Gõ từ khóa "tiền giả" trên thanh tìm kiếm của Facbook hiện ra một loạt tài khoản bán tiền giả với tên gọi "Tiền giả", "Bán tiền giả ba miền", "Tiền giả uy tín", "Tham gia nhóm là có tiền"… với nhiều lời mời gọi hấp dẫn.

Facebook "Tiền Giả" đăng bài viết ngày ngày 5-1 với nội dung: "Anh em nào thích mua tiền giả cứ inbox nhé ... Sắp đến tết rồi, anh em dùng đi giống tiền thật 99% nhé… Bên mình đang được giảm giá nhé". Bài viết được đính kèm hình ảnh nhiều cọc tiền giả với các mệnh giá khác nhau.

Facebook Nguyễn Thị Thủy Tiên (Tiên Tiền Giả) hoạt động khá công khai với lời giới thiệu thông tin của tài khoản là "Buôn tiền giả toàn quốc". Chủ tài khoản này cũng thường xuyên đăng tải bài viết quảng cáo, giới thiệu tiền giả với ngôn từ cực kỳ "lôi cuốn".

{keywords}
 
{keywords}
Một tài khoản rao bán tiền giả trên mạng xã hội Facebook. Ảnh chụp màn hình

Bài viết đăng kèm clip tiền giả vào ngày 7-1 mới đây của Facebook Nguyễn Thị Thủy Tiên có lời giới thiệu: "Trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng, lộ trình duy nhất đưa bạn đến thất bại là không dám mạo hiểm. Cặp seri nổi nhám, cùng 1 màu mực. Nhanh tay đặt hàng sớm để còn hàng tốt". Trước đó, Facebook này cũng đăng clip tiền giả cùng nội dung tương tự vào ngày 31-12-2019.

Hoạt động buôn bán tiền giả còn len lỏi vào nhiều hội nhóm với tên gọi kín hơn như "Hội vay tiền online nhanh". Tại đây, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận chủ tài khoản Lê Yến Nhi đăng quảng cáo: "Tiền Giả Như Thật Giống 99%, Giao Dịch Trực Tiếp Không Cọc Uy Tín Tỉ Lệ 1 đổi 10, 2 đổi 30, 5 đổi 70. Anh Em Cần Liên Hệ Zalo Tuấn Hùng 0779.....". Bài đăng nhận được 16 lượt thích và 47 lượt bình luận giao dịch, hỏi mua.

Tương tự, tài khoản "Tiền Tiền" đăng bài với nội dung: "Tiền giả như thật 100%, 1 triệu ăn 10 triệu, ai cần liên hệ 098..." tại nhóm Facecbook có tên "Hội mua bán xe máy cũ Bắc Ninh".

Tuy nhiên, theo nhiều thành viên của các hội, nhóm buôn bán tiền giả, nhiều chủ tài khoản không hề bán tiền giả mà chỉ quảng cáo để "dụ" khách chuyển tiền, gửi thẻ cào điện thoại… Các tài khoản bán hàng đều là tài khoản ảo và sẽ biến mất ngay sau khi người mua nhẹ dạ chuyển tiền.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo cấp cao Ngân hàng (NH) Nhà nước cho biết người in ấn, rao bán tiền giả là vi phạm pháp luật hình sự. Còn người mua tiền giả là để lừa đảo người khác, có thể bị truy tố hình sự. Riêng người dân nộp tiền vào các NH thương mại bị phát hiện tiền giả thì NH đó sẽ lập biên bản thu giữ. Nếu người nộp tiền vô ý nắm giữ tiền giả thì không có vấn đề gì; còn trường hợp họ cố ý nộp tiền giả thì NH sẽ chuyển giao cơ quan công an xử lý.

Nói về tiền giả trên mạng, vị này cho hay các mạng xã hội đang xuất hiện một số người giả vờ rao bán tiền giả để lừa đảo người mua tiền giả. Vì khi đối tượng mua tiền giả chuyển tiền thật vào tài khoản của người bán tiền giả, các chủ tài khoản sẽ cao chạy xa bay. "Tới đây, NH Nhà nước sẽ đề nghị cơ quan quản lý mạng xã hội có biện pháp ngăn chặn tình trạng rao bán và lừa đảo liên quan đế tiền giả"- vị lãnh đạo NH Nhà nước cho biết thêm.

Để tránh rủi ro do nhận phải tiền giả, NH Nhà nước hướng dẫn người dân một số cách kiểm tra nhanh bằng tay hoặc mắt thường để phân biệt tiền giả.

Theo đó, tiền giả chủ yếu được in trên nilon nên không có độ đàn hồi đặc trưng và độ bền như tiền thật, khi nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và mở ra, sẽ không đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; khi kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền sẽ dễ bị giãn hoặc rách.

Khi soi tờ tiền trước nguồn sáng, kiểm tra hình bóng chìm và hình định vị, tiền giả có hình bóng chìm chỉ là hình ảnh mô phỏng, không tinh xảo; hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau hoặc vuốt nhẹ mặt trước, tiền giả chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay nhưng không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật.

Còn khi chao nghiêng, tờ tiền giả nhưng không đổi màu hoặc có đổi màu nhưng không đúng màu như ở tiền thật, đồng thời không có yếu tố hình ẩn.

Ngoài ra, để tìm hiểu thêm hướng dẫn của NH Nhà nước về cách kiểm tra nhận biết tiền thật/giả, người dân có thể truy cập mục Phát hành tiền/Nhận biết tiền thật, tiền giả trên website Ngân hàng Nhà nước.

(Theo NLĐ)