- Tại tòa, đại diện Ngân hàng Xây dựng (CB) khẳng định, ngân hàng mình thiệt hại 6.126 tỷ thông qua kết luận điều tra chứ không phải trên thực tế.
Sáng nay, luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho bà Hứa Thị Phấn đề nghị được hỏi về số tiền 600 tỷ mà Phạm Công Danh chuyển cho bà Phấn, bởi theo luật sư, hoàn toàn không có lời khai của bà Phấn tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa về số tiền 600 tỷ. HĐXX chấp nhận đề nghị này nhưng yêu cầu luật sư không được hỏi về đường đi của số tiền trên.
Bị cáo Phạm Công Danh
Trước câu hỏi của luật sư về việc chuyển số tiền này cho bà Phấn nhằm mục đích gì, chuyển trả cá nhân hay trả cho hoạt động của Ngân hàng Đại Tín trước đây, bị cáo Phạm Công Danh từ chối trả lời. Dù vậy, bị cáo Danh thừa nhận, có mối quan hệ cá nhân với bà Hứa Thị Phấn và bà Phấn có nói với bị cáo về việc mượn tiền các nơi để chăm sóc khách hàng.
Luật sư tiếp tục hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về số tiền 600 tỷ mà bà Phấn nhận được từ tài khoản của Phạm Công Danh. "Theo ông, khi ngân hàng chuyển giao cho chủ mới thì quyền và nghĩa vụ ai là người phải chịu trách nhiệm? có phải ngân hàng nhận chuyển giao không?"
Ông Đặng Văn Thảo (Phó Cơ quan thanh tra NHNN tại VNCB) trả lời “Có kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ của Ngân hàng cũ”.
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc có biết tài khoản của bà Phấn có gì đặc biệt so với các tài khoản khác? Bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn) cho hay “Tập đoàn Thiên Thành và bà Phấn có ký kết gì với nhau thì bị cáo không biết. Khi bị cáo làm ở chi nhánh VNCB Sài Gòn, bà Phấn mở tài khoản cá nhân, bà ấy phải chịu trách nhiệm với tài khoản của bà. Còn các giao dịch khác bị cáo không có trách nhiệm quản lý”.
Bị cáo Trầm Bê |
Luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho Ngân hàng Sacombank đề nghị CB xác định chính xác số tiền thiệt hại là bao nhiêu và dựa trên cơ sở nào?
Đại diện CB cho hay, theo quan điểm của CB thì số tiền rút ra, bị thu hồi từ 3 ngân hàng là hơn 6.126 tỷ đồng. Việc tính toán dựa trên kết quả điều tra và truy tố của VKS.
"Cho đến 4/1/2018, CB mới gửi văn bản yêu cầu đòi bồi thường, tức là phát sinh sau này?" - luật sư tiếp tục đặt câu hỏi.
“Chúng tôi khi xác định tư cách tham gia vụ án thế nào thì xác định quyền, tư cách và nghĩa vụ theo tư cách đó”. - lời đại diện CB
Luật sư tiếp tục đặt câu hỏi, việc CB cho rằng mình thiệt hại 6.126 tỷ thì việc thiệt hại này có liên quan gì không khi 4.500 tỷ là khoản phải trả, là để tăng vốn?
“Không có gì liên quan, vì 4.500 tỷ không phải khoản phải trả”, đại diện CB khẳng định.
Trước câu hỏi, đoàn giám định NHNN khẳng định dòng tiền 1.800 tỷ là hợp lệ, kể cả tiền đi ra. Sacombank tất toán khoản nợ của 6 công ty bằng tiền gửi cầm cố là hợp lệ. Ngân hàng CB có biết không, ý kiến thế nào? Đại diện CB tiếp tục trả lời: “Đã có trong chứng cứ vụ án. Luật sư có thể xem và tham khảo thẩm vấn tại tòa, chứ không phụ thuộc chứng cứ đơn lẻ nào cả”.
Luật sư bảo vệ cho Sacombank tiếp tục truy vấn: “Vậy CB đòi bồi thường thiệt hại dựa vào đâu?”
Đại diện CB trả lời: “Dựa vào hành vi vi phạm pháp luật. Chúng tôi đề nghị xác định bồi thường của các cá nhân dựa theo hành vi vi phạm của các bị cáo và HĐXX sẽ quyết định mức bồi thường cụ thể”.
“Tức là ngân hàng không có ý kiến mà dựa vào quyết định của HĐXX?”, luật sư tiếp tục đặt câu hỏi.
“Đúng vậy”, CB thừa nhận.
Liên quan tới 2 căn nhà của Trầm Bê bị kê biên ở quận Bình Tân và quận 6, HĐXX đã mời 2 người liên quan là con của bà Viên Tú Anh (chị vợ ông Trầm Bê) tới tòa.
Theo con gái bà Tú Anh, căn nhà số 26A ở An Dương Vương là của mẹ bà nên mong HĐXX giải tỏa kê biên, trả lại cho gia đình.
“Kính đề nghị HĐXX xem xét trả lại căn nhà vì đó là tài sản của ba mẹ chúng tôi, không liên quan đến ông Trầm Bê”, người con trai bà Tú Anh nói.
HĐXX cho hay, đây là căn nhà kê biên, việc xử lý HĐXX sẽ xem xét một cách toàn diện.
“Anh khẳng định đây là nhà cha mẹ anh, nhưng bố anh đã mất, nên phải xác định thừa kế, nên tòa mời triệu tập hai anh. Anh có khai căn nhà còn nhiều người trong gia đình sinh sống là các cô chú của anh, vì vậy HĐXX yêu cầu những người ấy phải làm giấy ủy quyền để hai anh có toàn quyền xử lý tài sản này. Các ủy quyền phải đúng theo quy định pháp luật, tức là có chữ ký, công chứng, thể hiện đúng ý chí của họ gửi cho hai anh”, HĐXX giải thích.
Trước lời giải thích này, đại diện cho bà Tú Anh khẳng định đầu tuần tới sẽ nộp giấy ủy quyền cho HĐXX.
Kết lúc phần xét hỏi, HĐXX thông báo phiên tòa tạm nghỉ đến thứ 2 sẽ tiếp tục với phần luận tội của đại diện VKS.
Tuần đầu xử đại án VNCB: Phạm Công Danh nổi nóng, Trầm Bê bật khóc
Nổi nóng vì không được khai về khoản chi lãi ngoài, Phạm Công Danh nổi nóng còn Trầm Bê thì bật khóc vì không phục tội danh bị truy tố.
Hồ sơ công ty 'ma' của Phạm Công Danh quá hoàn hảo, BIDV 'mắc bẫy'
Tin tưởng vào việc giới thiệu của VNCB và những bộ hồ sơ quá hoàn hỏa, BIDV đã đồng ý cho vay tiền mà không hề biết 12 công ty này là công ty "ma", sân sau của Trần Công Danh.
Em trai Phạm Công Danh: Vì tin tưởng nên giúp anh mở công ty ‘ma’
Giải thích cho việc giúp Phạm Công Danh thành lập một loạt công ty “ma”, em trai bị cáo Danh nói “Tôi tin tưởng anh trai mình và cũng nghĩ vô tư nên giúp đỡ thôi”.
Nhân viên dưới quyền Phạm Công Danh 'chế' báo cáo tài chính để vay tiền
Nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn khai, để làm hồ sơ vay 4.700 tỷ của BIDV, bị cáo và nhân viên sử dụng báo cáo tài chính trong hồ sơ vay Sacombank và thiếu đâu thì...“tự chế”.
Bị cáo Phạm Công Danh: 'Ngân hàng NN ép tăng vốn nên mới làm sai'
"Nếu như Ngân hàng Nhà nước không thúc ép thì chúng tôi sẽ không thực hiện hành vi sai trái này...", bị cáo Danh nói.
Đoàn Nga