Trong quá trình giáo dục con cái, có không ít bậc phụ huynh bất đồng theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”, nhưng ai cũng bắt trẻ phải nghe theo, làm theo. Sống trong môi trường gia đình như thế, các cháu phải gánh chịu nhiều thiệt thòi. Thậm chí, có trẻ còn hình thành tâm lý đối phó cho phù hợp với cách giáo dục của mỗi người, dẫn đến nguy cơ phát triển phiến diện, méo mó nhân cách.
Anh Trí (Q.12, TP.HCM) tâm sự: “Trong khi tôi luôn nghiêm khắc dạy con trong mọi lĩnh vực, nhất là việc chi tiêu tiền sao cho hợp lý, thì vì chiều chuộng và muốn lấy lòng con, mỗi khi đón cháu ở trường, bà xã tôi cứ dấm dúi nhét cho con gái vài chục ngàn để thích gì mua nấy. Ban đầu, con bé lo lắng đưa hết cho tôi, nhưng sau đó thưa dần và không thấy đưa nữa. Hỏi ra mới biết, vợ tôi cấm con mách ba chuyện mẹ cho tiền, nếu không mẹ sẽ cắt “viện trợ”. Thế là, con gái tôi đành im lặng để được lòng cả ba lẫn mẹ và... có lợi cho mình! Cách giáo dục con theo kiểu “ông chằng, bà chuộc” thế này chỉ làm khổ con bé”.
Chị Trâm (Q.Tân Bình, TP.HCM) bày tỏ một cách thấm thía: “Tôi có chồng mà nuôi dạy con không khác gì một người mẹ đơn thân. Con có cha có mẹ đầy đủ, vậy mà cha suốt ngày bù khú tụ tập bạn bè khiến nhiều người ngỡ thằng bé bị... mồ côi cha. Như thế, nhân cách của con sẽ bị khiếm khuyết là điều không thể tránh được”. Bé Thu Hà, chín tuổi (ngụ Q. Thủ Đức, TP.HCM) thổ lộ: “Mẹ cháu dạy phải biết ăn nói lễ phép, lịch sự. Nhưng cháu thấy, ba cháu hễ uống rượu lại nói tục, chửi thề. Mẹ cháu thường bảo cháu làm thế này, trong khi ba lại làm thế khác”.
Gia đình là cái nôi đầu tiên để đứa trẻ tiếp nhận những chuẩn mực giá trị đạo đức; cha mẹ là người thầy đầu tiên điều chỉnh, uốn nắn, giáo dục trẻ. Do đó, nếu cách giáo dục không nhất quán, thậm chí trái ngược nhau sẽ dễ khiến trẻ hoang mang, khó xử. Lâu dần, trẻ cũng phải học cách thích ứng với lối dạy khác nhau của cha và mẹ. Trẻ phải luôn luôn suy nghĩ để đưa ra được các cách ứng phó tùy thuộc từng hoàn cảnh khác nhau, đi với ba thì nói theo ba, đi với mẹ thì làm theo mẹ để vừa lòng cả hai. Cách giáo dục này làm mất đi tính thật thà, hồn nhiên và vô tư của trẻ. Vô hình trung, cha mẹ đã gián tiếp hình thành ở trẻ tính dối trá, làm vẩn đục tâm hồn của con mình.
Sự hòa hợp tâm lý giữa các thành viên trong gia đình, giữa các thế hệ, giữa vợ chồng rất quan trọng, là cơ sở để thống nhất các quan điểm, phương pháp tác động giáo dục con cái. Đứa trẻ tiếp thu không chỉ bằng lời giáo huấn của cha mẹ mà quan trọng hơn hết là từ thái độ, hành vi ứng xử của cha mẹ đối với nhau. Thiếu sự thống nhất trong quan niệm và phương pháp giáo dục con trẻ, nếu không tinh tế và được dàn xếp khéo léo, sẽ gây ra tình trạng một trong hai người phó thác việc nuôi dạy cho người kia. Bởi vậy, khi cha mẹ đùn đẩy trách nhiệm nuôi dạy con, trẻ sẽ nghiêng về một phía và không tiếp thu lời dạy của người kia. Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ có thể khác nhau về phương pháp tác động, nhưng phải có sự nhất trí về mục đích giáo dục con. Vì thế, cần chú ý đến vai trò gương mẫu của mình để trẻ bắt chước và hành xử theo.
Nhiều bậc phụ huynh cứ nghĩ trẻ con chẳng biết gì, lời nói gió bay, đâu biết rằng với tính tò mò hay quan sát, bằng sự hiểu biết non nớt, trẻ cũng phán xét, đánh giá các sự việc chứng kiến. Vì thế, với những gì quá bất công theo cách nghĩ của mình, trẻ sẽ không chấp nhận. Và, do thiếu kinh nghiệm ứng xử, trẻ sẽ có các cách phản ứng khác nhau. Khi thấy cha mẹ bất nhất, trẻ sẽ mất lòng tin vào cả hai người, sẽ phản kháng bằng thái độ bướng bỉnh, khó bảo để chống đối lại sự bất đồng trong lối giáo dục của cha mẹ.
Trong gia đình, không thể tránh khỏi những xung đột và bất đồng ý kiến giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, khi dạy con, cha mẹ cần thống nhất, biết lắng nghe và tôn trọng nhau. Thậm chí, nếu cha mẹ biết ứng xử khéo léo, sẽ dạy cho trẻ biết quan tâm đến người khác và âm thầm làm “đại sứ” để hòa giải các mâu thuẫn của cha mẹ, là cầu nối để kết mối tình thân cho mọi thành viên trong gia đình.
(Theo PNO)