Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức hội thảo khoa học ngành Ngân hàng với chủ đề “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam” với mục tiêu nhận diện, thời cơ và thách thức của việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam.
Thông tin từ cổng thông tin NHNN, trong một thập niên qua thế giới đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ công nghệ số làm thay đổi mạnh mẽ cách thức vận hành của hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội cũng như thói quen và hành vi của con người. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng không ngoại lệ. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin hiện nay đang hình thành nên ngân hàng số - xu hướng mới cho ngân hàng bán lẻ tương lai, mang đến những cơ hội mới cho các ngân hàng thương mai nhưng cũng đặt ra những thách thức cần phải vượt qua cho các quản lý.
Phát biểu khai mạc hội thảo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: “Kỷ nguyên số của nhân loại đang diễn ra một cách mạnh mẽ, kế tiếp là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với những công nghệ đặc trưng như: Internet kết nối vạn vật, Bigdata, điện toán đám, trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, Blockchain… Những khái niệm về kinh tế số, ngân hàng số hoặc công nghệ tài chính (Fintech) đã trở thành những thuật ngữ từng bước phổ biến của giới kinh doanh, người dân và các nhà quản lý.
Số hóa mọi giao dịch trong hoạt động ngân hàng đã tạo ra bước đột phá của ngành dịch vụ tài chính trong thế kỷ XXI. Số hóa đang làm thay đổi cấu trúc ngành dịch vụ tài chính, có thể ảnh hưởng đến vai trò độc tôn trung gian của các định chế tài chính truyền thống (các ngân hàng); công nghệ đã sáng tạo ra nhiều kênh cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính đến mức đơn giản (chỉ cần cái chạm tay, nhấp chuột, hay một mã vạch) đã có thể thực hiện giao dịch; sản phẩm dịch vụ tài chính cũng được thiết kế trên nền tảng công nghệ một cách đơn giản hơn như gọi vốn, cho vay ngang hàng, thanh toán di động... Giao dịch ngân hàng, tài chính trên môi trường mạng, môi trường di động sẽ nhanh chóng giúp hàng triệu người lần đầu tiên được tiếp cận dịch vụ tài chính, không chỉ dịch vụ thanh toán, mà còn các dịch vụ khác như tiết kiệm, đầu tư, bảo hiểm và vay vốn với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mô hình tài chính truyền thống”.
Theo đó, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh mong muốn tại Hội thảo này, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia tập trung thảo luận, giải quyết 3 nhóm vấn đề chính đó là: Khoảng trống về mặt pháp lý cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân; phòng chống gian lận trong kinh doanh... Trong đó, chú ý đến vấn đề về xác thực khách hàng trên nền tảng kỹ thuật số (eKYC/digital KYC); tính pháp lý của văn bản số và chữ ký số trong thời đại ngân hàng số; giám sát các hoạt động ngân hàng và phòng chống rửa tiền.
Đề xuất cơ chế, chính sách quản lý ngân hàng số làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại triển khai digital banking, bao gồm các khía cạnh như: hướng hoàn thiện khuôn khổ chính sách hiện tại phù hợp với bối cảnh hiện nay; cách thức thử nghiệm các khuôn khổ chính sách mới; cũng như nâng cao năng lực quản lý và giám sát của NHNN và các cơ quan có liên quan đối với lĩnh vực ngân hàng số.
Các ngân hàng thương mại cũng như các công ty Fintech Việt cần có chiến lược, bước đi, giải pháp như thế nào để theo kịp sự bùng nổ của thị trường dịch vụ tài chính số để không tụt hậu, không thua trên sân nhà.
Tại Hội thảo, tham luận của các diễn giả đề cập đến khái niệm ngân hàng số đã dần trở nên phổ biến với khá nhiều chuyên gia từ các tổ chức tài chính quốc tế nghiên cứu về lĩnh vực này, xoay quanh các khái niệm ngân hàng 3.0, digital bank, digital transformation. Các nghiên cứu đều chung nhận định về xu hướng phát triển ngân hàng số - được coi là tương lai của ngân hàng trong kỷ nguyên số với những thay đổi trong hành vi của khách hàng khi mà các phát minh trong lĩnh vực công nghệ thông tin như thiết bị di động thông minh, mạng xã hội, điện toán đám mây đã thay đổi hành vi con người và xã hội loài người, thu hẹp khoảng cách, thúc đẩy kết nối và giao lưu văn hoá, kinh tế một cách nhanh chóng và toàn diện.
Mặc dù đã xuất hiện trên thế giới từ năm 2010, tuy nhiên ngân hàng số là một khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Với sự phát triển như vũ bão của CNTT và làn sóng số hoá phát triển mạnh mẽ, ngân hàng số có nhiều tiềm năng sẽ trở thành mô hình kinh doanh chủ đạo của các NHTM tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo thống kê của WorldBank, năm 2015 tại Việt Nam tỷ lệ số đăng ký sử dụng Internet trên 100 dân là 48,3%, tỷ lệ số điện thoại trên 100 dân là 147%. Đánh giá của Tổ chức giám sát doanh nghiệp quốc tế BMI 2015 cho thấy Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng Internet khá cao (9/%/năm), xếp hạng 15 trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam có 52% dân số dùng Internet, tỷ lệ khách hàng của các hệ thống NHTM tại Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng số như mobile banking, Internet banking chiếm khoảng 44%.
Như vậy, có thể thấy Việt Nam có tiềm năng to lớn phát triển ngân hàng số. Tuy nhiên, ngân hàng số là loại hình có nhiều điểm khác biệt, rất mới so với mô hình ngân hàng truyền thống từ phương thức thiết kế sản phẩm, chính sách, quy trình sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng...
Hành lang pháp lý hiện hành còn nhiều quy định chưa tương tích với bối cảnh số hoá dịch vụ, chưa thực sự thúc đẩy cho phát triển ngân hàng số, thanh toán số. Điều này đòi hỏi việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như xây dựng hành lang pháp lý mới nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán trong kỷ nguyên số là rất cần thiết.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến quý giá, hữu ích về nhận diện, thời cơ và thách thức của việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam trong tương lai, thiết kế một khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển sẽ là cơ sở cho các cơ quan quản lý trong việc định hướng và hình thành các giải pháp về cơ chế, chính sách để phát triển ngân hàng số tại Việt Nam.