động gia công PM. Để cạnh tranh toàn cầu, tất cả các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cần phải đạt được chứng chỉ CMMI từ các nguồn được công nhận.
Những khuyến nghị
- Các công ty CNTT Việt Nam nên nhanh chóng đạt được chứng chỉ CMMI từ nguồn chính thức.
- Dự trù ngân sách cho việc đạt chứng chỉ CMMI.
- Tạo sự đồng thuận trong tất cả nhân viên xem việc cam kết chất lượng là phương cách kinh doanh.
- Tập trung vào chất lượng và hiệu quả để tạo nên điểm khác biệt của doanh nghiệp.
- Quảng bá kết quả của việc nhận chứng chỉ CMMI như là một phần việc marketing.
Nguồn nhân lực có kỹ năng
Đây là một thử thách rất lớn cho Việt Nam khi đối mặt với những đối thủ hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy vậy, với việc đào tạo đúng và tiếp cận tốt, CNTT Việt Nam có thể cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ lớn này trong thị trường toàn cầu. Việt Nam có những ưu và nhược điểm riêng; nên tập trung vào những gì mình làm được hơn là theo những việc mà Trung Quốc và Ấn Độ đang làm.
Hiện nay, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều bị ảnh hưởng của việc thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực kỹ năng cao và họ cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách đào tạo ồ ạt số lượng lớn người làm CNTT. Điều này dẫn đến việc giảm chất lượng của nguồn nhân lực. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam để cạnh tranh bằng cách cung cấp nguồn nhân lực kỹ năng cao qua những chương trình giáo dục và dạy nghề nghiêm chỉnh.
Ngành công nghiệp CNTT thay đổi nhanh chóng, việc hiểu rõ tiến trình và xu hướng phát triển sẽ giúp Việt Nam điều chỉnh hướng đi và tái hoạch định để bảo đảm kẽ hở thị trường hơn là đi theo những việc người khác đã làm. Xu hướng hiện nay xem trọng giá trị công việc và mối quan hệ hơn là nguồn nhân lực giá rẻ. Hầu hết các PM đang trở thành hệ thống hội tụ mạng lưới, ngày càng phức tạp; đòi hỏi những kỹ năng thành thạo về cấu trúc hệ thống, thiết kế, tích hợp hơn là lập trình hay kiểm thử (testing). Khuynh hướng này không có nghĩa là sẽ không còn việc cung ứng nhân lực giá rẻ nhưng ngành công nghiệp ngày càng mở ra nhiều cơ hội cho những quốc gia nào có thể cung cấp được những kỹ năng mới cho khách hàng.
Những khuyến nghị
- Tiến hành nghiên cứu thị trường để nhận diện những kỹ năng, những khả năng mới - đặc biệt tránh những kỹ năng thông thường như lập trình, testing mà nước nào cũng có…
- Thu thập và phát triển những chương trình đào tạo các kỹ năng chuyên sâu - đặc biệt trong quản lý dự án, phân tích yêu cầu kinh doanh, kiến trúc hệ thống, tích hợp hệ thống, quản trị toàn bộ, thiết kế, xây dựng hệ thống...
- Đào tạo những kỹ năng mới cho nhân viên.
Vấn đề truyền thông
Kinh doanh toàn cầu cần kỹ năng giao tiếp trong nhiều ngôn ngữ nhưng tiếng Anh vẫn quan trọng nhất. Doanh nghiệp CNTT Việt Nam cần đào tạo nhân viên về giao tiếp tiếng Anh và hiểu về văn hóa của khách hàng đối với từng nước.
Để giải quyết vấn đề này, cần đến sự trợ giúp của ngoại kiều hoặc của Việt kiều làm người đại diện. Trong môi trường kinh doanh toàn cầu, nên có bộ phận quản lý tại chỗ gồm những người am hiểu văn hóa và tập quán kinh doanh bản địa. Ước tính có khoảng một triệu người Việt Nam tại nước ngoài có khả năng như vậy. Cộng đồng này hầu hết có thể nói hai ngôn ngữ và thường hiểu văn hóa thị trường nơi mà họ lớn lên.
Những khuyến nghị
- Thu thập những chương trình dạy Anh văn cho nhân viên CNTT.
- Thuê nhân viên địa phương hoặc Việt kiều làm đại diện ở mỗi thị trường.
- Tập trung vào việc hiểu rõ văn hóa kinh doanh của khách hàng.
- Thu thập các chương trình đào tạo Anh ngữ cho các khu công nghiệp kỹ thuật cao và các trường đại học.
Về đối tác và liên minh
Tất cả những công ty CNTT thành công đều có đối tác tại những lĩnh vực nằm ngoài khả năng của họ. Các công ty CNTT Việt Nam cần liên kết với những đối tác khác và tạo ra những liên minh hoạt động trong những lĩnh vực nhất đinh nhằm xác định thị trường theo ngành dọc. Doanh nghiệp Việt Nam nên giao cho các đơn vị khác cung ứng cho mình những dịch vụ bên ngoài dịch vụ chính và hình thành các mối quan hệ tin cậy với khách hàng. Một cách cơ bản là một thực thể liên kết nhiều công ty sẽ tạo nên một sức mạnh lớn trong thị truờng cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Những khuyến nghị
- Thăm dò khả năng thành lập mối quan hệ đối tác và liên minh.
- Hình thành thực thể liên kết consortium lớn để quản lý toàn bộ chu trình hoạt động.
- Nghiên cứu các chủ trương chính sách nhà nước các cấp để xúc tiến thành lập consortium.
- Xác định, kết nối và đo lường những giá trị gia tăng của từng liên minh.
- Hợp thức hoá việc uỷ quyền cho Khu công nghệ cao như một thực thể đại diện và thương hiệu duy nhất.
Tiếp thị và quảng cáo
Cho dù là ngành công nghiệp CNTT Việt Nam phát triển rất nhanh trong vài năm qua, nhưng hầu như ngành này chưa được biết đến trên bình diện kinh doanh toàn cầu. Nếu khách hàng không biết gì về Việt Nam thì tại sao họ phải làm kinh doanh tại đây?
Điều quan trọng bây giờ là Việt Nam cần nỗ lực sử dụng các chiến dịch kinh doanh để chào hàng cho được “CNTT Việt Nam”. Rất khó cạnh tranh với các đối thủ được tổ chức tốt như Ấn Độ, Trung Quốc. Nếu chỉ có giá thấp thì sẽ nhận được rất ít đề nghị có giá trị. Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp phương Tây giao gia công không coi vấn đề chi phí là chuyện chính yếu mà họ đang tìm kiếm những nguồn cung ứng các dịch vụ có giá trị như hệ chuyên gia và tiếp cận thị trường địa phương.
Vì thế, Việt Nam cần xác định vị trí của ngành công nghiệp CNTT vào:
- Chất lượng và hiệu quả (được chứng nhận bởi tiêu chuẩn CMMI).
- Cơ sở hạ tầng ổn định để có thể chuyển giao các dịch vụ cho khách hàng nhanh hơn, tốt hơn và đáng tin cậy hơn.
- Xây dựng các kỹ năng chuyên biệt.
- Đầu tư phù hợp cho hạ tầng để có thể kinh doanh tốt.
- Thân cận với các thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
- Bảo đảm sự ổn định chính trị và an ninh xã hội.
- Thu hút doanh nhân và khách du lịch đến Việt nam.
GS. TS John Vũ